Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Doanh nhân Hồ Việt Anh, CEO OSAM - AWS Advanced Partner: “Ngã” vào cuộc chơi công nghệ
Thế Hoàng - 16/06/2019 09:20
 
Sáng lập, dẫn dắt và đưa Công ty TNHH Quốc tế OSAM - AWS Advanced Partner trở thành một trong những đối tác hàng đầu châu Á của Amazon Web Services - AWS (Mỹ), Hồ Việt Anh luôn đau đáu với câu hỏi: làm thế nào để truyền cảm hứng đổi mới sáng tạo cho thế hệ trẻ Việt Nam bằng công nghệ và hỗ trợ tối đa cho các start-up Việt.
.
Doanh nhân Hồ Việt Anh.

Truyền cảm hứng sáng tạo bằng công nghệ

Hồ Việt Anh (sinh năm 1988) là gương mặt trẻ tạo được dấu ấn đậm nét trong cộng đồng khởi nghiệp trẻ với vai trò sáng lập Công ty TNHH Quốc tế OSAM - AWS Advanced Partner (OSAM) và Cộng đồng người dùng điện toán đám mây AWS tại Việt Nam, chuyên hỗ trợ cho những người trẻ và cộng đồng start-up Việt. OSAM được đánh giá là một start-up thành công với dịch vụ tư vấn, hỗ trợ người dùng và các start-up dịch chuyển lên đám mây của AWS và đổi mới sáng tạo trên nền tảng công nghệ.

Nhưng, ít ai biết, chàng trai 8X này lại tay ngang “ngã” vào cuộc chơi của giới công nghệ.

Học ngành sinh học phân tử, nhưng đam mê công nghệ thông tin, Hồ Việt Anh từ bỏ cơ hội nhận học bổng du học châu Âu và bắt đầu sự nghiệp với vị trí chuyên viên phân tích nghiệp vụ công nghệ tài chính (Business Analyist Fintech)  trong một doanh nghiệp Mỹ.

“Trước khi thành lập OSAM và Cộng đồng người dùng AWS, tôi làm việc cho một doanh nghiệp Mỹ với mức lương mà nhiều bạn trẻ ao ước. Xuất phát điểm không phải học công nghệ, nhưng nhờ tiếp cận AWS, tôi trở thành người làm về công nghệ và đam mê lúc nào cũng không hay”, Việt Anh giãi bày.

Việt Anh kể, năm 2012, anh có cơ hội tham gia mảng fintech start-up của doanh nghiệp Mỹ. “Người Mỹ họ chọn hàng Mỹ và dùng AWS. Khi đó, trong dự án không có ai làm về lĩnh vực này, nên tôi với vai trò chuyên viên phân tích nghiệp vụ, đã được giao đảm trách. Điều kỳ diệu là, khi tham gia sâu vào lĩnh vực công nghệ, tôi càng đào sâu nghiên cứu, càng thấy hay”, CEO 8X chia sẻ về hành trình tiếp cận AWS.

Cũng bởi có duyên với công nghệ, nên Hồ Việt Anh không ngừng học hỏi. Sau đó, anh đã nhận được Chứng chỉ Kiến trúc sư giải pháp của AWS - một chứng nhận cần thiết cho người làm việc trong lĩnh vực công nghệ.

Đến nay, ngoài việc hỗ trợ trên 50 start-up tại Việt Nam về vốn đầu tư hạ tầng công nghệ, Cộng đồng người dùng AWS của Hồ Việt Anh còn hỗ trợ về công nghệ để các start-up có thể phát triển bền vững trên nền tảng đầu tư ban đầu. 

“AWS vốn là một trong các dịch vụ của Amazon hoạt động dựa trên nền tảng cloud computing (điện toán đám mây), được ra mắt vào năm 2006. Hiện nay, Amazon là nhà cung cấp cloud computing có doanh thu lớn nhất thế giới với vô số khách hàng trên toàn thế giới. Đó là lý do tôi tìm đến AWS”, Việt Anh cho biết.

Sau một số lần tham dự các sự kiện của AWS, nhận thấy nhiều quốc gia đều có cộng đồng người dùng điện toán đám mây, anh quyết định phải thành lập một cộng đồng như vậy.

Năm 2016, Việt Anh thành lập cộng đồng người dùng điện toán đám mây của Việt Nam, lấy tên là AWS Vietnam User Group. Ban đầu, anh chỉ đặt mục tiêu, Cộng đồng sẽ là nơi chia sẻ để nâng cao kiến thức về điện toán đám mây, nhưng đây là tiền đề cho sự ra đời của Công ty OSAM một thời gian sau đó, để phục vụ cộng đồng ở quy mô lớn hơn và chuyên nghiệp hơn.

Với mong muốn mang các dịch vụ của AWS đến với doanh nghiệp và start-up ở Việt Nam, Hồ Việt Anh đã chọn điện toán đám mây làm công cụ để tối ưu hoá lợi thế khi sử dụng nền tảng cloud AWS với mức phí tối ưu nhất.

Lý do, theo Việt Anh, AWS đang dẫn đầu ngành điện toán đám mây, khi 7 - 8 năm liên tiếp đều đứng hàng top của các bảng xếp hạng và có rất nhiều dịch vụ, tính năng để mọi người dễ dàng tiếp cận.

“Sứ mệnh của Cộng đồng AWS là hỗ trợ cho tất cả các cá nhân, những người yêu thích về công nghệ hoặc thậm chí là không biết về công nghệ, nhưng vẫn muốn làm gì đó về công nghệ có thể tìm hiểu, bắt đầu với điện toán đám mây, cụ thể là nền tảng AWS”, Việt Anh chia sẻ.

Hỗ trợ start-up phi lợi nhuận

Công ty OSAM thành lập đầu năm 2017. Dù hoạt động trong một lĩnh vực còn rất mới mẻ, nhưng với sự dẫn đường của CEO đam mê công nghệ như Hồ Việt Anh và sự chung tay của các cộng sự, đến nay, Cộng đồng người dùng AWS đã hỗ trợ hiệu quả cho các start-up Việt. Trong bối cảnh làn sóng start-up nổi lên ở khu vực Đông Nam Á nói riêng và trên thế giới nói chung, thì những hỗ trợ về công nghệ là rất quan trọng.

“Cộng đồng này gồm 6 kênh chính: Facebook, Slack, Skype, Slideshare, Meetup và Telegram, đều là những kênh rất phổ biến. Cộng đồng hoạt động hoàn toàn phi lợi nhuận”, Việt Anh hào hứng chia sẻ.

Đến nay, ngoài việc hỗ trợ được trên 50 start-up tại Việt Nam về vốn đầu tư hạ tầng công nghệ, Cộng đồng người dùng AWS của Hồ Việt Anh còn hỗ trợ về mặt công nghệ để các start-up có thể phát triển bền vững trên nền tảng những đầu tư ban đầu.

Việt Anh thẳng thắn nhìn nhận, đối với một doanh nghiệp khởi nghiệp như OSAM, hơn 2 năm vừa qua chưa nói lên điều gì, nhưng anh cũng rất tự hào vì sau một thời gian tập trung vào mảng điện toán đám mây, đến thời điểm này, OSAM là công ty duy nhất tại Việt Nam hoạt động trong lĩnh vực này và ít nhiều đã tạo được vị thế tương đối tốt trong khu vực.

Trong hơn 2 năm qua, OSAM đã làm việc với trên 200 khách hàng là các doanh nghiệp, trong đó có cả các doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp vừa và nhỏ cùng các start-up tại Việt Nam.

Hiện OSAM là một trong 4 công ty trong khu vực ASEAN được chứng nhận AWS Service Delivery, là thành viên có khả năng phân phối các dịch vụ cho khách hàng về điện toán đám mây.

Thêm nữa, OSAM còn đạt chứng nhận Solution Provider (Nhà cung cấp dịch vụ đám mây) của AWS và nhận được đánh giá tốt từ khách hàng với danh hiệu Customer Engagements.

Số hóa là con đường tất yếu

Làm về công nghệ, nhất là trong thời đại 4.0, Hồ Việt Anh ý thức rất rõ xu thế ứng dụng số hóa vào phát triển doanh nghiệp và đời sống. Anh khẳng định, ở Việt Nam và châu Á, dư địa thị trường để chuyển đổi số hóa trên nền tảng điện toán đám mây rất tiềm năng. Chính vì vậy, Hồ Việt  Anh cùng đội ngũ OSAM đang nỗ lực từng ngày để tư vấn cho các khách hàng, doanh nghiệp, và các start-up trong chuyển đổi số trên nền tảng điện toán đám mây.

Giải thích về lợi thế của chuyển đổi số trên nền tảng này, Việt Anh cho rằng, đối với cloud computing, các doanh nghiệp không phải đầu tư quá nhiều hạ tầng ban đầu, không cần dùng các máy chủ vật lý, cồng kềnh.

“Thông thường, khi doanh nghiệp phải trang bị máy móc, hệ thống máy chủ… để làm việc, quy trình mua bán rất phức tạp, máy móc phải khấu hao. Đặc biệt, khi xảy ra sự cố sẽ mất rất nhiều thời gian để sửa chữa, doanh nghiệp có thể bị tạm ngừng hoạt động, không bán được hàng, doanh thu giảm sút… Nhưng với công nghệ điện toán đám mây, mọi thứ sẽ được giải quyết rất dễ dàng. OSAM cung cấp dịch vụ tư vấn cho doanh nghiệp để chuyển đổi số thành công. Đây chính là điểm khác biệt tương đối lớn của OSAM so với các công ty khác trong cùng lĩnh vực và trên thế giới”, Việt Anh nói.

Với OSAM, giải pháp chuyển đổi số cho mỗi doanh nghiệp, mỗi start-up là một bài toán khác nhau, giống như việc xây nền móng cho mỗi công trình, tòa nhà. Vì vậy, đội ngũ OSAM thường làm việc trực tiếp và rất chi tiết với mỗi khách hàng để đưa ra những giải pháp phù hợp nhất, tối ưu nhất. CEO OSAM còn nói vui rằng, “trong tất cả các vụ đưa khách hàng từ mặt đất lên đám mây, chưa có khách hàng nào quay trở lại cả”.

Trao đổi với CEO Hồ Việt Anh

Tại sao OSAM chỉ xây dựng trên nền tảng của Amazon Web Services (AWS), mà không bắt tay với những nhà cung cấp đám mây khác, như VMware chẳng hạn?

Xét trên thực tế công việc, thì 100% công việc OSAM thực hiện là trên AWS; nhưng xét về hình thức kinh doanh, thì chúng tôi có liên kết với khoảng 15 - 20 công ty, họ cung cấp dịch vụ điện toán đám mây, nhưng không trực tiếp giống như AWS.

Ví dụ, có công ty cung cấp về email, hoặc dịch vụ quảng cáo… để bổ sung cho hệ sinh thái của các doanh nghiệp phát triển trên nền tảng cốt lõi của doanh nghiệp trên AWS.

Không chỉ OSAM mới nhìn thấy cơ hội trở thành đối tác của AWS tại Việt Nam để phát triển start-up, anh có lo ngại bị chia sẻ khách hàng?

Hiện tại, có nhiều doanh nghiệp kinh doanh theo mô hình như OSAM, nhưng OSAM khác biệt vì chúng tôi là công ty làm 100% về công nghệ điện toán đám mây. Chúng tôi có khả năng đi đến tận cùng để giải quyết những bài toán khó nhất cho khách hàng.

Câu chuyện khởi nghiệp của một CEO công nghệ không biết Internet là gì
Tuổi thơ khốn khó là động lực để Delane Parnell viết nên câu chuyện khởi nghiệp thần kỳ: Trở thành CEO của một startup thể thao điện tử...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư