Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 28 tháng 03 năm 2024,
Doanh nhân Trần Thế Cường: Học khởi nghiệp để mở doanh nghiệp
Gia Huy - 24/03/2017 08:22
 
Theo đuổi ngành báo chí và chọn hướng theo dõi mảng khởi nghiệp để tìm hiểu kinh nghiệm khởi nghiệp cũng như tạo dựng các mối quan hệ phục vụ việc mở doanh nghiệp khi điều kiện chín muồi. Đó là cách đi và đã gặt hái thành công của Trần Thế Cường, người sáng lập Công ty TNHH Công nghệ VIHAT (TP.HCM).

Đi học khởi nghiệp

Khi còn nhỏ, Trần Thế Cường ước mơ học ngành kinh tế để lập công ty. Nhưng ước mơ vào trường kinh tế bị phá vỡ khi anh nhận thấy, những người học kinh tế rất khó lập nghiệp, bởi họ thiếu thực hành và thiếu mối quan hệ.

“Qua tìm hiểu, chỉ có ngành báo chí mới giúp tôi đi sát thực tế con đường đã chọn. Khi làm phóng viên, tôi chọn mảng khởi nghiệp để viết, để có thể tới các vườn ươm, tiếp cận các start-up để viết, với mong muốn học hỏi kiến thức và hướng đi để rồi khi đủ kiến thức cũng như mối quan hệ, tôi sẽ khởi nghiệp”, Trần Thế Cường cho biết.

Trần Thế Cường (ngoài cùng bên trái), người sáng lập Công ty VIHAT trao đổi công việc cùng các cộng sự
Trần Thế Cường (ngoài cùng bên trái), người sáng lập Công ty VIHAT trao đổi công việc cùng các cộng sự

Từ thời sinh viên (Trường cao đẳng Phát thanh - Truyền hình 2, TP.HCM), Cường cùng 2 người bạn đã định hướng sau này khởi nghiệp sẽ phát triển các ứng dụng dành cho điện thoại di động. Khi đã chín muồi, đầu năm 2016, Cường và các bạn đã chính thức ra mắt Công ty TNHH Công nghệ VIHAT.

 “Vì có quá nhiều doanh nghiệp đang hoạt động trong lĩnh vực này, nên tôi phải tìm hướng đi riêng để theo đuổi là đáp ứng nhu cầu nhanh hơn, giá rẻ hơn”, Cường cho biết.

Khi khởi nghiệp, các start-up luôn gặp khó và Công ty của Cường không phải là ngoại lệ. Khó khăn lớn nhất của Công ty VIHAT là tiếp cận thị trường. Để có thể tạo ứng dụng nhanh và dễ sử dụng, Công ty đã nghiên cứu những công nghệ lập trình mới nhất của thế giới. Thời gian đầu, sản phẩm TeraApp - phần mềm bán hàng, marketing cho doanh nghiệp của VIHAT bị lỗi rất nhiều, vì hầu như chưa ai có kinh nghiệm làm việc với công nghệ mới này.

Khi bắt đầu có khách hàng, ngày càng nhiều tính năng mới được khách hàng yêu cầu, nên áp lực rất lớn. Vì không có kinh phí nâng cấp máy chủ, nên tình trạng quá tải xảy ra khá thường xuyên. Trong tình huống như vậy, khách hàng mới không thể đăng ký, trong khi khách hàng cũ sử dụng không ổn định. Lúc đó, không chỉ bộ phận chăm sóc khách hàng, mà cả bộ phận kỹ thuật cũng phải vào cuộc.

Về sau, khi đã có dòng doanh thu ổn định, hệ thống máy chủ được mở rộng, nên tình trạng này không còn diễn ra. Bên cạnh đó, để phục vụ khách hàng của mình tốt hơn, đội ngũ nhân viên của VIHAT có khi phải xuống tận Đồng Nai, Vũng Tàu, Long An, An Giang… để hướng dẫn trực tiếp cho khách hàng.

Tìm điểm yếu của đối thủ để phát triển

Theo Trần Thế Cường, có tham gia thị trường mới biết sức cạnh tranh trong kinh doanh lớn thế nào và muốn giành chiến thắng thì doanh nghiệp phải tìm điểm yếu của đối thủ để phát triển thành điểm mạnh của mình.

Cường cho biết, điểm yếu của các doanh nghiệp đối thủ là truy cập ứng dụng rất khó, xử lý thông tin chậm và chi phí cao. Từ đó, Công ty VIHAT nỗ lực tạo ra những lợi thế cho mình bằng cách tạo khả năng dễ dàng tiếp cận ứng dụng, xử lý thông tin nhanh chóng và tiết kiệm chi phí.

Ngoài ra, VIHAT cũng giúp các doanh nghiệp tạo ứng dụng để bán hàng và mở rộng kênh marketing, quảng bá thương hiệu. Mọi thứ trên TeraApp đều tự động, có sẵn các tính năng và giao diện, doanh nghiệp có thể dễ dàng bật - tắt hoặc kéo thả từng phần trên nền tảng này để thiết kế ứng dụng mà mình mong muốn.

Mặt mạnh khác mà công nghệ của Công ty VIHAT đưa ra là khách hàng có thể dễ dàng thay đổi và cập nhật ứng dụng của mình mà không cần phải trang  bị kiến thức về lập trình.

“Với những cố gắng đó, đến nay, sau 9 tháng kinh doanh thử nghiệm, ứng dụng TeraApp đã có hơn 4.000 tài khoản đăng ký. Công ty đã có 4 đại lý tại Việt Nam và 4 đại lý ở Mỹ. Khách hàng tiềm năng mà VIHAT muốn hướng đến là hơn 500.000 doanh nghiệp Việt Nam”, Cường cho biết.

Cũng theo Trần Thế Cường, định hướng lâu dài của Công ty VIHAT là tiếp tục phát triển phần mềm trên smartphone để tất cả doanh nghiệp Việt Nam đều có ứng dụng di động riêng phục vụ hoạt động bán hàng và chăm sóc khách hàng, đưa TeraApp sẽ trở thành nền tảng thiết kế ứng dụng di động số 1 ở Việt Nam. Để làm được điều đó, Cường cùng các cộng sự phải phát triển thêm nhiều tính năng mới cho phần mềm của mình.

Ngoài ra, việc mở rộng các kênh bán hàng và marketing cũng được Công ty đặc biệt chú trọng. VIHAT chủ trương thực hiện liên kết với các công ty phần mềm Việt Nam để tích hợp hệ thống, cùng hợp tác để phát triển, bởi theo Cường, “sân chơi” rộng lớn luôn cần những cái bắt tay hợp tác.

Startup thất bại do quá yêu ý tưởng ban đầu
Ông Trần Tuấn Anh, Giám đốc tài chính và Vận hành của Shopee Việt Nam cho rằng đa số startup thất bại do quá yêu ý tưởng ban đầu.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư