Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 28 tháng 03 năm 2024,
Doanh nhân và doanh nghiệp với sự thịnh vượng của quốc gia
GS - TSKH. Nguyễn Mại - 12/04/2017 07:51
 
Năm 1945, trong bối cảnh Chính phủ lâm thời mới được thành lập, phải đối phó với “giặc đói, giặc dốt, giặc ngoại xâm”, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tiếp một số doanh nhân tiêu biểu của Hà Nội. Lời Người nói cách đây hơn 70 năm vẫn còn mang tính thời sự: “Nền kinh tế quốc dân thịnh vượng tức là sự kinh doanh của các nhà công thương nghiệp thịnh vượng. Chính phủ, nhân dân và tôi sẽ tận tâm giúp đỡ giới công thương trong cuộc kiến thiết này”.

-I-

Lịch sử phát triển nửa cuối thế kỷ XX và đầu thế kỷ XXI đã chứng minh, sự giàu nghèo của các dân tộc không phải là định mệnh. Một số nước và vùng lãnh thổ từ điểm xuất phát thấp đã gia nhập nhóm công nghiệp phát triển chỉ sau vài thập niên. Hàn Quốc, Singapore, Hồng Kông và Đài Loan làm nên “sự thần kỳ Đông Á”, tiếp đó là Thái Lan, Indonesia và Malaysia từ thập niên 60 đến cuối thế kỷ XX, Trung Quốc từ đầu thế kỷ XXI và Ấn Độ từ đầu thập niên hiện nay.

Sự giàu có của quốc gia phụ thuộc vào nhiều nhân tố: địa lý, chính trị, văn hóa, truyền thống, trong đó đường lối chính sách của nhà nước và tinh thần kinh doanh của doanh nhân là hai nhân tố quyết định. Nhà nước là “bà đỡ” của doanh nghiệp khi mới ra đời, tạo lập môi trường sinh thái để ý tưởng, sáng kiến của doanh nhân biến thành hiện thực; doanh nghiệp thực hiện đổi mới và sáng tạo, áp dụng công nghệ mới, phương thức sản xuất và phân phối mới, năng lực cạnh tranh của sản phẩm và thương hiệu, tạo ra của cải xã hội, tạo việc làm và thu nhập cho người lao động, bảo đảm thỏa mãn nhu cầu tiêu dùng hàng hóa và dịch vụ của người dân.

Lịch sử hơn 40 năm của dân tộc Việt Nam từ khi đất nước thống nhất đến nay phân ra 2 giai đoạn phát triển kinh tế - xã hội gắn liền với đường lối, chính sách của Nhà nước và trạng thái kinh doanh của doanh nhân, doanh nghiệp.

Bác Hồ thăm Nhà máy Xe lửa Gia Lâm ngày 19-5-1955. Tại đây, Người nhắc nhở cán bộ, công nhân phát huy truyền thống cách mạng của nhà máy, ra sức thi đua xây dựng miền Bắc, ủng hộ cuộc đấu tranh của đồng bào miền Nam. Ảnh tư liệu Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh
Bác Hồ thăm Nhà máy Xe lửa Gia Lâm ngày 19-5-1955. Tại đây, Người nhắc nhở cán bộ, công nhân phát huy truyền thống cách mạng của nhà máy, ra sức thi đua xây dựng miền Bắc, ủng hộ cuộc đấu tranh của đồng bào miền Nam. Ảnh tư liệu Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh

Sau khi đất nước thống nhất, Nhà nước đã đề ra mục tiêu đầy tham vọng: phát triển với tốc độ nhanh trong điều kiện hòa bình, kinh tế miền Bắc và miền Nam bổ sung cho nhau, nhưng  mục tiêu kinh tế - xã hội của các kế hoạch kinh tế - xã hội đều không được thực hiện, lâm vào trạng thái “cả nước làm không đủ ăn”, phải phân phối “sự thiếu thốn”. Nguyên nhân chủ yếu là cơ chế kế hoạch hóa tập trung, quan liêu, bao cấp đã triệt tiêu động lực tăng trưởng kinh tế, khi lợi ích cá nhân không gắn liền với hiệu quả sản xuất, kinh doanh, khi kinh tế tư nhân không được khuyến khích phát triển và doanh nhân không được tôn trọng…

Từ khi có chủ trương đổi mới, chuyển sang kinh tế thị trường, dù tư duy kinh tế đã thay đổi theo hướng hình thành nền kinh tế nhiều thành phần, bình đẳng trước pháp luật, nhưng phải thêm gần 15 năm, từ năm 1986 đến năm 2000, khi Luật Doanh nghiệp ra đời, thì mới chuyển từ cơ chế xin - cho “doanh nghiệp được kinh doanh ngành nghề nhà nước cho phép” sang cơ chế thị trường “doanh nghiệp được kinh doanh ngành nghề mà pháp luật không cấm”.

Như vậy, mất 1/4 thế kỷ (1975- 2000), động lực chính của tăng trưởng kinh tế trong nước - kinh tế tư nhân mới được khởi động. Từ đó đến nay, hàng chục vạn doanh nghiệp tư nhân đã hình thành và phát triển, thái độ kỳ thị kinh tế tư nhân và doanh nhân từng bước được thay đổi. Mặc dù vậy, để đất nước được thịnh vượng, đòi hỏi phải tiếp tục “cởi các nút thắt” từ luật pháp, cơ chế, thủ tục hành chính, để kinh tế tư nhân thực sự trở thành động lực quan trọng của sự phát triển.

-II-

Doanh nhân Việt Nam thời Pháp thuộc là tầng lớp phải đối phó với những ràng buộc về pháp lý của nhà cầm quyền theo hướng cấm đoán, hạn chế người Việt Nam kinh doanh, nhưng họ vẫn tìm được phương thức hoạt động thích hợp. Một số người tích lũy được vốn liếng, kinh nghiệm thành lập và điều hành có hiệu quả nhiều hãng sản xuất, vận tải, thương nghiệp. Tiêu biểu là các ông Bạch Thái Bưởi, Trịnh Văn Bô, Nguyễn Sơn Hà..., những người không chỉ có ý chí và nghị lực trong kinh doanh, mà còn giàu lòng yêu nước, muốn đóng góp tài năng và trí tuệ để chấn hưng nền kinh tế dân tộc.

Doanh nhân Bạch Thái Bưởi được mệnh danh là “Vua vận tải Bắc Việt” đầu thế kỷ XX. Từ một chủ tiệm cầm đồ đã tích lũy vốn mở rộng kinh doanh sang ngành ăn uống, xuất bản và tàu biển, đến năm 1919, hãng của ông đã có 30 tàu thủy, trong đó có 3 tàu viễn dương. Năm 1928, ông bán tất cả các con tàu để lấy vốn đầu tư khai thác than đá. Than của ông được tiêu thụ trên thị trường nội địa và xuất khẩu. Ông quan tâm và chăm lo đời sống vật chất và tinh thần của 2.500 lao động của doanh nghiệp, có ý chí và quyết tâm “giành lại nền kinh tế đã bị nước ngoài cướp giật”.

Doanh nhân Trịnh Văn Bô và vợ khởi nghiệp kinh doanh năm 1932 từ cửa hàng tơ lụa tại nhà số 7 - Hàng Ngang, Hà Nội. Mặc dù chịu sự cạnh tranh của thương gia người Pháp và người Hoa, nhưng ông bà đã thiết lập quan hệ với thương nhân nhiều nước để nhập khẩu hàng hóa, mở rộng kinh doanh, hình thành thương hiệu Phúc Lợi nổi tiếng không chỉ ở trong nước, đầu tư xây dựng xưởng dệt vải trên diện tích 3 ha với 120 công nhân. Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, ông bà đã đóng góp tài năng và của cải cho Tổ quốc.

Doanh nhân Nguyễn Sơn Hà được vinh danh là “Ông tổ nghề sơn dầu Việt Nam”. Ông là doanh nhân tiêu biểu cho ý chí tự lập, sức sáng tạo và quyết tâm xây dựng thương hiệu Việt. Không những thế, ông còn đóng góp công sức, tiền của vào việc truyền bá quốc ngữ.

Nhiều doanh nhân thời kỳ này đã được lưu danh trong lịch sử phát triển công thương nghiệp Việt Nam, đã đóng góp quan trọng vào việc hình thành một số ngành, lĩnh vực kinh tế của dân tộc. Phần lớn họ giàu lòng yêu nước, có tinh thần dân tộc, có ý chí tự lập, tự cường, để lại cho đời sau nhiều kinh nghiệm quý.

-III-

Chuyển sang kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế, số doanh nhân Việt Nam ngày càng nhiều, kinh doanh đa dạng, được Nhà nước tạo điều kiện phát triển.

Do lịch sử phát triển của nước ta, nên hiếm có những doanh nhân cha truyền con nối qua nhiều thế hệ, hình thành những tập đoàn kinh tế lớn của gia đình. Đại bộ phận doanh nhân bắt đầu kinh doanh từ khi có chủ trương đổi mới và hội nhập quốc tế. Một số ít doanh nhân có thâm niên cao nhất khoảng 30 năm, phần lớn chỉ có 20 năm hoặc ít hơn. Tuổi đời phần lớn từ 30 đến 50 tuổi - độ tuổi dồi dào sức sáng tạo.

Một số doanh nhân  vốn là công chức nhà nước dù còn trong độ tuổi lao động, nhưng đã xin thôi việc. Số khác sau khi được nghỉ hưu do “có máu kinh doanh” đã lập doanh nghiệp, tận dụng được quan hệ với đồng nghiệp trong bộ máy chính quyền, nên được cấp đất, tạo điều kiện thuận lợi đầu tư vào dự án sinh lời nhanh, hình thành những doanh nghiệp ở từng vùng hoặc trên phạm vi cả nước. Có giám đốc công ty quốc doanh tận dụng cơ hội cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước để đầu tư vào cổ phiếu doanh nghiệp, sau một thời gian trở thành cổ đông chi phối, làm chủ tịch hoặc giám đốc công ty cổ phần.

Bà Mai Kiều Liên là điển hình của doanh nhân vốn là công chức nhà nước, hiện là Tổng giám đốc Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk). Dưới sự điều hành của người phụ nữ này, Vinamilk đã phát triển với tốc độ nhanh, đến năm 2016 doanh thu đạt 46.200 tỷ đồng, tăng gần 15% so với năm 2015, bằng 12 lần năm 2004; lợi nhuận sau thuế đạt 9.310 tỷ đồng, tăng 20% so với năm 2015, bằng 20 lần năm 2004.

Một số doanh nhân lập nghiệp bằng cách thành lập công xưởng nhỏ, sản xuất sản phẩm cung ứng cho thị trường địa phương, tích lũy vốn rồi mở rộng kinh doanh sang ngành nghề khác. Họ thiết lập quan hệ tốt với chính quyền, được khuyến khích, hỗ trợ của công chức nhà nước. Có người trở nên giàu có, mở rộng đầu tư ở các tỉnh, thành phố khác và đầu tư ra nước ngoài. Ông Đoàn Nguyên Đức là điển hình cho những doanh nhân này.

Ông khởi nghiệp từ một xưởng mộc nhỏ đóng bàn ghế học sinh; năm 1993 thành lập Xí nghiệp tư nhân Hoàng Anh Pleiku, năm 2006 chuyển thành Công ty cổ phần Hoàng Anh - Gia Lai kinh doanh gỗ, khoáng sản, cao su, thủy điện, địa ốc, nông nghiệp và bóng đá, niêm yết tại Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM năm 2008. Năm 2008 và 2009, ông liên tiếp được xếp ở vị trí thứ nhất trong danh sách những người giàu nhất Việt Nam. Năm 2012, ông xếp ở vị trí thứ hai với tài sản 5.600 tỷ đồng, sau ông Phạm Nhật Vượng.

Công ty cổ phần Hoàng Anh Gia Lai đã đầu tư tại Lào, Campuchia và Myanmar các dự án trồng cao su, trồng rừng, trồng mía sản xuất đường, tổ hợp khách sạn. Mặc dù trải qua một số thăng trầm, nhưng đến 2017, Công ty có xu hướng phục hồi và phát triển.

Một số doanh nhân là người Việt Nam định cư ở nước ngoài chuyển tiền theo dạng kiều hối về nước cho người thân, trong đó khoảng 50% trở thành vốn đầu tư lập doanh nghiệp, có người trở lại quê hương đem theo vốn và kinh nghiệm kinh doanh từ nơi họ cư trú để thành lập doanh nghiệp tại Việt Nam; sau một thời gian không ít doanh nhân Việt kiều đã làm giàu trên đất nước mình.

Chúng ta có quyền hy vọng vào đội ngũ doanh nhân đã thành đạt trên thương trường sẽ đóng góp nhiều hơn vào sự thịnh vượng của quốc gia.

Bà Nguyễn Thị Phương Thảo là điển hình cho tầng lớp doanh nhân đi học từ nước ngoài trở về. Bà được Tạp chí Forbes công nhận là tỷ phú thứ hai của Việt Nam, sau ông Phạm Nhật Vượng, đứng thứ 45 trong tổng số 56 nữ tỷ phú tự thân toàn cầu năm 2017, với tài sản ròng ước tính 1,2 tỷ USD. Vietjet đã niêm yết trên Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM  ngày 28/2/2017, vốn hóa thị trường đạt khoảng 38.000 tỷ đồng. Ngoài ra, bà Thảo còn có các công ty kinh doanh bất động sản.

Chủ tịch FPT Trương Gia Bình không chỉ xây dựng thành công Tập đoàn Công nghệ thông tin, viễn thông FPT, mà còn đóng góp vào sự phát triển của ngành này tại Việt Nam. Ông đã được nhận Giải thưởng Nikkei do Tập đoàn truyền thông hàng đầu Nhật Bản Nikkei lập ra để vinh danh các cá nhân và tổ chức châu Á (trừ Nhật Bản) có công lớn trong 3 lĩnh vực là phát triển khu vực, khoa học và công nghệ, đổi mới và văn hóa. 

Chúng ta có quyền hy vọng vào đội ngũ doanh nhân đã thành đạt trên thương trường sẽ đóng góp nhiều hơn vào sự thịnh vượng của quốc gia. Đồng thời, chúng ta cũng đặt niềm tin vào doanh nhân trẻ tuổi, mà trong vài ba năm gần đây đã tạo nên trào lưu khởi nghiệp. Họ là những thanh niên vừa tốt nghiệp đại học, cao đẳng, gặp dịp Nhà nước khuyến khích và tạo môi trường kinh doanh thuận lợi để phát triển công nghệ và dịch vụ hiện đại.

Hàng vạn doanh nghiệp khởi nghiệp đã được thành lập khắp các địa phương, ở nhiều ngành như công nghệ thông tin, thương mại điện tử, dịch vụ hiện đại, nông nghiệp công nghệ cao. Họ là doanh nhân trẻ, đầy nhiệt huyết và tham vọng làm giàu và đóng góp cho Tổ quốc, phải vượt qua nhiều thử thách, một bộ phận đã thu được thành công ban đầu, cũng có người thất bại một đôi lần.

Tầng lớp doanh nhân trẻ tuổi đã chứng minh được năng lực, tính sáng tạo của họ trong cuộc trường chinh trên thương trường, rất cần được sự hỗ trợ của Nhà nước, của doanh nhân thành đạt bằng các quỹ đầu tư mạo hiểm và sự hợp tác chân thành, để họ vượt qua khó khăn khi mới lập nghiệp, trưởng thành nhanh chóng, góp phần tích cực với doanh nhân và doanh nghiệp lớp trước hướng tới mục tiêu thịnh vượng của quốc gia.

Chủ tịch Hồ Chí Minh với doanh nhân Việt Nam
() Ngày 13/10/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi thư tới giới công - thương Việt Nam. Tới nay, ngày này đã trở thành ngày kỷ niệm Doanh nhân Việt...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư