Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 25 tháng 04 năm 2024,
"Đôi cánh" doanh nghiệp giúp Thái Nguyên bay cao
Hữu Tuấn - 04/07/2018 14:02
 
Masan và Samsung Thái Nguyên là 2 doanh nghiệp “đầu đàn”, giúp tỉnh Thái Nguyên phát triển đột phá trong những năm qua.

Đánh thức mỏ Núi Pháo

Masan Resources và Samsung Thái Nguyên là 2 doanh nghiệp được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nêu trong bài phát biểu tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư năm 2018 với chủ đề “Thái Nguyên - Tiềm năng phát triển và cơ hội đầu tư”, diễn ra cuối tuần qua.

Mỏ Núi Pháo thuộc Masan Resources, được Thủ tướng lấy làm ví dụ về một mô hình “khai thác, chế biến sâu hiệu quả, thành công, là cơ sở để xây dựng một ngành công nghiệp khai khoáng chế biến sâu, phục vụ chiến lược công nghiệp hoá của đất nước”. 

Samsung Thái Nguyên được Thủ tướng đánh giá là “cụm công nghiệp công nghệ cao chế tạo điện tử đóng vai trò chủ đạo, đóng góp lớn vào giá trị sản xuất công nghiệp của cả nước”. 

Trở về thời điểm trước năm 2010, mỏ Núi Pháo lúc đó dù được cấp phép từ năm 2004, nhưng vì nhiều lý do cả khách quan và chủ quan đã không thể triển khai. Tập đoàn Masan đã vào cuộc mua lại cổ phần và tái khởi động dự án trong sự hoài nghi, lo lắng của nhiều người.

Masan và Samsung là những nhà đầu tư tạo ra nhiều việc làm, đóng góp lớn nhất cho nguồn thu ngân sách của tỉnh Thái Nguyên. Không những thế, bằng công nghệ cao, thiết bị hiện đại, các doanh nghiệp này đang làm thay đổi toàn bộ nền công nghiệp sản xuất xuất khẩu, thúc đẩy công nghiệp hỗ trợ của tỉnh Thái Nguyên, tạo ra một vị thế, diện mạo lớn để nền kinh tế - xã hội tỉnh Thái Nguyên khởi sắc, cất cánh bay cao.

“Tôi vẫn còn nhớ vào ngày 18/6/2010 tại Thái Nguyên, sau khi tiếp nhận lại từ doanh nghiệp nước ngoài với cam kết triển khai thành công Dự án Núi Pháo, Tập đoàn Masan đã làm lễ tái khởi động Dự án Núi Pháo với sự tham dự của vài chục cán bộ công nhân viên với tràn đầy khát vọng, nhiệt huyết và hừng hực niềm tin “Vietnam can do” - Việt Nam có thể thực hiện thành công Dự án vô cùng lớn và đầy thách thức này. Cũng đúng vào ngày 18/6/2018 vừa qua, chúng tôi đã tổ chức Lễ kỷ niệm 8 năm tái khởi động Dự án với sự tham gia của hàng ngàn cán bộ công nhân viên, các đối tác kinh doanh và đại diện các ban, ngành địa phương…”, ông Nguyễn Đăng Quang, Chủ tịch Tập đoàn Masan nói.

Từ năm 2010 đến nay, Masan đã đầu tư gần 1 tỷ USD vào mỏ Núi Pháo, mang những công nghệ, thiết bị hiện đại nhất, đội ngũ kỹ sư tinh nhuệ nhất, giỏi nhất để biến mỏ Núi Pháo từ  một vùng đất trống thành một dự án khai thác, chế biến khoáng sản hiện đại, thân thiện môi trường nhất Việt Nam hiện nay.

.
Ông Nguyễn Đăng Quang, Chủ tịch Tập đoàn Masan phát biểu tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư tỉnh Thái Nguyên năm 2018

“Hàng ngàn nhân viên của Masan tự hào đã góp phần đánh thức mỏ Núi Pháo và đưa vào vận hành thành công mỏ vonlfram lớn nhất thế giới của Việt Nam. Chúng tôi đã thực thi xuất sắc để trở thành nhà cung cấp các sản phẩm công nghiệp, chế biến sâu vonfram lớn nhất ngoài Trung Quốc, với doanh thu năm 2018 dự kiến là 8.000 tỷ đồng, chiếm 36% thị phần vonfram ngoài Trung Quốc, đóng góp gần 3.200 tỷ đồng vào ngân sách nhà nước trong giai đoạn 2015-2017. Không những vậy, chúng tôi còn đóng góp hàng năm 1 triệu USD vào các chương trình an sinh xã hội tại tỉnh Thái Nguyên”, ông Quang cho biết.

Masan Resources đã từng giữ kỷ lục về vận hành 18 triệu giờ lao động không có tai nạn gây mất ngày công, Dự án Núi Pháo đã trở thành một trong những nhà máy an toàn nhất thế giới trong ngành khoáng sản, được phái đoàn APEC đến thăm như một dự án điển hình về vận hành khai thác khoáng sản theo phương thức bền vững.  

Dự án Núi Pháo giờ đây không chỉ là một trong số ít dự án đóng góp ngân sách cao nhất tỉnh Thái Nguyên, mà còn là doanh nghiệp sử dụng hàng trăm chuyên gia nước ngoài giàu kinh nghiệm vận hành mỏ, chế biến và tinh luyện công nghệ cao, đã tạo việc làm cho hơn 2.000 lao động, xác lập chuẩn mực mới về nguồn nhân lực trong ngành khai thác khoáng sản tại Việt Nam.

Không những thế, Masan Resources đã làm tốt công tác bảo vệ môi trường và hỗ trợ dân sinh vì mục tiêu phát triển bền vững. Masan Resources đã đầu tư hạ tầng cho các khu tái định cư như Nam Sông Công, Hùng Sơn 3 và Đồng Bông. Các khu tái định cư này được đánh giá là cảnh quan đẹp và có cơ sở hạ tầng, dịch vụ tốt nhất tỉnh Thái Nguyên. Ngoài ra, Công ty còn hỗ trợ cho người dân bị ảnh hưởng thông qua các chương trình phục hồi kinh tế. Đã có khoảng 6.000 người dân địa phương được hưởng lợi trực tiếp từ các chương trình của Công ty.

“Chúng tôi tự hào đưa Dự án Núi Pháo trở thành biểu tượng của tinh thần “Vietnam can do” khi trở thành nhà chế biến sâu hoá chất công nghiệp và kim loại với quy mô toàn cầu”, ông Quang khẳng định.

.
Dự án Mỏ Núi Pháo thuộc Masan Resources là một mô hình khai thác, chế biến sâu hiệu quả, thành công

Đại diện Tập đoàn Masan cũng đề xuất, do mỏ Núi Pháo là mỏ đa kim, công nghệ chế biến phức tạp, sản phẩm của Công ty đã được Bộ Công thương chứng nhận là sản phẩm công nghiệp và giấy chứng nhận công nghệ cao trong chế biến sâu. Do vậy, đề xuất tỉnh Thái Nguyên, Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính, Tổng cục Địa chất và Khoáng sản (Bộ Tài nguyên và Môi trường) có chính sách nhất quán và hướng dẫn cụ thể, sát tình hình thực tế, phù hợp với đặc thù là mỏ đa kim để doanh nghiệp duy trì môi trường ổn định trong hoạt động kinh doanh. 

“Đồng thời, chúng tôi kiến nghị cải cách mạnh mẽ hơn nữa, giảm thiểu và rút ngắn các thủ tục hành chính cho các doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn để mang lại hiệu quả kinh tế cho doanh nghiệp, góp phần vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Thái Nguyên”, Đại diện Masan nói.

Dự án công nghiệp lớn nhất Thái Nguyên

Samsung Electronics Việt Nam Thái Nguyên (SEVT - Thái Nguyên) hiện là dự án lớn nhất tỉnh Thái Nguyên với tổng số vốn đầu tư 6,2 tỷ USD (gồm cả Công ty TNHH Hansol Electronics Việt Nam và Công ty Samsung Electro Mechanics Việt Nam). Tổ hợp Samsung Thái Nguyên giải quyết việc làm cho 70.000 lao động, chiếm khoảng 50% tổng số lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp, công ty trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên.

Ông Shim Won Hwan, Tổng giám đốc Tổ hợp Samsung Việt Nam cho biết, một trong những yếu tố thành công của Dự án là sự nhiệt huyết và quan tâm của lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên. 

“Điểm khác biệt nhất của Thái Nguyên với các địa phương khác ở chỗ, lãnh đạo chính quyền địa phương rất tích cực và nhiệt huyết. Thời điểm đó, văn phòng của chúng tôi đặt ở nhà máy Bắc Ninh, vốn đã đi vào hoạt động từ trước. Khi đó, lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên đã đến thăm văn phòng chúng tôi nhiều lần và bày tỏ mong muốn thu hút đầu tư, thể hiện nhiệt huyết và tích cực đến nỗi chính tôi đã bị thuyết phục. Và ngay sau khi quyết định đầu tư, tỉnh đã rất nỗ lực để thấu hiểu và hỗ trợ doanh nghiệp, cung cấp các điều kiện thuận lợi về đất đai, nhân lực và cơ sở hạ tầng cho chúng tôi, đơn giản hoá các thủ tục hành chính…”, ông Shim Won Hwan cho biết.

Ngoài ra, còn các yếu tố thuận lợi khác như vị trí địa lý và hạ tầng của tỉnh Thái Nguyên, nguồn nhân lực dồi dào, chất lượng cao, tấm lòng hiếu khách của người dân Thái Nguyên đối với Samsung. 

Tuy vậy, đại diện của Samsung cũng cho rằng, hiện vẫn còn nhiều quy định không có trong luật hoặc không rõ ràng, mất rất nhiều thời gian để chờ hướng dẫn. Đồng thời, có nhiều quy định mới hoặc sửa đổi, có trường hợp hồi tố. Đây là những rủi ro lớn nhất đối với hoạt động của doanh nghiệp. Đặc biệt, thị trường toàn cầu hiện nay biến đổi một cách nhanh chóng, nếu các thủ tục pháp luật, cơ chế, hành chính mất nhiều thời gian, không đưa ra được quyết định cuối cùng sẽ khiến cho hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp bị trở ngại rất lớn.

“Trên quan điểm lâu dài, chúng tôi mong muốn TP. Thái Nguyên được quy hoạch thật tốt để mang lại nhiều tiện ích và ổn định hơn nữa cho người dân của tỉnh, hay người dân của các địa phương khác đến Thái Nguyên sinh sống và làm việc, trong đó có nhân viên Samsung”, đại diện Tập đoàn Samsung đề xuất.

“Masan Way” lạc hướng!?
Tại Nhật Bản, “Toyota Way” với 14 nguyên lý kinh doanh độc đáo đã đưa Toyota trở thành hãng xe hơi lớn nhất thế giới, còn tại Việt Nam, “Masan...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư