Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Đổi mã vùng để quy hoạch lại kho số
Hữu Tuấn - 25/11/2016 09:12
 
Theo Quyết định số 2036/QĐ-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông (TTTT), từ ngày 11/2/2017, mã vùng điện thoại cố định 59/63 tỉnh, thành phố sẽ được thay đổi.

Phải quy hoạch lại “kho số”

Cùng với sự bùng nổ của công nghệ viễn thông, điện thoại cố định đã suy giảm mạnh. Theo báo cáo của các doanh nghiệp viễn thông, hiện toàn quốc có khoảng 5 triệu thuê bao cố định, tổng lưu lượng của các cuộc gọi liên tỉnh từ di động và từ quốc tế vào số cố định Việt Nam chỉ chiếm khoảng 1,6% tổng lưu lượng viễn thông Việt Nam.

Theo ông Trần Mạnh Tuấn, Phó cục trưởng Cục Viễn thông (Bộ TTTT), việc điều chỉnh quy hoạch kho số viễn thông là bình thường và cần thiết. Thông thường khoảng 10 - 15 năm, các nước trên thế giới lại điều chỉnh quy hoạch kho số để đáp ứng tốt nhu cầu phát triển. Việt Nam xây dựng và ban hành kho số lần đầu vào năm 2006. Khi đó, để tránh gây ảnh hưởng đến người sử dụng, trong khi vẫn đảm bảo kho số sử dụng trong vòng 10 năm, nên quy hoạch năm 2006 giữ nguyên hiện trạng mã vùng và mã mạng đã tồn tại từ trước.

.
Sau khi thực hiện, tất cả các mã vùng được đưa về đầu 2, sẽ thu lại được nhiều đầu mã để chuyển thuê bao di động 11 chữ số về 10 chữ số, góp phần hạn chế sim rác, tin nhắn rác.

Tuy nhiên, trong quá trình chia tách, hợp nhất tỉnh, thành phố, độ dài mã vùng của Việt Nam không nhất quán. Tỉnh thì có mã vùng dài 3 chữ số, tỉnh khác lại chỉ có 1 hoặc 2 chữ số, nên khi gọi đường dài trong nước hoặc gọi từ mạng di động đến số cố định, lúc thì quay 10 số, lúc lại quay 11 số, dẫn đến dễ gây nhầm lẫn và khó nhớ. Điều này không phù hợp với thông lệ quốc tế.

Trước đó, từ năm 2014, để giải quyết các bất cập nói trên, Bộ TTTT sửa đổi quy hoạch kho số viễn thông năm 2014, điều chỉnh lại mã vùng, mã mạng. Cùng với đó, Bộ cũng cho các tỉnh, thành phố liền kề được gom chung vào một nhóm mã vùng (ví dụ nhóm mã vùng 20x là các tỉnh Đông Bắc), mở ra cơ hội sau này dễ dàng giảm mã vùng trên toàn quốc từ 63 xuống còn khoảng 10 vùng. Ngoài ra, sau khi thực hiện kế hoạch, tất cả các mã vùng được đưa về đầu 2, sẽ thu lại được nhiều đầu mã để chuyển thuê bao di động 11 chữ số về 10 chữ số, góp phần hạn chế sim rác, tin nhắn rác.

Bộ TTTT cho biết, việc chuyển đổi mã vùng sẽ không ảnh hưởng đến số thuê bao mà vẫn giữ nguyên như cũ. Nghĩa là, khi thực hiện cuộc gọi nội hạt, từ cố định đến cố định trong một tỉnh, thành phố sẽ không có gì thay đổi.

“Tác động thực sự tới các cuộc gọi không nhiều, hơn nữa, tác động này chỉ kéo dài trong một khoảng thời gian, khi người dân quen với mã vùng thì không ảnh hưởng nữa”, ông Tuấn nói.

Ông Phan Tâm, Thứ trưởng Bộ TTTT cho biết, kế hoạch chuyển đổi mã vùng kho số viễn thông đã được Bộ chỉ đạo, khảo sát đánh giá năng lực của hệ thống và thử nghiệm hệ thống trên thực tế. Việc chuyển đổi mã vùng không chỉ diễn ra ở Việt Nam, mà còn là xu hướng chung trên thế giới khi mà dịch vụ điện thoại cố định suy giảm mạnh và người dùng chuyển sang sử dụng di động là chính.

Tuyên truyền sâu rộng tới khách hàng

Theo ông Phan Tâm, quy hoạch kho số có hiệu lực từ ngày 1/3/2015, tuy nhiên, việc triển khai được cơ quan chức năng thực hiện thận trọng vì có ảnh hưởng tới sinh hoạt của người dân, hoạt động sản xuất, kinh doanh của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp (nhiều doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức phải làm lại các sản phẩm có gắn với mã vùng như card visit, bao bì, biển quảng cáo...).

Để hạn chế tác động, Bộ TTTT đã tiến hành việc chuyển đổi theo các bước: thông báo rộng rãi trên phương tiện truyền thông đại chúng; tiến hành biện pháp kỹ thuật để quay số song song trong 30 ngày kể từ thời điểm bắt đầu chuyển đổi; duy trì âm báo trong thời gian tối thiểu 30 ngày kể từ thời điểm kết thúc quay số song song (thông báo bằng tiếng Việt, tiếng Anh).

Ông Tâm cũng cho biết, để bảo đảm người dân nắm được thông tin, Bộ đã có một quá trình chỉ đạo, góp ý cho doanh nghiệp xây dựng các kế hoạch tuyên truyền như chuẩn bị tờ rơi, cung cấp thông tin tại các đại lý dịch vụ viễn thông, tập huấn nhân viên tại các điểm cung cấp dịch vụ để người dân gặp khó khăn có thể được giải đáp, chuẩn bị các bộ câu hỏi sẵn để được hỗ trợ ngay.

Ông Phan Tâm cũng yêu cầu các doanh nghiệp cần xây dựng phần mềm để người dân có thể tự chuyển đổi; có kế hoạch hỗ trợ người dân trong thời gian chuyển đổi tại các tỉnh, thành phố.

Thực hiện kế hoạch này, Tập đoàn Bưu chính - Viễn thông Việt Nam (VNPT), đơn vị có nhiều thuê bao điện thoại cố định nhất, đã triển khai nhiều biện pháp, chuẩn bị các phương án kỹ thuật, tối ưu hóa thiết bị để thực hiện việc chuyển đổi.

Ông Nguyễn Nam Long, Tổng giám đốc VNPT Net cho biết, VNPT đã sẵn sàng đổi mã vùng điện thoại cố định ở 63 tỉnh, thành phố. Việc chuyển đổi sẽ có ảnh hưởng đến khách hàng nên VNPT đã tính toán đến phương án giữ số song song trong một thời gian để khách hàng nhận biết.

Những thuê bao di động nào không được chuyển mạng giữ số?
Dự thảo thông tư quy định về chuyển mạng giữ nguyên số của Bộ TT&TT có quy định những thuê bao không đăng ký thông tin cá nhân chính xác, thuê bao...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư