Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Góc nhìn Đầu tư
Đối thoại kiến tạo
Bảo Duy - 06/03/2018 09:20
 
Cho dù kết quả của cuộc đối thoại chính sách giữa cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp ngành ô tô diễn ra vừa qua còn phải đợi các cuộc họp phân tích chuyên sâu, nhưng xu hướng chắc chắn sẽ tốt lên theo nghĩa tích cực nhất.
.
Cuộc đối thoại chính sách giữa cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp ngành ô tô vừa diễn ra tuần qua. Ảnh minh họa: Một dây chuyền lắp ráp ô tô

Các doanh nghiệp đã thoải mái vì được nói ra những ấm ức, những nghi ngờ về khoảng mờ chính sách, được giãi bày những thực tiễn kinh doanh, cả khó khăn, thuận lợi và những phi lý mà họ đang phải đối mặt.

Các cơ quan quản lý nhà nước có cơ hội chia sẻ những nhu cầu quản lý nhà nước, yêu cầu của nền kinh tế đang trong giai đoạn chuyển đổi; lý giải sự lựa chọn chính sách trong bài toán tổng thể kinh tế - xã hội.

Điều quan trọng là, thông điệp tạo dựng môi trường chính sách thuận lợi, bình đẳng, cạnh tranh, giảm chi phí cho doanh nghiệp thêm một lần nữa được Tổ công tác của Thủ tướng xác định là kim chỉ nam cho các cuộc làm việc xem xét, nghiên cứu kiến nghị của doanh nghiệp trong cuộc đối thoại trong nội bộ cơ quan quản lý nhà nước.

Tư duy dựng rào cản hành chính vốn ăn sâu, bén rễ trong nhiều thế hệ công chức, các nhà hoạch định chính sách tiếp tục nhận thêm những phản biện đầy sức nặng từ cả thị trường lẫn đòi hỏi nội tại.

Các doanh nghiệp sẽ an tâm với các kế hoạch kinh doanh khi biết chắc chắn rằng, các vấn đề của doanh nghiệp, doanh nhân sẽ được cân nhắc với tinh thần của Chính phủ kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo và hiệu quả - thông điệp 10 chữ mà Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã gửi tới bộ máy trong năm 2018.

Có lẽ cũng phải nhắc tới kế hoạch làm việc tới đây về việc cắt giảm thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh giữa Tổ công tác của Thủ tướng với các bộ Công an, Quốc phòng, Tư pháp, Công thương, Y tế, Giáo dục và Đào tạo, Giao thông - Vận tải, Xây dựng, Khoa học và Công nghệ, Lao động - Thương binh và Xã hội, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài chính, Tài nguyên và Môi trường, Thông tin và Truyền thông, Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng Ngân hàng Nhà nước Việt Nam từ ngày 28/2.

Đây là phần việc mà Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ưu tiên trong năm nay, khi đặt mục tiêu đưa Việt Nam vào nhóm ASEAN-4 về năng lực cạnh tranh và môi trường kinh doanh trong Nghị quyết 01, trong đó bảo đảm cắt giảm, đơn giản hóa 50% danh mục hàng hóa, sản phẩm và thủ tục kiểm tra chuyên ngành, cắt giảm, đơn giản hóa 50% điều kiện đầu tư, kinh doanh.

Chuẩn bị cho các cuộc làm việc này, các bộ, ngành được yêu cầu rà soát, đề xuất cụ thể phương án cải cách hoạt động kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu cũng như các phương án cắt giảm, bãi bỏ điều kiện kinh doanh không cần thiết, bất hợp lý theo hướng vừa bảo đảm tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp vừa đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước, nhất là với những ngành nghề đặc thù.

Nhưng có lẽ cũng cần thêm các cuộc đối thoại với doanh nghiệp từng ngành, lĩnh vực, để mọi việc đều được đặt lên bàn.

Sẽ không thể có một phương án tuyệt đối, một chính sách dung hòa mọi lợi ích, nhưng khi các đối tượng chịu tác động sẵn sàng cùng ngồi bàn thảo, cân nhắc các khía cạnh, các quyết định chính sách sẽ trở nên rõ ràng, minh bạch, xác thực và dễ chấp nhận ngay cả với những nhóm có thể sẽ phải chia sẻ lợi ích trước mắt.

Đối thoại Chính sách phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam
Ngày mai (27/4) tới, Bộ Công thương sẽ tổ chức Đối thoại chính sách phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư