Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Đón ưu đãi, FDI Hàn Quốc đổ sang công nghệ
Khánh An - 18/05/2013 07:01
 
Doanh nghiệp Hàn Quốc đang chuyển đầu tư sang lĩnh vực điện tử, công nghệ cao để tận dụng ưu đãi.
TIN LIÊN QUAN

Doanh nghiệp Hàn Quốc chuyển hướng đầu tư vào công nghệ để tận dụng ưu đãi ở mức cao nhất

Sự có mặt của Công ty TNHH Doosun Industries Hàn Quốc tại Thái Nguyên với Dự án Đầu tư xây dựng nhà máy in công nghệ cao tại Cụm công nghiệp Nguyên Gon (thị xã Sông Công) gần như là đương nhiên sau khi Samsung đổ thêm 2 tỷ USD vào Thái Nguyên để xây dựng xây tổ hợp sản xuất điện thoại di động và các thiết bị công nghệ cao.

Vừa được cấp giấy chứng nhận đầu tư ngày 14/5 vừa qua, dự án có tổng vốn đầu tư 14 triệu USD và công suất dự kiến 10.000 tấn sản phẩm/năm này sẽ hoàn tất xây dựng vào tháng 9/2013, để đưa vào vận hành từ tháng 10/2013, kịp thời phục vụ các yêu cầu về in công nghệ cao cho dự án của Samsung.

Không chỉ những doanh nghiệp mới đến, Crucialtec Vina, doanh nghiệp sản xuất các thiết bị cho điện thoại di động, như phím điều hướng quang học với tổng vốn đầu tư khoảng 35 triệu USD đầu tư tại Khu công nghiệp Yên Phong, Bắc Ninh từ tháng 8/2013 cũng đang rốt ráo kế hoạch mở rộng đầu tư. Ông Hwang Bok Hyun, đại diện Công ty Crucialtec Vina cho biết, từ tháng 4/2013, Công ty đã triển khai xây dựng nhà máy thứ hai để ứng dụng dây chuyền công nghệ mới.

Đúng như ông Kim Jung In, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Hàn Quốc (Korcham) đã nhận định, sự có mặt của Samsung, LG với các dự án lớn đang hút mạnh dòng vốn đầu tư của Hàn Quốc vào Việt Nam không chỉ trong các lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp phụ trợ cho các dự án này, mà còn trong các lĩnh vực công nghệ cao khác. “Sự chuyển dịch lĩnh vực đầu tư trong các doanh nghiệp Hàn Quốc là rất rõ ràng. Chỉ tính riêng quý I/2013, trong số 157 triệu USD đã giải ngân của doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam, đã có 138 triệu USD từ các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghệ”, ông Kim Jung In nói.

Động thái này hoàn toàn khác với hoạt động đầu tư quen thuộc của các doanh nghiệp Hàn Quốc lâu nay, đó là da giày, dệt may. Ông Kim Jung In phân tích, đa phần doanh nghiệp Hàn Quốc đầu tư vào da giày, dệt may để tận dụng ưu thế về lao động giá rẻ, giá thuê đất rẻ…

“Tuy nhiên, các điều kiện kinh doanh tại Việt Nam đã thay đổi theo hướng bất lợi cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực sử dụng nhiều lao động, đất đai. Điều này buộc doanh nghiệp Hàn Quốc phải tính toán để chuyển dịch”, ông Kim Jung In nói và nhấn mạnh tới mục tiêu tận dụng tối đa các ưu đãi trong cơ chế chính sách hiện hành của doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam.

Ngay chính Crucialtec Vina, vào tháng 7/2012, đã quyết định thay đổi dây chuyền, ứng dụng công nghệ mới vào sản xuất các sản phẩm độc quyền của Tập đoàn để đảm bảo các điều kiện để xin cấp giấy chứng nhận hoạt động ứng dụng công nghệ cao.

“Công ty đã có được giấy chứng nhận này vào tháng 11/2012. Chúng tôi đang lên kế hoạch để có được giấy chứng nhận doanh nghiệp công nghệ cao”, ông Hwang Bok Hyun thẳng thắn chia sẻ mục tiêu để khai thác tối đa ưu đãi mà doanh nghiệp có thể nhận được khi thực hiện dự án đầu tư trong lĩnh vực mà Việt Nam đang ưu tiên.

Theo quy định hiện hành, các doanh nghiệp được cấp Giấy chứng nhận hoạt động ứng dụng công nghệ cao, nghiên cứu và phát triển công nghệ cao, doanh nghiệp thành lập mới từ dự án đầu tư sản xuất sản phẩm công nghệ cao, doanh nghiệp công nghệ cao và Giấy chứng nhận doanh nghiệp khoa học và công nghệ được hưởng ưu đãi ở mức cao nhất, như miễn lệ phí trước bạ khi đăng ký quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà; ưu tiên cho thuê đất, cơ sở hạ tầng, ưu đãi miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp…

Tất nhiên, những chuyển dịch trong lĩnh vực đầu tư này của các doanh nghiệp Hàn Quốc còn bởi sự thúc ép của thị trường, nhất là khi yêu cầu về đổi mới công nghệ, cạnh tranh về giá của sản phẩm công nghệ cao ngày càng gay gắt, song như Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Viết Thanh phân tích, đây là chuyển biến tích cực khi các doanh nghiệp nỗ lực đạt được các tiêu chí theo quy định của pháp luật Việt Nam.

Những động thái này có thể thay đổi bản đồ thực trạng công nghệ của doanh nghiệp FDI tại Việt Nam vốn đang khá èo uột. Đó là 5 - 6% doanh nghiệp FDI sử dụng công nghệ tiên tiến, 8 - 10% là công nghệ trung bình, còn lại là công nghệ lạc hậu. Khi đó, tác động lan tỏa từ khu vực này tới các doanh nghiệp nội địa và cả nền kinh tế sẽ được đẩy mạnh theo hướng chuyển giao công nghệ và tăng giá trị gia tăng, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Tuy nhiên, cũng không thể phủ nhận, số lượng doanh nghiệp đạt được những tiêu chí để có được các giấy chứng nhận trên chưa nhiều. Theo các doanh nghiệp tham gia Tọa đàm các chính sách và giải pháp hỗ trợ đối với các doanh nghiệp FDI hoạt động trong lĩnh vực công nghệ cao vừa được Korcham tổ chức, những tiêu chí và việc thực hiện ưu đãi hiện chưa rõ ràng. Thậm chí, ông Hwang Bok Hyun cho biết, hiện tại, Công ty chưa có được những hướng dẫn để thực hiện ưu dãi mà doanh nghiệp được hưởng từ các cơ quan thuế, hải quan. Đó là chưa kể việc tìm kiếm nguồn nhân lực chất lượng cao, sự kết nối giữa doanh nghiệp và các đơn vị nghiên cứu, đào tạo của Việt Nam rất thấp.

Thực tế này ảnh hưởng không nhỏ tới các quyết định chuyển dịch của các doanh nghiệp. Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Trần Viết Thanh cho biết, việc xây dựng chính sách nhằm thu hút vốn FDI vào công nghệ cao, công nghệ hợp lý sẽ được liên tục xem xét để phù hợp với điều kiện của Việt Nam và trên nguyên tắc win - win (hai bên cùng có lợi).

Cũng phải nhắc lại chính câu mà Đại sứ Hàn Quốc Ha Chan Ho khi trao đổi về nội dung này, đó là thận trọng trong việc xem xét cấp giấy chứng nhận trong lĩnh vực công nghệ cao, để nó không trở thành gánh nặng mới cho công tác quản lý thu hút đầu tư FDI tại Việt Nam.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư