Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Đơn vị sai phạm cố tình “phớt lờ” kết luận kiểm toán, xử lý thế nào?
Mạnh Bôn - 30/07/2015 08:36
 
Hiện có không ít đơn vị vi phạm trong quản lý, sử dụng tiền, tài sản công “phớt lờ” kiến nghị xử lý của Kiểm toán Nhà nước (KTNN). “Tình trạng này sẽ chấm dứt khi Luật KTNN năm 2015 có hiệu lực kể từ ngày 1/1/2016”, Phó tổng KTNN, ông Vũ Văn Họa khẳng định.

Theo ông, vì sao có tình trạng kiến nghị xử lý tài chính, tài sản công của KTNN đối với các đơn vị vi phạm không được thực hiện “đến nơi đến chốn”?

Theo Luật KTNN hiện hành, đơn vị được kiểm toán phải thực hiện kết luận, kiến nghị của KTNN đối với sai phạm trong báo cáo tài chính và sai phạm trong việc tuân thủ pháp luật. Nhưng trên thực tế, kiến nghị của KTNN chỉ là căn cứ để đơn vị được kiểm toán thực hiện, nên có giá trị pháp lý không cao, vì thế mới có tình trạng các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, dự án đầu tư chỉ thực hiện được 80-90% kiến nghị xử lý tài chính, tài sản công của KTNN.

Ngoài ra, việc thực hiện kiến nghị chậm còn có nguyên nhân là đơn vị vi phạm chưa có nguồn tài chính để thực hiện ngay, mà cần phải có thời gian. Đơn cử, số tiền này phải đầu tư vào dự án A, nhưng do nhu cầu cấp bách nên địa phương quyết định ưu tiên đầu tư cho dự án B. Do vậy, muốn thực hiện được kiến nghị phải đầu tư theo đúng công trình, dự án đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, thì địa phương phải chờ đến kế hoạch vốn năm sau mới có tiền để hoàn trả cho dự án A.

.
 Phó tổng Kiểm toán Nhà nước, ông Vũ Văn Họa

 

Khi Luật KTNN năm 2015 có hiệu lực, tình trạng “xem thường” kiến nghị của KTNN có tiếp diễn?

Từ năm 2016 trở đi, các đơn vị được kiểm toán sai phạm trong quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công bắt buộc phải thực hiện sau khi KTNN phát hành và công khai báo cáo kiểm toán. Báo cáo này còn là cơ sở để các cơ quan quản lý nhà nước thực hiện giám sát việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công và thực thi nhiệm vụ, quyền hạn của mình. Giá trị báo cáo kiểm toán được luật hóa nên sẽ chấm dứt được tình trạng không thực hiện, thực hiện không nghiêm túc hoặc không đầy đủ kiến nghị, kết luật của KTNN.

Nếu cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp vẫn không thực hiện kiến nghị xử lý tài chính, tài sản công của KTNN thì bị xử lý thế nào?

Chúng tôi sẽ kiến nghị cơ quan, người có thẩm quyền yêu cầu đơn vị được kiểm toán thực hiện đầy đủ, kịp thời kết luận, kiến nghị kiểm toán về sai phạm trong báo cáo tài chính và sai phạm trong việc chấp hành pháp luật; đề nghị xử lý những trường hợp không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ, kịp thời kết luận, kiến nghị.

Như vậy, KTNN cũng chỉ “kiến nghị” vì không có bộ máy, chế tài để xử lý, cưỡng chế thực hiện kiến nghị đối với đơn vị vi phạm?

Chúng tôi không thể thành lập riêng một bộ máy để đốc thúc, cưỡng chế đơn vị không thực hiện kiến nghị, vì như vậy biên chế sẽ quá lớn và cũng không thực sự hiệu quả. Mặc dù vậy, kết luận, kiến nghị của KTNN vẫn phải được thực hiện, đơn vị nào không thực hiện sẽ xử lý bằng nhiều biện pháp khác nhau.

Đơn cử, khi phát hiện khoản thu nào đó phải nộp vào ngân sách nhà nước, chúng tôi sẽ kiến nghị Bộ Tài chính chỉ đạo ngành thuế tổ chức thu hồi, cưỡng chế đơn vị vi phạm theo Luật Quản lý thuế bằng cách trích tiền từ tài khoản của đối tượng bị cưỡng chế; dừng làm thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất -  nhập khẩu; thông báo hóa đơn không còn giá trị sử dụng; thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp…

Nếu kiến nghị của KTNN không đúng, gây thiệt hại cho cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp thì sao, thưa ông?

Nếu kiểm toán kiến nghị không đúng thì đơn vị được kiểm toán có quyền khiếu nại lên cơ quan có thẩm quyền, thậm chí khởi kiện ra tòa án kinh tế. Trong trường hợp có kết luận là kiến nghị của KTNN không đúng, gây thiệt hại cho đơn vị được kiểm toán, thì Nhà nước sẽ hoàn trả số tiền, tài sản đã nộp vào ngân sách, đồng thời bồi thường thiệt hại theo đúng quy định của pháp luật.

Trong trường hợp kiểm toán viên do trình độ, năng lực, chuyên môn, nghiệp vụ, kinh nghiệm yếu mà kiến nghị sai thì chúng tôi sẽ xử lý vi phạm của kiểm toán viên, trưởng đoàn kiểm toán theo đúng quy định của Luật Công chức. Nếu họ bị phát hiện cố tình kiến nghị sai để trục lợi đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự, thì chúng tôi sẽ gửi hồ sơ sang cơ quan công an điều tra, khởi tố theo tội danh lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ.

Chủ tịch HĐQT Sabeco: Sabeco có thể mất 5% thị phần từ "sự cố" kiểm toán
Ông Phan Đăng Tuất, Chủ tịch HĐQT Tổng công ty cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) cho biết, "sự cố" kiểm toán có thể khiến...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư