Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Dòng chảy vốn ngoại 2017: Những yếu tố ổn định và bất định
Bài viết này phân tích những điểm nhấn quan trọng của bức tranh vốn đầu tư nước ngoài trong giai đoạn chuyển tiếp giữa năm mới và năm cũ, từ đó dự đoán những yếu tố ổn định và bất định của dòng chảy vốn ngoại trong năm 2017.

Vốn nước ngoài (tính cả vốn đầu tư trực tiếp và gián tiếp) là nguồn lực quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo việc làm và tạo điều kiện cho thị trường dịch vụ - tài chính Việt Nam phát triển. Vì vậy, dòng vốn nước ngoài như thế nào trong năm mới luôn là câu hỏi “nóng” đầu năm.

Năm 2017: Dòng vốn FDI vẫn ổn định

Diễn biến của dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) năm 2016 cho thấy, mặc dù Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) có thể không thành hiện thực, nhưng tác động tiêu cực của nguy cơ này đối với dòng vốn FDI không lớn. Năm 2016, tuy tổng vốn đăng ký đầu tư giảm 2,5% so với năm trước, nhưng số vốn giải ngân đạt 15,8 tỷ USD, tăng 9% so với năm 2015.

Bức tranh FDI của Việt Nam ở giai đoạn chuyển giao 2016 - 2017 vẫn có nhiều điểm sáng và sẵn sàng hướng tới sự ổn định.
Bức tranh FDI của Việt Nam ở giai đoạn chuyển giao 2016 - 2017 vẫn có nhiều điểm sáng và sẵn sàng hướng tới sự ổn định.

Số vốn đăng ký giảm là đáng lo, vì nó có thể hàm ý rằng, mối quan tâm của nhà đầu tư quốc tế đến Việt Nam có thể đã giảm. Tuy nhiên, con số này chịu độ nhiễu lớn vì từ đăng ký đến thực hiện là cả một quá trình và nhiều dự án sẽ điều chỉnh giảm vốn đăng ký hoặc tăng, vì vậy, nhiều nhất con số này là một cảnh báo nhẹ, hơn là một nguy cơ.

Với việc Việt Nam tiếp tục mở cửa và đẩy mạnh hội nhập vào kinh tế thế giới qua nhiều hiệp định thương mại song phương và đa phương như các hiệp định với Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc - New Zealand và các hiệp định tương lai với EU và việc thương thảo hiệp định RCEP (Regional Comprehensive Economic Partnership), dòng vốn FDI đón đầu xu thế mở rộng thương mại sẽ tiếp tục. Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tại Việt Nam, một trong những ngành thu hút FDI chủ chốt, vẫn có thể tiếp tục hưởng lợi từ dòng vốn này.

Với lợi thế về nhân công rẻ, có nguồn nguyên liệu rẻ và gần với những nhà cung cấp Trung Quốc, Thái Lan của các công ty đa quốc gia, Việt Nam vẫn là một điểm đến hấp dẫn để đầu tư vào ngành công nghiệp chế biến, chế tạo. Mặt khác, trong xu thế Nhật Bản và Hàn Quốc vẫn tiếp tục muốn đa dạng hóa các cơ sở sản xuất của mình để tránh rủi ro thiên tai hay chính sách từ bất cứ một nước nào làm gián đoạn chuỗi sản xuất của họ, thì thị trường CMLV (Campuchia - Myanmar - Lào - Việt Nam) sẽ hưởng lợi.

Tình thế hiện tại cho thấy, hai mấu chốt quan trọng để kéo dòng vốn đầu tư gián tiếp quốc tế về Việt Nam nằm ở việc giữ ổn định giá VND, kiểm soát lạm phát và nợ công.

So với các đối thủ này, tuy Campuchia đang trỗi dậy nhanh và Myanmar được nhắc đến rất nhiều, Việt Nam vẫn giữ được lợi thế tương đối (dù đang mất dần) về nguồn nhân lực có tay nghề, đầu tư hạ tầng và sự ổn định. Do đó, với tình hình chính trị ổn định và các chỉ số vĩ mô năm 2016 trong tầm kiểm soát, bức tranh FDI của Việt Nam ở giai đoạn chuyển giao 2016 - 2017 vẫn có nhiều điểm sáng và sẵn sàng hướng tới sự ổn định.

Vốn gián tiếp: Đón chờ những bất định

Về cơ bản, vốn đầu tư gián tiếp hiện đóng vai trò rất khiêm tốn trong tổng vốn nước ngoài ở Việt Nam (so với FDI và nợ nước ngoài). Theo ước tính của ANZ, tổng vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài giai đoạn 2001-2006 đạt 12 tỷ USD, giảm xuống mức 5,7 tỷ USD trong giai đoạn khó khăn 2007-2008. Hiện tại, một vài số liệu ước tính cho rằng, con số này vẫn chỉ trong khoảng 6 tỷ USD (tính tổng cộng vốn vào nhiều năm trừ đi vốn ra). Theo ước tính của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), số vốn gián tiếp đổ vào ròng của năm 2016 chỉ ở khoảng 4% so với FDI (IMF chỉ ước tính ở mức 13 tỷ USD, thay vì 15,8 tỷ USD), cũng phù hợp với những con số kể trên.

Ở khía cạnh nội bộ Việt Nam, trong năm 2017, vốn gián tiếp có cơ hội khởi sắc hơn nếu hoạt động cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước lớn được thực hiện đúng tiến độ. Tuy nhiên, ở bối cảnh toàn cầu, các thị trường mới nổi không thành công trong thu hút vốn đầu tư gián tiếp trong năm 2016. Báo cáo vốn đầu tư gián tiếp của IIF (Institute of International Finance) cho thấy, tổng vốn gián tiếp đổ vào thị trường mới nổi trong năm 2016 đang ở mức thấp nhất kể từ năm 2008.

Cú sốc bầu cử tổng thống ở Mỹ được viện dẫn là nguyên nhân chủ đạo (vì mức vốn đổ ra ròng của tháng 10 đến tháng 12 cao hơn rất nhiều so với 9 tháng trước đó), nhưng sự thật thì có rất nhiều lý do khác, như mối quan tâm về lãi suất ở các thị trường chính như Mỹ sẽ tăng lên, những bất ổn chính trị ở Thổ Nhĩ Kỳ và biến động của những cải cách kinh tế ở Ấn Độ, cũng như việc vốn đổ ào ạt ra khỏi Trung Quốc.

Ở giai đoạn hiện tại, rất khó để có thể nhận định liệu 2017 có thể là một năm hồi phục của vốn đầu tư gián tiếp ở thị trường mới nổi hay không. Vốn đang tiếp tục đổ ra khỏi Trung Quốc và bất chấp những nỗ lực của Chính phủ Trung Quốc, bao gồm việc áp đặt hàng loạt hạn chế lên việc chuyển tiền ra khỏi Trung Quốc thông qua các giao dịch chuyển vốn và siết chặt những lỗ hổng trong giao dịch vãng lai.

Cũng khó mà xác định liệu Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ tăng lãi suất nữa hay không và bao nhiêu lần trong năm 2017. Người ta từng dự đoán Fed sẽ tăng lãi suất 3-4 lần trong năm 2016, thế mà đến giữa năm, người ta còn nghĩ là Fed sẽ hạ lãi suất. Đến cuối năm thì Fed cuối cùng cũng tăng lãi suất, nhưng so với đầu năm thì rõ ràng là những dự đoán tưởng rất nhiều khả năng xảy ra đã hoàn toàn sai. Quan trọng hơn, người ta cũng không rõ đầu tàu kinh tế toàn cầu Mỹ sẽ ra sao dưới thời của Trump.

Nhìn toàn cục, những quan hệ phức tạp Nga - Trung - Mỹ, biến động Trung Đông và châu Âu..., chính sách tiền tệ ở châu Á và rủi ro nợ xấu trong hệ thống ngân hàng Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc và châu Âu đều tiềm ẩn những nguy cơ tháo chạy vốn. Ngược lại, xu thế cải cách kinh tế và cổ phần hóa công ty nhà nước lớn tạo ra cơ hội cho dòng vốn vào.

Vì vậy, có thể nói, tương lai là bấp bênh đối với dòng vốn gián tiếp ở thị trường mới nổi nói chung và Việt Nam nói riêng trong năm 2017. Tuy nhiên, tình thế hiện tại cho thấy, hai mấu chốt quan trọng để kéo dòng vốn đầu tư gián tiếp quốc tế về Việt Nam nằm ở việc giữ ổn định giá VND, kiểm soát lạm phát và nợ công, là những yếu tố quan trọng để giới thiệu với nhà đầu tư về một Việt Nam ổn định. Trong khi đó, tiếp tục đẩy mạnh cải cách doanh nghiệp nhà nước và mở thêm room cho khối ngoại trong những lĩnh vực có nhu cầu lớn có vai trò lớn trong việc khuyến khích thêm vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài.

Lời kết

Trong thời điểm chuyển giao giữa năm cũ và năm mới, dự đoán về dòng vốn quốc tế rất ít có khả năng chính xác. Tuy nhiên, dù tình thế có thể thay đổi nhanh chóng, những giải pháp cốt lõi để thu hút vốn quốc tế ở Việt Nam không thay đổi. Đó là phải tiếp tục cải cách kinh tế và giữ ổn định vĩ mô để những người đi quảng bá về Việt Nam với nhà đầu tư nước ngoài có thể kể được những câu chuyện hấp dẫn về Việt Nam.

Những điều này nói nghe thì dễ nhưng làm lại rất khó. Năm 2017 vẫn sẽ là một năm còn thuận lợi để dòng vốn ngoại đổ vào ổn định ở Việt Nam, nhưng những năm sau đó thì sẽ không còn dễ dàng nữa nếu ta cứ đứng yên, còn các đối thủ láng giềng tăng tốc. Vì vậy, người làm chính sách thu hút đầu tư nước ngoài trong năm 2017 phải đặt tầm nhìn xa hơn cho nhiều năm sau đó, thì mới khỏi phải lo “chạy chỉ tiêu” đầu tư nước ngoài từng năm.

Vốn ngoại vào chứng khoán: Người cũ đi sẽ có người mới đến
Ông Đặng Nguyên Cường, Trưởng ban điều hành CLB Chứng khoán DoBF cho rằng, việc khối ngoại bán ròng gần đây không đáng ngại và nếu biết nắn...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư