Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 19 tháng 04 năm 2024,
Dự án BOT cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn: Cấn cá chuyện hoàn vốn
Anh Minh - 17/07/2019 08:55
 
Hầu hết cấn cá lớn tại Dự án BOT đầu tư xây dựng tuyến cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn đoạn Km 1+800 - Km 108+500 sắp đưa vào khai thác sau ít tháng tới đều liên quan đến phương án tài chính hoàn vốn.
TIN LIÊN QUAN
Đơn vị thi công đang hoàn thiện những hạng mục cuối cùng trên tuyến cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn.
Đơn vị thi công đang hoàn thiện những hạng mục cuối cùng trên tuyến cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn.

Thi công ít sai sót

Kiểm toán Nhà nước vừa có Thông báo số 217/TB - KTNN về kết quả kiểm toán hoạt động xây dựng và quản lý, sử dụng vốn đầu tư xây dựng tuyến cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn đoạn Km 1 + 800 - Km 108+500 kết hợp tăng cường mặt đường Quốc lộ 1 đoạn Km 1+800 - Km 106+500, tỉnh Bắc Giang và tỉnh Lạng Sơn theo hình thức hợp đồng BOT (gọi tắt là Dự án BOT cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn).

Đây là dự án do UBND tỉnh Lạng Sơn là cơ quan nhà nước có thẩm quyền sau khi được chuyển giao từ Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) vào năm 2018; Công ty cổ phần Bắc Giang - Lạng Sơn là doanh nghiệp dự án.

Trước đó, vào tháng 1/2019, trên cơ sở đề xuất của nhà đầu tư, UBND tỉnh Lạng Sơn đã có công văn đề nghị Kiểm toán Nhà nước vào cuộc nhằm giúp cơ quan nhà nước có thẩm quyền, nhà đầu tư có những đánh giá khách quan về tính tuân thủ thủ tục đầu tư, tổng vốn đầu tư, phương án tài chính… và kiến nghị các biện pháp hỗ trợ bù đắp các khoản thâm hụt (nếu có) để đảm bảo hiệu quả đầu tư công trình.

Điểm nhấn nổi bật nhất trong Thông báo kết quả kiểm toán Dự án chính là việc Kiểm toán Nhà nước đã rất ít dùng đến cụm từ “sai sót” vốn xuất hiện khá phổ biến tại các dự án xây dựng hạ tầng giao thông. Bên cạnh đó, những kiến nghị đối với các chủ thể tại Dự án cũng chỉ ở mức “rút kinh nghiệm” cho những sai sót được phát hiện.

Theo một số chuyên gia, với số vốn đầu tư lên tới hơn 12.000 tỷ đồng, thi công trên địa bàn kéo dài, phức tạp về địa chất, tổng số tiền bị Kiểm toán Nhà nước yêu cầu phải xử lý tài chính chỉ khoảng 25 tỷ đồng, thì ở chừng mực nào đó, công tác quản lý, triển khai Dự án BOT cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn đã được thực hiện tốt.

Kiểm toán Nhà nước khẳng định việc chấp hành pháp luật, chính sách, chế độ quản lý đầu tư công trình; quản lý chi phí đầu tư, giá cả; nghiệm thu thanh toán; huy động, quản lý các nguồn vốn; đàm phán, ký kết các phụ lục Hợp đồng BOT; lập, thẩm định và phê duyệt phương án tài chính điều chỉnh của Dự án… cơ bản tuân thủ quy định hiện hành và các văn bản pháp luật có liên quan.

Mặc dù vậy, Kiểm toán Nhà nước vẫn chỉ ra một vài sai sót liên quan đến công tác triển khai thi công trên thực địa của doanh nghiệp dự án.

Theo đó, Kiểm toán cho rằng một số chi phí tổng dự toán đang tạm tính theo tỷ lệ phần trăm chưa có dự toán chi tiết. Dự toán Gói thầu TTP - CT tính toán sai khối lượng ván khuôn lót mỏng tương úng số tiền 1,591 tỷ đồng; tính thừa máy thi công và sai khối lượng hạng mục phá đá bằng bột nở để phá đá khuôn đường, nền đường Trạm thu phí tương ứng số tiền 432 triệu đồng; tính thừa hạng mục bê tông C16 gia cố mái taluy đắp tương ứng số tiền 452 triệu đồng… Bên cạnh đó, quá trình nghiệm thu thanh toán của doanh nghiệp dự án còn sai về khối lượng với số tiền là 22,451 tỷ đồng và sai đơn giá với số tiền là 2,62 tỷ đồng. Do chưa tiến hành quyết toán nên doanh nghiệp dự án sẽ khấu trừ các nhà thầu trong các lần thanh toán tiếp theo, không dẫn tới thất thoát chi phí đầu tư.

Nhà đầu tư đang đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện các hạng mục cuối cùng để có thể đưa vào khai thác vào cuối tháng 9/2019. Trên thực tế, tiến độ thi công công trình trọng điểm này chỉ được đẩy nhanh sau khi Công ty CP Đèo Cả được chỉ định vào tiếp nhận lại Dự án từ tháng 5/2017 và Thủ tướng Chính phủ cho phép chuyển vai trò cơ quan nhà nước có thẩm quyền từ Bộ GTVT về UBND tỉnh Lạng Sơn.

Những điểm gợn

Nếu chiểu theo Thông báo 217, thì hầu hết cấn cá lớn đang đọng lại tại Dự án BOT cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn đều liên quan đến phương án tài chính hoàn vốn.

Theo ý kiến của Kiểm toán Nhà nước, việc đến thời điểm kiểm toán (tháng 3/2019), doanh nghiệp dự án chưa ký được hợp đồng tín dụng của Dự án thành phần 2 (đoạn Hữu Nghị - Chi Lăng) là chưa đảm bảo theo tiến độ cam kết của Hợp đồng BOT.

Cần phải nói thêm rằng,  cuối tháng 8/2018, Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn đã ký quyết định phê duyệt điều chỉnh Dự án BOT cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn, tỉnh Bắc Giang và Lạng Sơn theo hình thức BOT. Theo đó, UBND tỉnh Lạng Sơn quyết định bổ sung tuyến cao tốc từ cửa khẩu Hữu Nghị - Chi Lăng vào Dự án BOT cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn, tỉnh Bắc Giang và Lạng Sơn nhằm hoàn thành và nối thông tuyến cao tốc Hà Nội - Lạng Sơn vào năm 2020.

Như vậy, dự án này có gồm 2 dự án thành phần, trong đó dự án thành phần 1 là Dự án BOT cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn, tỉnh Bắc Giang và Lạng Sơn và dự án thành phần 2 là tuyến cao tốc từ cửa khẩu Hữu Nghị - Chi Lăng (Km 1 +800 - Km 44 +749) dài 43 km. Nhà đầu tư Dự án thành phần 1 là Công ty cổ phần BOT Bắc Giang - Lạng Sơn, nhà đầu tư Dự án thành phần 2 là Công ty cổ phần BOT Bắc Giang - Lạng Sơn - Hữu Nghị.

Tổng mức đầu tư Dự án vừa được điều chỉnh là 20.931 tỷ đồng, gồm tổng mức đầu tư cho Dự án thành phần 1 là 12.188,664 tỷ đồng và cho Dự án thành phần 2 là 8.743,1 tỷ đồng.

Đến tháng 1/2019, UBND tỉnh Lạng Sơn tiếp tục có quyết định phê duyệt điều chỉnh phương án tài chính Dự án thành phần 1 bao gồm phương án sử dụng doanh thu hoàn vốn, mức phí, thời gian hoàn vốn…

Nỗ lực hết mức để kiến nghị, tìm giải pháp tháo gỡ thế bế tắc
Theo ông Nguyễn Quang Vĩnh, Giám đốc Công ty cổ phần BOT Bắc Giang - Lạng Sơn, trong trường hợp UBND tỉnh Lạng Sơn không có sự hỗ trợ phần thiếu hụt tài chính, thì Dự án sẽ phải đối diện nguy cơ không đảm bảo hoàn thành vào năm 2020 theo sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công văn số 173/TTg-CN ngày 2/2/2018.
“Về phần mình, chúng tôi đang nỗ lực hết mức để kiến nghị, tìm giải pháp trong khả năng nhằm tháo gỡ thế bế tắc này”, ông Vĩnh cho biết.

Theo đánh giá của Kiểm toán Nhà nước, một số chỉ tiêu trong phương án tài chính Dự án thành phần 1 chưa có cơ sở tính toán và hiện nay chưa có văn bản nào quy định cụ thể về tỷ lệ chiết giảm doanh thu 13% đối với cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn do việc sử dụng vé tháng, vé quý và xe ưu tiên; chi phí quản lý thu được tính 1,25 tỷ đồng/cửa/năm; chi phí vận hành cao tốc trong 5 năm đầu là 1% doanh thu theo năm đầu thu phí, năm thứ 6 tính 10% doanh thu (trượt giá theo năm gốc), các năm tiếp theo tăng 6% so với năm trước; việc tính tăng giá vé 15%/3 năm.

Kiểm toán Nhà nước cũng ghi nhận việc phần doanh thu thu phí sớm của Quốc lộ 1 chưa được tính toán lãi suất tiền gửi theo thực tế; lưu lượng xe thực tế bình quân 7 tháng trong năm 2018 của Quốc lộ 1 tại trạm Km 93+160, Quốc lộ 1 lớn hơn 1.985 xe/ngày đêm so với lưu lượng xe tính toán trong phương án tài chính.

Đối với những nội dung này, Kiểm toán Nhà nước đề nghị Bộ GTVT phối hợp với các bộ, ban ngành liên quan sớm xây dựng văn bản hướng dẫn tính toán tỷ lệ chiết giảm doanh thu đối với các trường hợp vé tháng, quý và các đối tượng xung quanh trạm thu phí; chi phí quản lý thu và chi phí quản lý vận hành đối với các dự án BOT; lộ trình tăng giá vé của các trạm BOT.

Liên quan đến Dự án thành phần 2, Kiểm toán Nhà nước ghi nhận việc trong 5 năm đầu đưa vào vận hàn khai thác, doanh thu của phân đoạn này sau khi trừ các khoản chi phí trong thời gian vận hành và chi phí lãi vay bị thâm hụt 545 tỷ đồng. Để đảm bảo trả nợ vốn vay tín dụng và tính khả thi của Dự án, phương án tài chính đã tính toán bổ sung nguồn vốn hỗ trợ 5 năm đầu trong thời gian khai thác là 545 tỷ đồng. Tuy nhiên, phương án tài chính chưa xác định rõ nguồn vốn hỗ trợ này.

Theo đánh giá của Kiểm toán Nhà nước, với tư cách là cơ quan nhà nước có thẩm quyền, UBND tỉnh Lạng Sơn đang đóng vai trò quyết định trong việc thành bại của cả hai dự án. Vì vậy, Lạng Sơn phải là đơn vị tiên phong trong việc tháo gỡ những vướng mắc của Dự án bằng các giải pháp thay thế cơ chế trong thẩm quyền và đề xuất Chính phủ tháo gỡ những vướng mắc vượt thẩm quyền.

Hiện UBND tỉnh Lạng Sơn đã có công văn kiến nghị Thủ tướng Chính phủ đồng ý chủ trương hỗ trợ từ nguồn ngân sách trung ương (trong kế hoạch trung hạn giai đoạn 2021 - 2025) khoảng 600 tỷ đồng để bù đắp dòng tiền thâm hụt trong thời gian thu phí hoàn vốn đảm bảo phương án tài chính và tính khả thi của dự án, đồng thời chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc về tín dụng để Ngân hàng VietinBank (đầu mối thu xếp tín dụng) đẩy nhanh công tác thẩm định, ưu tiên thu xếp vốn vay ký Hợp đồng tín dụng làm căn cứ triển khai, thực hiện Dự án thành phần 2 Cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng trong quý III/2019.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư