Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 19 tháng 04 năm 2024,
Dự án BOT cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận thu xếp xong 6.580 tỷ đồng vốn tín dụng
Anh Minh - 15/06/2018 14:10
 
Hợp đồng tín dụng cho Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận giai đoạn 1 theo hình thức BOT vừa chính thức được ký vào sáng nay.
Nhà đầu tư cam kết sẽ triển khai thi công đồng loạt để Dự án sẽ hoàn thành đúng tiến độ vào cuối năm 2020.
Nhà đầu tư cam kết sẽ triển khai thi công đồng loạt để dự án sẽ hoàn thành đúng tiến độ vào cuối năm 2020.

Trước sự chứng kiến của Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể, Công ty cổ phần BOT Trung Lương – Mỹ Thuận đã ký hợp đồng tài trợ khoản vay thương mại trị giá khoảng 6.850 tỷ đồng với Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (Vietinbank); Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV); Ngân hàng TMCP Thịnh Vượng (VPBank); Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (AGR).

Đây là khoản vay cho một dự án BOT hạ tầng đầu tiên tại Việt Nam được thực hiện dưới hình thức đồng tài trợ, trong đó Vietinbank là ngân hàng đứng ra thu xếp vốn. Tại Dự án cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận, các ngân hàng tài trợ khoảng 70% tổng mức đầu tư, 30% nhu cầu vốn còn lại được thực hiện bằng nguồn vốn chủ sở hữu của các nhà đầu tư.

“Với việc thu xếp xong nguồn vốn tín dụng, vướng mắc lớn nhất tại Dự án đã được tháo gỡ, tạo điều kiện cho nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ thi công để có thể đưa công trình cao tốc nối Tp.HCM với 13 tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long vào khai thác trong năm 2020”, ông Dương Quang Châu, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần BOT Trung Lương – Mỹ Thuận cho biết.

Công ty cổ phần BOT Trung Lương – Mỹ Thuận là pháp nhân do liên danh 6 nhà đầu tư do Công ty cổ phần Đầu tư Tuấn Lộc đứng đầu thành lập để thực hiện công trình đường cao tốc có chiều dài  51,1 km, quy mô 4 làn xe với tổng mức đầu tư lên tới 9.668 tỷ đồng. Công trình này được khởi động từ đầu tháng 2/2015, thời gian hoàn thành được ấn định là quý II/2020.

Tuy nhiên, trong suốt 2 năm qua, việc ký hợp đồng tín dụng cho Dự án luôn nằm ngoài tầm với của nhà đầu tư khiến công tác thi công trên công trường theo kiểu cầm chừng. Hiện toàn bộ “nguồn sống” nhỏ giọt của Dự án phục vụ cho công tác thi công đều bám vào phần vốn chủ sở hữu đã dần cạn sau khi nhà đầu tư đã ứng ra hơn 1.304 tỷ đồng để phục vụ chi trả đền bù giải phòng mặt bằng.

Đây là dự án trọng điểm của Quốc gia nằm trong Qui hoạch phát triển mạng đường bộ cao tốc Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn sau năm 2020 ; Quy hoạch chi tiết đường bộ cao tốc Bắc Nam phía Đông đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại các Quyết định số 1734/QĐ-TTg ngày 01/12/2008 và 140/QĐ-TTg ngày 20/01/2010; trong đó tuyến cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận – Cần Thơ được đầu tư và hoàn thành vào năm 2020. Việc đầu tư phát triển và hoàn thiện mạng lưới giao thông của khu vực phía Nam, trong đó hệ thống đường cao tốc phía Đông giữ vai trò quan trọng trong kết nối các trung tâm kinh tế trọng điểm, các đầu mối giao thông quan trọng, tạo khả năng liên kết cao với các phương thức vận tải khác (đường sắt, cảng biển, sân bay…) nhằm nâng cao năng lực vận tải trên hành lang Bắc Nam, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, giải quyết tình trạng ùn tắc và tai nạn giao thông trên Quốc lộ 1, nhất là tại cửa ngõ các đô thị lớn.

Bộ GTVT thúc nhà đầu tư chuyển tiền GPMB Dự án cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận
Thời hạn chót để các nhà đầu tư chuyển hơn 300 tỷ đồng cho tỉnh Tiền Giang phục vụ công tác GPMB Dự án cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận là...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư