Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 19 tháng 04 năm 2024,
Dự án BOT Ký túc xá Đại học Giao thông - Vận tải TP.HCM: Đổ vỡ do năng lực nhà đầu tư yếu kém
Anh Minh - 07/06/2018 08:57
 
Dự án đầu tư xây dựng Ký túc xá Trường đại học Giao thông - Vận tải TP.HCM, công trình hạ tầng giáo dục đầu tiên trong phạm vi cả nước được triển khai theo hình thức đối tác công - tư (PPP) đã chính thức đổ vỡ sau hơn 3 năm triển khai.

Vỡ kế hoạch

Dấu chấm hết cho Dự án đầu tư xây dựng Ký túc xá Trường đại học Giao thông - Vận tải TP.HCM theo hình thức PPP, loại hợp đồng BOT vừa được Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) trong vai trò là cơ quan nhà nước có thẩm quyền hạ bút.

Đại học Giao thông - Vận tải TP.HCM
Đại học Giao thông - Vận tải TP.HCM

Cụ thể, tại Công văn số 5645/BGTVT-ĐTCT, Bộ GTVT chính thức thông báo chấm dứt Hợp đồng số 17/HĐ.BOT-BGTVT ngày 20/5/2015 được ký giữa cơ quan nhà nước có thẩm quyền, nhà đầu tư (Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng Vinaconex - PVC) và doanh nghiệp dự án (Công ty TNHH BOT Giao thông vận tải Sài Gòn) về việc thực hiện đầu tư Ký túc xá Trường đại học GTVT TP.HCM theo hình thức BOT. Lý do được Bộ GTVT đưa ra là nhà đầu tư/doanh nghiệp dự án đã vi phạm Khoản 14.5, Điều 14 (không huy động được nguồn vốn để thực hiện Dự án).

“Trường Đại học GTVT TP.HCM chủ trì việc thu hồi Thư bảo lãnh thực hiện hợp đồng để bảo đảm nghĩa vụ và trách nhiệm trong việc thực hiện hợp đồng Dự án, đồng thời phối hợp với nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án kiểm tra xác định cụ thể phần việc, chi phí thực tế triển khai tại hiện trường, báo cáo Bộ GTVT kết quả thực hiện”, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ yêu cầu.

Được biết, Dự án Ký túc xá Đại học GTVT TP.HCM là công trình hạ tầng phục vụ đời sống sinh viên đầu tiên trên cả nước được triển khai theo hình thức PPP. Theo Quyết định số 3941/QĐ - BGTVT ngày 29/11/2013 về việc phê duyệt Dự án, công trình này có tổng mức đầu tư 57 tỷ đồng, được xây dựng trên diện tích 1.020 m2 thuộc khuôn viên Đại học GTVT TP.HCM tại số 70 - Tô Ký, phường Tân Chánh Hiệu, quận 12, TP.HCM, đáp ứng nhu cầu lưu trú cho khoảng 900 sinh viên.

Công trình gồm 2 khối nhà, trong đó khối nhà A sử dụng vốn ngân sách nhà nước với giá trị 22,68 tỷ đồng; khối nhà B trị giá 34,92 tỷ đồng do nhà đầu tư triển khai bằng nguồn vốn chủ sở hữu và vốn vay. Nhà đầu tư được quyền thu phí lưu trú cả 2 tòa nhà với mức giá tạm tính là 381.000 đồng/sinh viên/tháng trong vòng 29 năm 6 tháng.

Theo kế hoạch, Dự án khởi công vào năm 2014 và hoàn thành sau 18 tháng xây dựng (cuối năm 2015), nhưng do Hợp đồng BOT số 17 chỉ được các bên ký vào tháng 5/2015, nên mốc tiến độ hoàn thành công trình được lùi vào cuối năm 2017.

Trên thực tế, trong khi Khối nhà A (sử dụng vốn ngân sách nhà nước) đã được Đại học GTVT TP.HCM hoàn thành vào cuối tháng 11/2017, thì Khối nhà B do Công ty TNHH BOT Giao thông vận tải Sài Gòn mới hoàn thành việc ép các cọc với giá trị vỏn vẹn 1,2 tỷ đồng.

PGS-TS. Nguyễn Văn Thư, Hiệu trưởng Đại học GTVT TP.HCM cho biết, kể từ tháng 1/2017 đến nay, hợp phần đầu tư theo hình thức BOT không triển khai thi công thêm bất cứ hạng mục nào, bất chấp sự thúc giục thường xuyên của Ban giám hiệu. Nhà đầu tư cũng bất lực trong việc thu xếp hợp đồng tín dụng với nhà tài trợ là Công ty Đầu tư tài chính nhà nước TP.HCM dù yêu cầu được Bộ GTVT đặt ra là phải hoàn thành sau 6 tháng kể từ khi hợp đồng BOT được ký.

BOT không tiền

Bộ GTVT đã có sự “nương tay” nhất định đối với nhà đầu tư và doanh nghiệp dự án, khi đến đầu tháng 10/2017, cơ quan nhà nước có thẩm quyền mới phát văn bản đầu tiên cảnh báo nhà đầu tư và doanh nghiệp dự án đã vi phạm Hợp đồng số 17 (Khoản 14.5, Điều 14) do chưa huy động được nguồn vốn cho Dự án, làm kéo dài tiến độ của Dự án như đã cam kết, dù Đại học GTVT TP.HCM đã cảnh báo hiện tượng bất lực này từ nhiều tháng trước.

Trên thực tế, Công ty Vinaconex - PVC đã muốn buông do gặp khó khăn trong việc huy động vốn, khi vào tháng 8/2017, nhà đầu tư gặp lãnh đạo nhà trường xin tạm ngừng và  rút khỏi Dự án. Sau đó 2 tháng, trong buổi làm việc với đoàn công tác của Bộ GTVT, Công ty Vinaconex - PVC xin đề xuất Công ty cổ phần Hạ tầng Việt Mỹ thay thế để tiếp tục “gánh” dự án này. Vào tháng 1/2018, Bộ GTVT có Văn bản số 563/GTVT - ĐTCT khẳng định việc Công ty cổ phần Đầu tư hạ tầng Việt Mỹ ký kết Hợp đồng chuyển nhượng với Công ty Vinaconex-PVC (nay là Công ty cổ phần Vinaconex 39) khi chưa có sự chấp thuận của Bộ GTVT đã vi phạm Điều 51, Hợp đồng số 17, nhà đầu tư đang vi phạm Hợp đồng nên không thể chuyển nhượng. 

Điều đáng nói là, trong khi chờ xin ý kiến chỉ đạo của Bộ GTVT, nhà đầu tư đã thỏa thuận chuyển nhượng phần vốn của mình cho Công ty cổ phần Hạ tầng Việt Mỹ. Đây là vi phạm nghiêm trọng thứ hai của Công ty Vinaconex - PVC, sau lỗi không huy động vốn thi công công trình như cam kết.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, một lãnh đạo Vụ Đối tác công tư (Bộ GTVT) bác thông tin Dự án thiếu tính khả thi tài chính khiến nhà đầu tư không thể thu xếp vốn tín dụng. 

“Việc có nhà đầu tư sẵn sàng thay thế Công ty Vinaconex - PVC chứng tỏ dự án này là không tồi. Vấn đề là nhà đầu tư này năng lực quá kém khi không thể huy động đủ vốn chủ sở hữu, dù số tiền này là không nhiều”, vị lãnh đạo này cho biết.

Cần phải nói thêm rằng, việc vỡ tiến độ hoàn thành Dự án sẽ ảnh hưởng lớn đến việc sinh hoạt, học tập của sinh viên ngay trong mùa tuyển sinh năm học 2018 - 2019. Riêng đối với Vinaconex - PVC, cùng với việc bị thu hồi bảo lãnh thực hiện hợp đồng, nhà đầu tư này chắc chắn sẽ bị Bộ GTVT đưa vào danh sách đen, khó có cửa tham gia vào các dự án PPP khác của bộ này.

Vinaconex đã thoái hết vốn tại Vinaconex - PVC (nay là Vinaconex 39)
Theo ông Trần Tuấn Anh, Phó tổng giám đốc Tổng công ty cổ phần Vinaconex, trước đây Tổng công ty Vinaconex có tham gia góp vốn vào Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng Vinaconex - PVC. Nhưng, từ tháng 12/2009, Tổng công ty đã thoái toàn bộ vốn góp tại Vinaconex - PVC và kể từ thời điểm này, Vinaconex - PVC không còn là đơn vị thành viên của Vinaconex. Vinaconex đang yêu cầu Vinaconex - PVC thực hiện thanh lý hợp đồng thương hiệu và chấm dứt sử dụng thương hiệu Vinaconex trong tên gọi của mình để tránh gây nhầm lẫn việc Vinaconex - PVC là đơn vị thành viên của Vinaconex.
Dự án BOT Thái Nguyên - Chợ Mới vào thế cùng quẫn
Doanh thu giá dịch vụ bình quân mỗi ngày chỉ đạt chưa đầy 12,5% phương án tài chính khiến Dự án BOT Thái Nguyên - Chợ Mới và nâng cấp Quốc lộ 3...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư