Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 18 tháng 04 năm 2024,
Dự án BOT ngành điện chạy nước rút để khởi công cuối năm 2015
Thanh Hương - 18/10/2015 08:46
 
Chính phủ đã yêu cầu Bộ Công thương làm việc với chủ đầu tư Dự án BOT Nhiệt điện Hải Dương để hoàn thành đóng tài chính trước ngày 31/10/2015 và sớm khởi công xây dựng nhà máy. Cùng với đó, Dự án BOT Nhiệt điện Duyên Hải 2 do Công ty Janakuasa (Malaysia) đầu tư cũng đang chạy nước rút để khởi công sớm.
Phú Mỹ 2,2 là một trong 6 Dự án BOT ngành điện đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư. Ảnh: Thanh Hương
Phú Mỹ 2,2 là một trong 6 dự án BOT ngành điện đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư. Ảnh: Thanh Hương

Hơn 4 năm trôi qua kể từ ngày động thổ xây dựng cơ sở hạ tầng tại Kinh Môn, Hải Dương vào tháng 9/2011, Dự án BOT Nhiệt điện Hải Dương có thể sẽ tiến tới bước quan trọng nhất, khi đưa ra kế hoạch khởi công xây dựng vào cuối năm 2015.

Cụ thể, tại cuộc gặp với Bộ Công thương cách đây ít ngày, ông Endy Ang Lam Poah, Giám đốc điều hành Công ty Jaks Resources Bhd (Malaysia), chủ đầu tư Dự án BOT Nhiệt điện Hải Dương công suất 1.200 MW cho hay, Dự án dự kiến sẽ khởi công vào tháng 12/2015, vận hành thương mại tổ máy 1 vào tháng 12/2019 và tổ máy 2 vào tháng 6/2020.

Theo đại diện Công ty Jaks Resources Bhd, việc thu xếp tài chính cho Dự án đã hoàn thành và đang chờ Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phê chuẩn Hợp đồng vay cổ đông. Trước đó, vướng mắc về chủ đầu tư của Dự án đã được tháo gỡ, khi Tập đoàn Jaks Resources Berhad đã tìm được nhà đầu tư mới là Tập đoàn Điện lực Trung Quốc (China Power Engineering Consulting Group Co.Ltd - CPECC) để cùng triển khai Dự án hồi giữa năm nay.

Cụ thể, Công ty Jaks Parcific Power Ltd (JPP) - công ty đầu tư Dự án Nhiệt điện BOT Hải Dương sẽ được góp vốn đều nhau (50/50) bởi Jaks Power Holding Ltd (công ty con của Tập đoàn Jaks) và CPECC. Để triển khai Dự án, nhà đầu tư sẽ sử dụng 25% là vốn chủ sở hữu, 75% còn lại là vốn vay thương mại.

Dự án BOT Nhiệt điện Hải Dương từng đưa ra dự kiến khởi công vào đầu năm 2014 và đưa tổ máy 1 vào hoạt động trong quý III/2017 và tổ máy 2 vào quý I/2018, với sản lượng điện hàng năm dự kiến ở mức 7,5 tỷ Kwh. Với kế hoạch khởi công mới được cập nhật với Bộ Công thương, Dự án  cũng đã chậm 2 năm.

Cũng đang chạy nước rút để khởi công sớm là Dự án BOT Nhiệt điện Duyên Hải 2 do Công ty Janakuasa (Malaysia) đầu tư. Được cấp phép đầu tư vào tháng 9/2015, dự án này đang đưa ra kế hoạch ký chính thức các văn kiện liên quan gồm hợp đồng BOT, cam kết bảo lãnh Chính phủ vào ngày 30/10/2015.

Theo tiến độ, nhà đầu tư sẽ có 1 năm kể từ khi ký hợp đồng BOT để hoàn tất việc thu xếp tài chính trước khi chính thức khởi công xây dựng dự án. Tuy nhiên, trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, đại diện chủ đầu tư cho biết đang chạy đua với thời gian để hoàn thành thu xếp tài chính với mục tiêu khởi công xây dựng Dự án trong quý II/2016.

Kết luận của Phó thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải tại cuộc họp về các dự án điện BOT cách đây ít ngày cũng nhấn mạnh, Nhà nước cũng có lợi trong việc huy động nguồn vốn từ khu vực tư nhân, chủ yếu là vốn đầu tư nước ngoài, góp phần giảm gánh nặng trong cân đối vốn trong nước, giảm nợ công do không phải bảo lãnh vay vốn nước ngoài, đồng thời phát triển được nguồn điện để đáp ứng nhu cầu điện cho phát triển kinh tế - xã hội.

Với thực tế, khi tiến hành tái cơ cấu ngành điện, các tổng công ty điện lực của các tập đoàn kinh tế như Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam sẽ cổ phần hóa, tách ra hoạt động độc lập trong thị trường điện, có hạn chế nhất định về năng lực tài chính, thì việc huy động vốn cho phát triển điện thông qua hình thức BOT cần được tăng cường.

Hiện tại, tiến độ các dự án BOT ngành điện vẫn khá chậm. Cho tới nay, chủ đầu tư các dự án BOT là Nghi Sơn 2, Vũng Áng 2, Vĩnh Tân 3, Vân Phong 1, Sông Hậu 2 vẫn chưa hoàn tất đám phán về giá điện, một trong những hợp đồng quan trọng nhất của dự án BOT.

Bởi vậy, mục tiêu được đặt ra cho hệ thống điện Việt Nam từ nay tới năm 2020 là có thêm 30.000 MW công suất mới, tương đương nhu cầu 8 tỷ USD đầu tư hàng năm là những con số đầy thách thức. Trong cơ cấu này, tỷ trọng đóng góp của khu vực tư nhân thông qua hình thức BOT và dự án điện độc lập (IPP) của tư nhân trong nước được lên kế hoạch chiếm 47,5%.

Thúc tiến độ dự án BOT ngành điện
Dự án Nhiệt điện Vân Phong 1 (Khánh Hòa) có thể sẽ sớm được ký kết hợp đồng BOT. Một động thái có thể coi là tích cực trong bối cảnh Chính...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư