Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Dự án đầu tư vào Bắc Kạn: Được hưởng ưu đãi đặc biệt
P.V - 02/04/2013 07:12
 
Hội nghị Xúc tiến đầu tư và an sinh xã hội vùng Tây Bắc năm 2013 diễn ra trong  ngày 3/4, tại Tuyên Quang sẽ có sự tham gia của đại diện các bộ, tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp lớn, các hiệp hội ngành nghề, tổ chức quốc tế, các nhà tài trợ cũng như các nhà đầu tư quan tâm tới phát triển kinh tế và an sinh xã hội vùng Tây Bắc.
TIN LIÊN QUAN

Tham gia hội nghị lần này, Bắc Kạn mong muốn thu hút được nhiều nguồn lực từ các nhà tài trợ, nhà đầu tư, giúp địa phương đạt được hai mục tiêu phát triển kinh tế và giảm nghèo bền vững.

Thời gian qua, dù rất chú trọng phát triển kinh tế đi kèm với các biện pháp giải quyết an sinh xã hội, nhưng Bắc Kạn vẫn là một tỉnh nghèo, với tỷ lệ hộ nghèo lên tới 20,39%, cùng gần 2.300 hộ cần được hỗ trợ về nhà ở, hơn 300 trường học, trạm y tế cần được đầu tư, sửa chữa, xây dựng mới…

Thừa uỷ quyền của Thủ tướng Chính phủ, ông Nguyễn Quân, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ trao Bằng xếp hạng di tích cấp quốc gia đặc biệt Hồ Ba Bề cho lãnh đạo tỉnh Bắc Kạn

Với đặc điểm kinh tế - xã hội như vậy, Bắc Kạn đặc biệt mong muốn nhận được các nguồn tài trợ, các dự án đầu tư vào nông - lâm nghiệp, du lịch và an sinh xã hội. Đây cũng là những lĩnh vực mà Bắc Kạn đang có những ưu đãi rất hấp dẫn dành cho nhà đầu tư.

Ưu đãi lớn dành cho nhà đầu tư

Thông qua Quỹ Xúc tiến đầu tư nông - lâm nghiệp (APIF) với nguồn vốn 2 triệu USD, tỉnh sẽ hỗ trợ không hoàn lại cao nhất tới 49% tổng vốn đầu tư của dự án đầu tư vào lĩnh vực nông – lâm nghiệp và du lịch. Số tiền tài trợ không hoàn lại tối thiểu cho mỗi dự án mà nhà đầu tư nhận được là 15.000 USD, tối đa là 100.000 USD.

Trong trường hợp đặc biệt, số tiền tài trợ cho dự án đầu tư có thể lên đến 250.000 USD (tương đương hơn 5 tỷ đồng).

Tiêu chí để nhận được tài trợ là, các dự án đầu tư (không phân biệt loại hình doanh nghiệp) vào 3 lĩnh vực trên phải được thực hiện ở 3 huyện Na Rì, Ba Bể và Pác Nặm, với tối thiểu 35% tổng số các hộ dân được hưởng lợi từ dự án là hộ nghèo.

Đối với những dự án đầu tư vào nông - lâm nghiệp, nếu chủ đầu tư không đặt trụ sở hay cơ sở sản xuất tại 3 huyện nói trên, nhưng có nhiều hộ nghèo của 3 huyện nói trên tham gia sản xuất, cung cấp nguyên liệu cho dự án, thì cũng sẽ được hỗ trợ. Sẽ có một hội đồng thẩm định độc lập để thẩm tra và quyết định những dự án khả thi và được nhận tiền hỗ trợ. Vốn hỗ trợ sẽ được trả cho doanh nghiệp theo cơ chế bồi hoàn.

Qua 3 vòng nộp hồ sơ dự án trong hai năm 2011 và 2012, Quỹ APIF đã lựa chọn và ký hợp đồng với 6 doanh nghiệp, với tổng vốn đầu tư gần 35 tỷ đồng (tương đương gần 1,75 triệu USD), trong đó, tiền tài trợ của APIF gần 14,1 tỷ đồng. Các dự án (có vốn đồng tài trợ từ APIF) đã thúc đẩy cộng đồng dân cư phát triển một số sản phẩm là thế mạnh của địa phương, như khoai tây, dong riềng, gừng, sắn; phát triển đàn trâu, bò; giúp chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; thay đổi phương thức sản xuất từ tự cung, tự cấp sang sản xuất hàng hóa theo định hướng thị trường. Các dự án này đã tạo việc làm, tăng thu nhập và tạo thị trường cho hơn 2.000 hộ gia đình tại các huyện dự án, đồng thời hỗ trợ doanh nghiệp trang bị thêm nhà xưởng, thiết bị để mở rộng quy mô sản xuất. Với cách tiếp cận kinh doanh cùng người nghèo, tạo điều kiện để doanh nghiệp và người dân cùng có lợi, Quỹ APIF đang ngày càng chứng minh được tính hiệu quả và khẳng định là công cụ hữu ích nhằm thu hút sự tham gia của các nhà đầu tư trong phát triển nông - lâm nghiệp tại Bắc Kạn.

Các nhà đầu tư quan tâm đến Quỹ APIF, đề nghị nộp hồ sơ dự án trong 2 tháng 4 và 5/2013.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư