Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 28 tháng 03 năm 2024,
Dự án hầm đường bộ Đèo Cả: Cột mốc đáng nhớ
Sơn Thắng - 19/09/2023 20:57
 
Ngày 31/7 sẽ là một cột mốc đáng nhớ của Công ty cổ phần (CTCP) Đầu tư Đèo Cả trong cuộc hành trình mở hầm xuyên núi, chinh phục những con đèo hiểm trở: Hầm đường bộ dài hơn 4,1 km do nhà đầu tư và nhà thầu trong nước thực hiện chính thức được khai thông! Thành công này là tổng hợp từ nhiều yếu tố, từ tầm nhìn, tính sáng tạo và nỗ lực của Nhà đầu tư, sự ủng hộ của các cơ quan chức năng của Chính phủ, các cấp chính quyền địa phương và nhân dân vùng dự án, sự đồng thuận hợp tác chặt chẽ giữa các đối tác, nhà thầu…

Quản lý sáng tạo

Trên suốt chặng đường triển khai dự án, CTCP Đầu tư Đèo Cả - Chủ đầu tư Dự án hầm đường bộ Đèo Cả liên tục tổ chức các hội nghị nhà thầu mang tính nội bộ. Qua đó, Chủ đầu tư và nhà thầu trao đổi công khai những chính sách mà Dự án đặt ra cho các nhà thầu trong tương lai nếu đảm nhận thi công tại dự án hạ tầng quan trọng này.

Nhiều chuyên gia đầu ngành về hạ tầng đều đánh giá đây là cách làm mới rất hiệu quả của chủ đầu tư một dự án lớn như hầm Đèo Cả. Việc công khai, minh bạch những chính sách quản lý của Nhà đầu tư dựa trên quan điểm “tạo sự đồng thuận cao”, giúp nhà thầu thông suốt những giải pháp quản lý cũng như quản lý tiến độ và chất lượng.

Phối cảnh Dự án Hầm đường bộ Đèo Cả.
Phối cảnh Dự án Hầm đường bộ Đèo Cả.

Ông Hồ Nghĩa Dũng, nguyên Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải, Cố vấn cao cấp của Dự án cho rằng, việc gặp gỡ các nhà thầu để trực tiếp trao đổi thẳng thắn và cùng nhau tháo gỡ những vướng mắc đã tạo nên một điểm nhấn về tư duy trong cách quản lý điều hành một dự án lớn của Ban lãnh đạo CTCP Đầu tư Đèo Cả.

Ông Dũng cho rằng, vấn đề cốt lõi trong tư duy quản lý của chủ đầu tư là khẳng định tính minh bạch, rõ ràng trong điều hành. Chủ đầu tư cũng đã thẳng thắn công khai những tiêu chí lựa chọn nhà thầu, tránh những thông tin sai lệch không đáng có mà các dự án lớn thường gặp phải.

“Ngay từ đầu triển khai dự án, thông qua các hội nghị thế này giúp nhà thầu có thể tự chấm điểm mình là có đủ tiêu chí để tham gia cùng dự án hay không. Có quyết tâm theo đuổi những mục tiêu mà chủ đầu tư đề ra hay không?”, ông Dũng nói.

Từ thực tiễn chỉ đạo điều hành Dự án trong những năm qua, ông Hồ Minh Hoàng, Tổng giám đốc CTCP Đầu tư Đèo Cả nhấn mạnh rằng, điều hành dự án có tốt hay không, dự án có triển khai đúng tiến độ hay không, mấu chốt nằm ở việc quản lý dòng tiền mà chủ đầu tư bỏ ra. Nếu dòng tiền sử dụng đúng mục đích, đúng kế hoạch đề ra thì không có lý do gì tiến độ dự án không đáp ứng yêu cầu, chất lượng công trình không đảm bảo.

Công ty đã công bố chính sách quản lý và kiểm soát dòng tiền đối với các hạng mục thuộc Dự án hầm đường bộ Đèo Cả theo phương án công khai, minh bạch chính sách, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho nhà thầu triển khai Dự án. Đồng thời, chính sách này cũng không ngoài mục đích đảm bảo quyền lợi cho các bên, trong đó có chủ đầu tư dự án, cũng như đảm bảo tiền tạm ứng thi công phục vụ cho việc triển khai Dự án.

Ông Hoàng chia sẻ, cách điều hành này không có gì mới mẻ trên thế giới, nhưng với nước ta, đây là lần đầu tiên, một nhà đầu tư trong nước tiếp cận cách quản lý mới cho một dự án quy mô lớn, nhất là đối với dự án thực hiện theo hình thức hợp tác công - tư (PPP). Để dự án vận hành suôn sẻ, đòi hỏi công ty phải có đội ngũ quản lý có trình độ cao, bên cạnh đó là những cố vấn cao cấp có trình độ và nghiệp vụ chuyên sâu.

Trước những đòi hỏi như vậy, CTCP Đầu tư Đèo Cả luôn chú trọng công tác tuyển dụng và  đào tạo cán bộ quản lý chuyên sâu, đội ngũ kỹ sư và công nhân giỏi theo hình thức vừa học vừa làm. Từ đó, nhiều cán bộ công ty tuy tuổi đời còn trẻ nhưng đã có trình độ chuyên môn và năng lực quản lý tốt.

Sự đồng thuận

Nhiều chuyên gia kinh tế đều đánh giá Dự án hầm đường bộ Đèo Cả là dự án hạ tầng quan trọng, quy mô lớn, với tổng vốn đầu tư của toàn Dự án lên đến hơn 20.000 tỷ đồng. Điều này đặt ra nhiều thách thức đối với chủ đầu tư dự án về bài toán hiệu quả đầu tư.

Điều đáng ghi nhận là uy tín và vị thế của Nhà đầu tư đã được khẳng định qua sự lựa chọn của Chính phủ và Bộ Giao thông - Vận tải khi giao trọng trách làm chủ đầu tư một dự án hạ tầng có vai trò xã hội và kinh tế lớn như vậy. Nhà đầu tư nhận trọng trách không chỉ dừng lại ở việc nói và bắt tay làm, mà muốn thành công về mọi mặt điều đầu tiên cần có sự ủng hộ tối đa của Chính phủ, bộ, ngành và gần hơn là chính quyền và nhân dân vùng dự án.

Không ngẫu nhiên mà Bí thư Thành ủy TP.HCM Đinh La Thăng thời còn làm Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải đã có chủ trương nhanh về việc giao cho CTCP Đầu tư Đèo Cả nghiên cứu đầu tư tiếp dự án hầm đường bộ qua đèo Cù Mông, một trong những con đèo nguy hiểm nhất còn sót lại trên tuyến đường Quốc lộ 1A.

Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Phú Yên, ông Huỳnh Tấn Việt cũng nhìn nhận, giai đoạn đầu khi mới triển khai Dự án hầm Đèo Cả, nhiều con mắt tỏ ra nghi ngờ về năng lực, cũng như kinh nghiệm của đội ngũ cán bộ trẻ của CTCP Đầu tư Đèo Cả. Nhưng với những gì hôm nay được hiện hữu qua tiến độ dự án, không riêng gì chính quyền địa phương, mà ngay cả người dân bản địa cũng đã thật sự tin tưởng vào thành công của Dự án.

Những nhận định này như một lời khẳng định sự trưởng thành của CTCP Đầu tư Đèo Cả trong lĩnh vực đầu tư hạ tầng giao thông - vận tải, nhất là lĩnh vực hầm đường bộ.

Thành quả này gắn liền với những cán bộ, kỹ sư trẻ đầy nhiệt huyết sáng tạo và có tình yêu mãnh liệt với nghề. Những thách thức và gian khổ đã tôi luyện thế hệ kỹ sư trẻ ngày càng tự tin hơn, rắn rỏi hơn.

Thành công đó còn là kết quả của sự dung hòa các mối quan hệ, đảm bảo sự đồng thuận và lợi ích cho tất cả đối tác liên quan. Bản thân Nhà đầu tư phải có những cách xử lý linh hoạt, lúc cứng, lúc mềm, để hướng đến mục tiêu hoàn thành dự án đúng tiến độ và đảm bảo chất lượng trên cơ sở đảm bảo an toàn trong thi công.

Hình thành thế hệ nhà thầu mới

Trong một lần, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải, thời còn làm Phó thủ tướng, đến thăm và chúc Tết các nhà thầu thi công hầm đường bộ Đèo Cả, ông đã khẳng định rằng, Dự án hầm đường bộ Đèo Cả là mô hình mẫu cho hình thức đầu tư công - tư (PPP). Cùng với quá trình triển khai Dự án đã hình thành nên một thế hệ nhà thầu trong nước đủ sức đảm nhận thi công các công trình đường hầm quy mô lớn, đòi hỏi cao về công nghệ tại Việt Nam.

Nhìn nhận này không phải không có cơ sở, khi trước đây phần lớn các dự án hạ tầng phức tạp là vùng “bất khả xâm phạm” của các nhà thầu quốc tế. Đơn cử như dự án hầm đường bộ qua đèo Hải Vân trước đây cũng do tổ hợp các nhà thầu quốc tế đảm nhận.

Quyết định của Chủ đầu tư khi chuyển việc lựa chọn nhà thầu quốc tế theo phương án ban đầu sang lựa chọn nhà thầu trong nước, tư vấn nước ngoài là quyết định đầy quyết đoán, không chỉ tạo nên một bước ngoặt lớn đối với thế hệ nhà thầu trong nước, mà còn giảm thiểu đáng kể chi phí đầu tư trên cơ sở đảm bảo chất lượng theo thiết kế.

Sự kiện hầm Đèo Cả chính thức thông vượt tiến độ 2 tháng đánh dấu sự trưởng thành của các chủ đầu tư và các nhà thầu Việt Nam, mở ra cánh cửa  mới cho thế hệ doanh nghiệp Việt Nam trên con đường nắm bắt công nghệ và phương thức quản lý tiên tiến để thực hiện thành công các công trình lớn, hiện đại.

Công ty cổ phần Đầu tư Đèo Cả: Giải ngân hơn 5.000 tỷ đồng cho Dự án hầm Đèo Cả năm 2016
Tại Hội nghị nhà thầu Dự án hầm Đèo Cả diễn ra chiều 3/3 tại TP. HCM, ông Lê Quỳnh Mai, Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư Đèo Cả...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư