Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Ba, Ngày 16 tháng 04 năm 2024,
Dự án lấn vịnh Đà Nẵng bị vấp từ ý tưởng
Hà̀ Minh - 16/06/2018 08:51
 
Đang có những cảnh báo nghiêm túc về dự án lấn vịnh Đà Nẵng có tên là Hoa Sen (Lotus Island) của liên danh 3 nhà thầu đến từ Malaysia, Quỹ Bamboo Capital và Công ty cổ phần Lương thực Đà Nẵng.

Trả giá nếu phá vỡ điều kiện tự nhiên 

Tại Hội thảo Quy hoạch và phát triển TP. Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045, khi ông Bùi Tất Thắng, Viện trưởng Viện chiến lược (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) đưa ra một số những kiến nghị, trong đó cho phép Đà Nẵng xây dựng quy hoạch và chính sách thu hút đầu tư xây dựng và khai thác Vịnh Đà Nẵng nhằm nâng cao giá trị tầm vóc Thành phố, lập tức, ông Bùi Văn Tiếng, Chủ tịch Liên hiệp Hội khoa học - Lịch sử Đà Nẵng “phản pháo”: “Vịnh Đà Nẵng quá bé, chế độ thủy văn khác hoàn toàn các vịnh lớn như vịnh Thái Lan, vịnh Bắc bộ. Bên cạnh đó, đây là đầu ra của sông Cu Đê và sông Hàn, vịnh Đà Nẵng bị thu hẹp chắc chắn ảnh hưởng đến đầu ra của sông Hàn, chưa tính đến việc lấy cát từ chính lòng sông Cu Đê, sông Hàn có khả năng gây sạt lở vùng ven bờ. Đây mới chỉ nói đến yếu tố môi trường, còn nhiều lĩnh vực khác sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng nếu thu hẹp vịnh Đà Nẵng”.

Khu vực vịnh Đà Nẵng đang được liên danh các nhà đầu tư đề xuất ý tưởng xây dựng Dự án Lotus Island
Khu vực vịnh Đà Nẵng đang được liên danh các nhà đầu tư đề xuất ý tưởng xây dựng Dự án Lotus Island

Kiến trúc sư Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam thì “rất ngạc nhiên” vì hơn 1.000 ha mặt nước được đề xuất làm một hòn đảo nhân tạo ngay trong vịnh. “Trước đây, tôi đã đề xuất trong vịnh Đà Nẵng nên có hòn đảo nhỏ và xây dựng thủy cung để dẫn khách ra biển tham quan, tạo điểm nhấn cho Thành phố vào ban đêm, nhưng làm đô thị biển như Dubai thì hoàn toàn không được vì liên quan đến dòng chảy, hạ tầng”, ông Chính nói. Theo ông, dòng hải lưu của vịnh Đà Nẵng “rất khác”, giống như một vòng cung, bởi một bên là núi Hải Vân, một bên là Sơn Trà. Chưa kể tuyến lên xuống của sân bay Đà Nẵng sẽ bị ảnh hưởng khi xây dựng nhà cao tầng. Vì vậy, theo ông Chính, việc xây dựng đô thị biển như là một quyết sách để phát triển Thành phố cần phải nghiên cứu lại khi “không gian Đà Nẵng đã quá đẹp với một vòng cung mà cả Việt Nam không nơi nào có được, nên việc làm thêm một hòn đảo sẽ làm mất vẻ đẹp tự nhiên của vịnh”.

Bày tỏ lo ngại về dự án trên, KTS Hồ Duy Diệm, nguyên Trưởng ban Quy hoạch TP. Đà Nẵng khẳng định, việc lấn biển không thể áp dụng cho vịnh Đà Nẵng, bởi đây có địa hình là một vũng thùng, vòng cung, có một cửa thông ra biển hẹp. Tác động của việc lấn biển gần như ngay lập tức sẽ gây ảnh hưởng rất lớn và phá vỡ ổn định địa hình, sinh thái của vịnh.

KTS Hoàng Quang Huy, Phó chủ tịch Hội Quy hoạch Việt Nam, Chủ tịch danh dự Hội Quy hoạch phát triển đô thị TP. Đà Nẵng cho rằng, không nên lấn vịnh Đà Nẵng.

“Nếu lấn sẽ mất thế và dáng của vịnh, sẽ gây bồi đắp ở những chỗ khác. Kinh nghiệm làm đập Thanh Bình (bờ kè của Khu đô thị Đa Phước, TP. Đà Nẵng) năm lần, bảy lượt vẫn bị sóng phá, sạt lở thêm nhiều vị trí khác. Không chỉ những người có chuyên môn như các nhà khoa học, mà thực tế đã dạy cho tất cả chúng ta rằng, sẽ phải trả giá nếu phá vỡ điều kiện tự nhiên”, ông Huy nói.

“Không phải ý tưởng của Nhóm Tư vấn”

Những ý kiến phản biện gay gắt mang tính cảnh báo từ thực tế địa hình, địa chất, địa lý từ các chuyên gia và các nhà khoa học đã khiến TS. Trần Du Lịch, Trưởng Nhóm Tư vấn Đề án Quy hoạch phát triển Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045 trở nên bối rối. 

TS. Trần Du Lịch nói: “Vấn đề về vịnh Đà Nẵng không phải là ý tưởng của Nhóm Tư vấn, nhưng cũng nên xem xét đề xuất này một cách kỹ lưỡng. Nếu làm quy mô như Dubai, thì tất nhiên phải đánh giá rất kỹ, đặc biệt là những tác động của dự án đến môi trường”.

Việc lấn biển không thể áp dụng cho vịnh Đà Nẵng . Tác động của việc lấn biển gần như ngay lập tức sẽ phá vỡ ổn định địa hình, sinh thái của vịnh.

Xác nhận thông tin trên, ông Trần Đình Quỳnh, Chánh Văn phòng, người phát ngôn của UBND TP. Đà Nẵng cho biết, Dự án Lotus Island là một trong những nội dung mà Ban Xúc tiến và hỗ trợ đầu tư báo cáo sau cuộc họp với các nhà đầu tư gồm Tập đoàn Pavillion (Malaysia), Quỹ Bamboo Capital và Công ty cổ phần Lương thực Đà Nẵng, các đơn vị liên quan vào tháng 5/2018 để gửi Thường trực Thành ủy, UBND TP. Đà Nẵng. “Dự án này chỉ mới là ý tưởng của một nhóm các nhà đầu tư. Ban Xúc tiến đã báo cáo UBND Thành phố, tuy nhiên, Thành phố chưa xem xét và chưa có ý kiến cụ thể gì về dự án này”, ông Quỳnh cho biết.

Chuyên gia thủy lợi Huỳnh Vạn Thắng, nguyên Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đà Nẵng cũng đề nghị “cẩn thận trước ý tưởng này”, bởi dù một số nơi lấn biển vẫn tạo điều kiện tốt để phát triển kinh tế - xã hội, nhưng phần lớn các dự án lấn biển gây tác hại. 

Ông Thắng dẫn chứng: “Vịnh Đà Nẵng đã phải trả giá khi kho xăng dầu K83 (chân đèo Hải Vân, phường Hòa Hiệp Bắc,  quận Liên Chiểu, TP. Đà Nẵng) lấn vịnh làm cả bờ biển tại khu vực phường Hòa Hiệp Bắc xói lở, xâm thực hàng trăm mét dài, nhiều năm qua không trả lại được”.

Đầu năm 2018, Dự án Lotus Island được liên danh các nhà đầu tư đề xuất nghiên cứu lấn vịnh Đà Nẵng làm khu đô thị phức hợp với quy mô trên 1.400 ha, vị trí lấn biển cách đất liền khoảng 1 km, tổng vốn đầu tư dự kiến lên 8 tỷ USD. Theo phác họa ban đầu, Dự án sẽ xây dựng “siêu” đô thị bao gồm các khu chung cư cao tầng, trung tâm văn hóa, công viên công nghệ, khu nghỉ dưỡng quốc tế, trung tâm tài chính - thương mại, khu đua Công thức 1, casino, khu bán lẻ miễn thuế, sân golf, bến du thuyền… Dự án dự kiến được xây dựng trong 6 năm, chia làm 2 giai đoạn.

Đà Nẵng thúc tiến độ phương án mở lối xuống biển
UBND TP Đà Nẵng vừa có văn bản yêu cầu các Sở ban ngành khẩn trương triển khai phương án mở lối xuống biển.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư