Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Dự án ngàn tỷ đồng của Vinatex trễ hẹn
Thế Hải - 06/05/2016 08:40
 
Dự án Khu liên hợp Sợi - Dệt - Nhuộm - May Quế Sơn (Quảng Nam) do Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) làm chủ đầu tư nhiều khả năng lỗi hẹn do vướng mặt bằng…

Đây là dự án quy mô lớn, với tổng vốn đầu tư khoảng 1.200 tỷ đồng, được đầu tư nhằm cụ thể hóa mục tiêu hình thành các chuỗi sản xuất khép kín, mở rộng năng lực sản xuất, tận dụng cơ hội thị trường, nhưng do công tác giải phóng mặt bằng chưa xong, nên đến thời điểm này, chưa có hạng mục nào được triển khai thi công, dù Dự án đã chính thức khởi công từ tháng 3/2015.

Dự án có  quy mô diện tích 10,4 ha, được Vinatex tính toán sẽ tạo ra mức doanh thu bình quân 2.000 tỷ đồng/năm, sử dụng trên 2.000 lao động, kim ngạch xuất khẩu dự tính 40 triệu USD/năm trong những năm đầu tiên.

Nhiều doanh nghiệp dệt may đang dồn sức đầu tư mở rộng công suất để tận dụng cơ hội mới từ hội nhập. Ảnh: Đức Thanh
Nhiều doanh nghiệp dệt may đang dồn sức đầu tư mở rộng công suất để tận dụng cơ hội mới từ hội nhập. Ảnh: Đức Thanh

Đây sẽ là chuỗi sản xuất khép kín từ khâu sợi cho đến may, bao gồm: nhà máy kéo sợi quy mô 3 vạn cọc sợi, sản lượng trên 5.000 tấn sợi/năm; nhà máy dệt - nhuộm vải dệt kim quy mô 6.000 tấn vải dệt nhuộm/năm; nhà máy may sản phẩm dệt kim, quy mô 10 triệu sản phẩm dệt kim/năm; nhà máy xử lý nước cấp và nước thải, công suất cấp nước sạch 5.000 m3/ngày đêm và trung tâm xử lý nước thải dệt - nhuộm, công suất 3.000 m3/ngày đêm, đảm bảo đáp ứng tiêu chuẩn Việt Nam về môi trường.

Thời gian thi công Khu liên hợp được công bố trong ngày khởi công là năm 2015 - 2017. Theo đó, năm 2016 sẽ hoàn thành toàn bộ các hạng mục để đưa vào hoạt động trong năm 2017.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Lê Tiến Trường, Tổng giám đốc Vinatex cho biết, Khu liên hợp Sợi - Dệt - Nhuộm - May Quế Sơn là một trong những dự án đầu tư nâng cao năng lực chuỗi cung ứng sợi - dệt - nhuộm hoàn tất - may, phù hợp quy tắc xuất xứ từ sợi, đảm bảo thế chủ động về nguồn nguyên liệu cho hoạt động sản xuất - kinh doanh của Tập đoàn. Đây cũng là dự án đầu tư trọng điểm của Tập đoàn ngay sau khi chuyển sang hoạt động theo mô hình công ty cổ phần.

“Tuy nhiên, sự chậm trễ trong bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư không chỉ ảnh hưởng đến tiến độ đầu tư của toàn thể Dự án, mà có khả năng, chủ đầu tư sẽ phải tính toán lại phương án đầu tư một vài hạng mục, để đảm bảo tính kinh tế cũng như hiệu quả của Dự án”, ông Trường cho biết thêm.

Liên quan vấn đề này, ông Cao Hữu Hiếu, Trưởng ban Đầu tư của Vinatex cũng cho biết, tính từ thời điểm khởi công Dự án đến nay đã kéo dài hơn 1 năm, nhưng do khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng tại địa phương, nên nhà đầu tư vẫn chưa được giao đủ đất để triển khai xây dựng các nhà máy nằm trong Khu liên hợp. Trong khi đó, Vinatex đã chuẩn bị đủ nguồn lực về tài chính, nhân sự… để có thể triển khai Dự án trong thời gian ngắn nhất.

Được biết, Vinatex đang cùng với địa phương xử lý rốt ráo các vấn đề còn vướng mắc với kỳ vọng có thể tiến hành xây dựng nhà máy may trong Khu liên hợp ngay trong tháng 6 tới.

Nếu được triển khai suôn sẻ và hoàn thành đúng hẹn, thì dự kiến nhà máy may này sẽ hoàn thành xây dựng toàn bộ trong năm 2016 và đi vào hoạt động từ năm 2017, mang lại kim ngạch xuất khẩu khoảng 40 triệu USD/năm trong những năm đầu tiên.

Quan trọng hơn, khi đi vào hoạt động, Dự án sẽ không những cung cấp nguyên vật liệu phục vụ ngành dệt may của tỉnh Quảng Nam, mà còn cho nhiều địa phương khác trong cả nước, như Đà Nẵng, Phú Yên..., đồng thời tạo ra các sản phẩm dệt may đa dạng với chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của xã hội và xuất khẩu.

Vinatex trầy trật mà lợi nhuận không tăng
Tổng kim ngạch xuất khẩu tăng gần 10% so với năm 2014, đạt 3,463 tỷ USD, doanh thu cũng đạt 52.655 tỷ đồng, tăng 11%, nhưng lợi nhuận trước thuế...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư