Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 24 tháng 04 năm 2024,
Dự án nông nghiệp công nghệ cao tại Bình Thuận: Thúc thủ vì dân “nhảy dù” chiếm đất
Ngọc Tuấn - 09/12/2018 13:54
 
Vừa phôi thai định hình, Dự án nông nghiệp công nghệ cao Láng Lớn tại tỉnh Bình Thuận lâm vào cảnh ách tắc do người dân địa phương lấn chiếm đất của dự án.

“Nhảy dù” chiếm đất

Tháng 5/2016, ông Nguyễn Hoàng Anh (ngụ tại quận 1, TP.HCM) đề nghị UBND huyện Tuy Phong (tỉnh Bình Thuận) cho thuê 62 ha đất tại khu vực Láng Lớn (xã Vĩnh Hảo) để đầu tư dự án trồng cỏ, bắp nuôi bò thịt Brahman nông nghiệp công nghệ cao. Sau khi nhận đơn của ông Hoàng Anh, UBND huyện Tuy Phong chỉ đạo các ngành kiểm tra, khảo sát hiện trạng, nguồn gốc vị trí khu đất nhà đầu tư xin thuê. 

Hiện trạng các công trình lấn chiếm đất của Dự án nông nghiệp công nghệ cao tại Láng Lớn. Ảnh: Ngọc Tuấn
Hiện trạng các công trình lấn chiếm đất của Dự án nông nghiệp công nghệ cao tại Láng Lớn. Ảnh: Ngọc Tuấn

Theo đó, UBND huyện Tuy Phong đánh giá hiện trạng tại thời điểm khảo sát (tháng 6/2016) khu đất có cây tái sinh, cây bụi lớn và một số loại cây  ăn trái của 2 hộ dân trồng trên diện tích khoảng 7 ha. 

Về nguồn gốc đất, có 37 ha đất trước đây là đất rừng do Ban Quản lý Rừng phòng hộ Tuy Phong quản lý đã khai thác xong và giao lại cho UBND xã Vĩnh Hảo quản lý; 18 ha đất của 2 hộ dân được UBND huyện Tuy Phong cho thuê phương án 55 năm từ năm 2009; 7 ha đất sản xuất nông nghiệp của 2 hộ dân; 220 m2 đất của Ban Quản lý Rừng phòng hộ Lòng Sông - Đá Bạc. Trong tổng số 62 ha diện tích đất được khảo sát, có 2,3 ha đất chưa sử dụng, 3,1 ha đất hàng năm, 220 m2 đất rừng sản xuất, 3 ha đất công trình thuỷ lợi, 53,5 ha đất trồng cây lâu năm. Theo Kế hoạch sử dụng đất 5 năm kỳ đầu (giai đoạn 2011 - 2015) của huyện Tuy Phong, ngoài những diện tích nêu trên, thì còn có quy hoạch 7,4 ha đất  quy hoạch khoáng sản.   

Qua kết quả thẩm định của Phòng Tài nguyên và Môi trường, UBND huyện Tuy Phong chấp thuận chủ trương cho ông Hoàng Anh thuê đất khu vực Láng Lớn để đầu tư dự án nông nghiệp công nghệ cao, nhưng loại trừ một số diện tích đất như sau: 3 ha đất có công trình thủy lợi; 7,4 ha đất quy hoạch cho khoáng sản. Đồng thời, UBND huyện Tuy Phong giao ông Hoàng Anh thực hiện bồi thường 2 hộ dân có đất sản xuất nông nghiệp và thỏa thuận với 2 hộ dân thuê đất phương án 55 năm. 

Sau khi có chủ trương của huyện Tuy Phong, ông Hoàng Anh đã thực hiện bồi thường cho 2 hộ dân thuê đất phương án 55 năm, nhưng phần diện tích đất sản xuất nông nghiệp của 2 hộ dân, nhà đầu tư xin tách ra khỏi Dự án. Sau rà soát, tổng diện tích đất của Dự án còn lại 47,6 ha.

Dự án trồng cỏ, bắp nuôi bò thịt Brahman sẽ trở nên thuận buồm xuôi gió và góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội vùng đất nắng gió, khô cằn Tuy Phong nếu như không nảy sinh diễn biến bất lợi. Đó là, trong khi UBND huyện Tuy Phong làm thủ tục cho ông Hoàng Anh thuê đất, thì tháng 8/2016, nhiều hộ dân lợi dụng sự quản lý lỏng lẻo của chính quyền địa phương để vào khu đất dự án lấn chiếm dựng chòi, trồng cây lâu năm. 

Cụ thể, có 5 trường hợp lấn chiếm đất bị UBND xã Vĩnh Hảo phát hiện và lập biên bản xử phạt. Tuy nhiên, do những người lấn chiếm là những hộ nghèo, nên ông Hoàng Anh đề xuất phương án với UBND xã Vĩnh Hảo phương án nhà đầu tư bỏ tiền hỗ trợ các hộ dân để họ giao lại đất đã lấn chiếm với mức tiền 30 triệu đồng/ha. Kết quả là có 4 trường hợp đồng ý nhận tiền hỗ trợ, 1 trường hợp không đồng ý thỏa thuận trên. 

Sự việc diễn biến phức tạp hơn khi biết thông tin đất dự án được ông Nguyễn Hoàng Anh hỗ trợ tiền, nhiều người dân địa phương kéo vào khu đất tái lấn chiếm. Khi hoàn thành thủ tục thuê đất với nhà nước, ông Nguyễn Hoàng Anh yêu cầu các hộ dân nhận tiền hỗ trợ vào thực địa bàn giao đất thì phát hiện thêm nhiều hộ dân mới “nhảy dù” xí phần, lấn chiếm, mua bán, chuyển nhượng bất hợp pháp với mục đích đòi tiền bồi thường. 

Nhằm vãn hồi tình hình, UBND huyện Tuy Phong thành lập tổ kiểm tra công tác quản lý nhà nước về đất đai, trật tự xây dựng trên địa bàn, giải quyết tình trạng lấn chiếm đất đai tại khu vực Láng Lớn. Tuy nhiên, theo ghi nhận mới nhất của phóng viên Báo Đầu tư, tình trạng lấn chiếm đất dự án trồng cỏ, bắp nuôi bò thịt Brahman nông nghiệp công nghệ cao vẫn chưa được giải quyết dứt điểm.

Nhà đầu tư nản lòng

Để tìm hiểu sự việc, phóng viên Báo Đầu tư có cuộc làm việc với ông Huỳnh Văn Điển, Chủ tịch UBND huyện Tuy Phong. Tại cuộc làm việc này, ông Điển cho biết, chính quyền ủng hộ doanh nghiệp, doanh nhân đầu tư và kinh doanh trên địa bàn huyện, đặc biệt, dự án của ông Hoàng Anh là cần thiết cho việc tái cơ cấu ngành nông nghiệp của huyện.  

Ông Điển chia sẻ, các hộ dân lấn chiếm đất lấy lý do “UBND huyện Tuy Phong cho ông Hoàng Anh thuê đất thần tốc, chéo ngoe” để biện minh cho sai phạm của họ là không có cơ sở, bởi việc cấp đất được thực hiện đúng quy trình và kéo dài hơn 1 năm. 

“Huyện không thu hồi đất của người dân để cho nhà đầu tư thuê, phần diện tích nhà đầu tư không thỏa thuận được với người dân đã tách ra khỏi Dự án. Diện tích đất huyện Tuy Phong cấp sổ đỏ cho Dự án là đất trống do nhà nước quản lý và đất nhà đầu tư đã thỏa thuận với người dân”, ông Điển nói. 

Sau phát sinh mới, chính quyền tổ chức cho các hộ dân lấn chiếm mới đối thoại với nhà đầu tư nhưng không thành. Thời điểm hiện tại, có 13 hộ dân tranh chấp đất với nhà đầu tư và không có sự lựa chọn nào khác, ông Nguyễn Hoàng Anh buộc phải khởi kiện ra tòa án để giải quyết. “Tranh chấp khiến Dự án bị đình trệ. Trước mắt, chúng tôi đã báo cáo thêm một số nội dung cho UBND tỉnh Bình Thuận. Sau khi tòa án thụ lý, xét xử vụ việc, huyện Tuy Phong sẽ chỉ đạo các ban, ngành và UBND xã Vĩnh Hảo xử lý dứt điểm sự việc để dự án được sớm triển khai. Chúng tôi không muốn sự việc này ảnh hưởng tới môi trường đầu tư của địa phương”, ông Điển khẳng định.

Cần thông tin thêm rằng, tại Văn bản số 191/BC - UBND (ngày 10/7/2018) và 2092/UBND - KT (ngày 15/8/2018) gửi UBND và Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bình Thuận, UBND huyện Tuy Phong khẳng định, diện tích đất cho ông Hoàng Anh thuê không phải đất của các hộ dân sản xuất lâu năm và ghi nhận tình trạng một số đối tượng lấn chiếm đất tại khu vực Láng Lớn. Tổ kiểm tra công tác quản lý nhà nước về đất đai, trật tự xây dựng huyện Tuy Phong cũng đã vào cuộc để giải quyết tình trạng lấn chiếm đất.

Trước thực trạng trên, ông Hoàng Anh ông hy vọng tòa án và cơ quan hữu trách tích cực vào cuộc, để tháo gỡ khó khăn giúp nhà đầu tư sớm triển khai dự án. “Tâm lý bất an, tốn kém thời gian, tiền bạc khiến chúng tôi dần nản lòng với việc đầu tư cho Dự án”, ông Hoàng Anh nói.

Quảng Trị với khát vọng về một nền nông nghiệp công nghệ cao
Trong một vài năm trở lại đây, Quảng Trị đã có nhiều giải pháp mang tính đột phá, trong đó có tái cơ cấu ngành nông nghiệp, nâng cao giá trị gia...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư