Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 28 tháng 03 năm 2024,
Dự án nông nghiệp liên kết được vay 70-80% vốn không thế chấp
Thùy Liên - 10/06/2015 14:48
 
Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 55/2015/NĐ-CP thay thế Nghị định 41/2010/NĐ-CP về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn với rất nhiều điểm mới.

Theo số liệu của NHNN, sau 5 năm có hiệu lực, Nghị định 41 đã giúp dư nợ tín dụng đối với lĩnh vực nông nghiệp nông thôn đã tăng gấp 2,5 lần so với mức dư nợ trước thời điểm ban hành Nghị định, với mức tăng trưởng bình quân hằng năm cao hơn mức tăng chung của nền kinh tế và hiện nay chiếm tỷ trọng 19% trên tổng dư nợ của nền kinh tế (tương đương với mức đóng góp của ngành nông nghiệp trong GDP).  

 

Tuy nhiên, trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng trở nên sâu rộng, sản phẩm nông nghiệp Việt Nam đã thực sự bước vào “sân chơi” chung của thế giới thì cơ chế sản xuất nông nghiệp dựa trên nền tảng “hộ gia đình” với qui mô nhỏ, manh mún, thiếu liên kết đã bộc lộ nhiều bất cập. Tình trạng “được mùa mất giá, được giá mất mùa” thường xuyên xảy ra; một số sản phẩm nông nghiệp sản lượng không ngừng tăng nhưng giá trị lại không tăng hoặc giảm đi đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến thu nhập và đời sống của người nông dân. Vì vậy, ngành nông nghiệp đang tái cơ cấu theo hướng phát triển mạnh các mô hình sản xuất lớn, sản xuất theo chuỗi giá trị. Trong bối cảnh này, những quy định trong Nghị định 41 không còn phù hợp. Vì vậy,  Ngân hàng Nhà nước đã chủ động đề xuất và phối hợp với các Bộ ngành liên quan trình Chính phủ ban hành Nghị định mới về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn (Nghị định số 55/2015/NĐ-CP ngày 09/6/2015) thay thế Nghị định 41/2010/NĐ-CP.

Có nhiều điểm nổi bật, quan trọng trong Nghị định 55.

Thứ nhất, Nghị định bổ sung đối tượng được vay vốn phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn bao gồm cả các đối tượng là cá nhân, hộ gia đình sinh sống trên địa bàn thành phố, thị xã nhưng tham gia sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp.  

Thứ hai, thúc đẩy tổ chức sản xuất nông nghiệp theo mô hình liên kết, mô hình ứng dụng công nghệ cao thông qua việc quy định các tổ chức đầu mối (doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã) tham gia mô hình liên kết, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp được tổ chức tín dụng cho vay không có tài sản bảo đảm lên đến 70%-80% giá trị dự án, phương án sản xuất, kinh doanh.

Thứ ba, nâng mức cho vay không có tài sản bảo đảm đối với các đối tượng là cá nhân, hộ gia đình, tổ hợp tác, chủ trang trại, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã... lên gấp 1,5 đến 2 lần so với quy định hiện nay. Quy định mức cho vay không có tài sản bảo đảm đối với một số lĩnh vực đặc thù có nhu cầu vốn lớn trong sản xuất nông nghiệp như đầu tư cây công nghiệp, cây ăn quả lâu năm, nuôi trồng, khai thác thủy sản xa bờ, cung cấp dịch vụ hậu cần nghề cá...cao hơn các lĩnh vực khác.

Thứ tư, khuyến khích khách hàng vay vốn tham gia mua bảo hiểm trong nông nghiệp thông qua việc quy định tổ chức tín dụng giảm lãi suất cho vay với mức tối thiểu 0,2%/năm so với lãi suất của các khoản cho vay cùng loại và có thời hạn tương ứng.

Thứ năm, quy định cụ thể hơn về nguyên tắc, quy trình xử lý các khoản nợ vay gặp rủi ro do thiên tai, dịch bệnh trên phạm vi rộng hoặc do nguyên nhân khách quan bất khả kháng đối với khách hàng trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.

Thứ sáu, khuyến khích các tổ chức tín dụng đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn thông qua quy định về trích lập dự phòng rủi ro, hỗ trợ nguồn vốn và các công cụ điều hành chính sách tiền tệ khác.

Ngoài ra, Nghị định cũng quy định cá nhân, hộ gia đình vay vốn tại tổ chức tín dụng không phải nộp lệ phí chứng thực hợp đồng thế chấp tài sản tại cơ quan thực hiện chứng thực hợp đồng và lệ phí đăng ký giao dịch bảo đảm tại cơ quan đăng ký giao dịch bảo đảm.

NHNN kỳ vọng Nghị định số 55/2015/NĐ-CP  không chỉ khuyến khích các tổ chức tín dụng mạnh dạn đầu tư vốn phát triển lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn mà còn tạo điều kiện thuận lợi để người dân, doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng.

Tín dụng nông nghiệp: Agribank chưa có đối thủ?
Nhiều ngân hàng đang bắt đầu “nhòm ngó” miếng bánh tín dụng nông nghiệp, nông thôn mà Agribank đang chiếm lĩnh phần lớn thị phần. Tuy nhiên,...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư