Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Dự án trường đua ngựa trở lại đường đua
Hà Nguyễn - 15/12/2018 08:16
 
Sau một thời gian ồ ạt xin triển khai, hầu hết các dự án trường đua ngựa đang chìm trong im ắng. Nhưng cuộc đua có thể trở lại, sau khi TP. Hà Nội quyết tâm xây dựng dự án trường đua ngựa ở Sóc Sơn.

Hà Nội hào hứng

Một thông tin đáng chú ý trong những ngày gần đây, đó là UBND TP. Hà Nội đã chính thức thông qua Nghị quyết điều chỉnh cục bộ Quy hoạch Tổng thể phát triển kinh tế - xã hội TP. Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Trong quy hoạch đó có Dự án Tổ hợp vui chơi giải trí đa năng - Trường đua ngựa (có hoạt động kinh doanh đặt cược đua ngựa), dự kiến xây dựng tại huyện Sóc Sơn. 

Hành lang pháp lý cơ bản hoàn thiện cho kinh doanh đặt cược, trong đó có đua ngựa, mở ra cơ hội phát triển một ngành kinh doanh mới ở Việt Nam. Ảnh: Đ.T
Hành lang pháp lý cơ bản hoàn thiện cho kinh doanh đặt cược, trong đó có đua ngựa, mở ra cơ hội phát triển một ngành kinh doanh mới ở Việt Nam. Ảnh: Đ.T

Theo thông tin từ ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội, Dự án có vốn đầu tư khoảng 420 triệu USD, khi đi vào hoạt động sẽ đóng góp cho ngân sách nhà nước khoảng 1.000 - 1.500 tỷ đồng mỗi năm, tạo việc làm cho người dân địa phương và thúc đẩy du lịch… Theo kế hoạch, nếu được Chính phủ thông qua, thì Dự án sẽ được khởi công xây dựng ngay trong năm 2019. 

Xem ra, Hà Nội đang khá hào hứng với dự án trường đua ngựa mà trên thực tế đã được đề xuất từ gần 20 năm trước. Tuy nhiên, thời điểm đó, do quy định của pháp luật liên quan đến cá cược, đua ngựa chưa hoàn thiện, nên dự án không được triển khai. Cách đây ít năm, khi Chính phủ bắt đầu xây dựng nghị định về kinh doanh đặt cược đua ngựa, đua chó và bóng đá quốc tế, thì nhà đầu tư nước ngoài là Global Consltant Network Co.Ltd đã quay trở lại, liên doanh với Tổng công ty Du lịch Hà Nội để đề xuất xây trường đua ngựa tại huyện Sóc Sơn.

Cơ hội mở ra khi tháng 1/2017, Chính phủ đã chính thức ban hành Nghị định 06/2017/NĐ-CP về kinh doanh đặt cược, đua chó, đua ngựa và bóng đá quốc tế. Thêm vào đó, tại kỳ họp giữa năm nay, Quốc hội đã thông qua Luật Thể dục, thể thao sửa đổi, trong đó có bổ sung quy định về đặt cược thể thao. Hành lang pháp lý cho kinh doanh đặt cược tại Việt Nam, bao gồm cả đua ngựa, đua chó và bóng đá quốc tế, về cơ bản đã hoàn thiện, mở ra cơ hội phát triển một ngành kinh doanh mới ở Việt Nam, cũng như mở ra cơ hội để Hà Nội thúc đẩy dự án trường đua ngựa, nhất là khi dự án này đã được bổ sung vào quy hoạch.

Địa phương khác thấp thỏm? 

Thực ra, dự án trường đua ngựa ở Hà Nội không phải là dự án duy nhất được đề xuất vào thời điểm Chính phủ Việt Nam chuẩn bị cho việc hợp lý hóa kinh doanh đặt cược ở Việt Nam. Khi Dự thảo Nghị định 06/2017/NĐ-CP được soạn thảo, GOMAX I&D Hàn Quốc cũng đã quay trở lại Việt Nam với kế hoạch đầu tư một dự án 1,5 tỷ USD.

Cơ hội mở ra khi tháng 1/2017, Chính phủ đã chính thức ban hành Nghị định 06/2017/NĐ-CP về kinh doanh đặt cược, đua chó, đua ngựa và bóng đá quốc tế.

Dự án của nhà đầu tư Hàn Quốc nêu trên gồm các hạng mục trường đua ngựa, sân golf 72 lỗ, khu thể thao giải trí, câu lạc bộ cưỡi ngựa và polo, khu nhà ở và biệt thự, trên quy mô 750 ha. Trong đó, trường đua ngựa sẽ được xây dựng trên diện tích 200 ha, tổ chức 3 cuộc đua/tuần. Ngoài ra, GOMAX còn dự định xây dựng 70 điểm cá cược ngoài trường đua tại 54 tỉnh, thành phố trên cả nước, xây dựng hệ thống đặt cược online…

Cuối năm 2016, bản ghi nhớ chính thức về việc đầu tư xây dựng Khu phức hợp trường đua ngựa quốc tế và công trình thể thao, giải trí tại Vĩnh Phúc đã được ký kết. Đầu năm 2017, khi Nghị định 06/2017/NĐ-CP được thông qua, những tưởng dự án này sẽ nhanh chóng được cấp chứng nhận đầu tư và triển khai, nhưng cho đến nay, tất cả vẫn nằm trên giấy.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, lãnh đạo của GOMAX cho biết, Dự án vẫn đang bị trì hoãn vì chưa nhận được sự chấp thuận của cơ quan chức năng. “Tuy nhiên, chúng tôi vẫn quyết tâm theo đuổi dự án này”, vị này nói và cho biết, vẫn đi đi - về về giữa Việt Nam - Hàn Quốc để chuẩn bị Dự án.  

Ngoài dự án trên, một dự án trường đua ngựa khác ở Bắc Ninh cũng đã được một nhà đầu tư Hàn Quốc khác - Golden Horse - đề xuất từ đầu năm 2017, với quy mô 500 triệu USD. Dự án này cũng đã được ký thỏa thuận hợp tác đầu tư, song cho đến nay vẫn chưa được triển khai. Đầu năm nay, UBND tỉnh Bắc Ninh đã yêu cầu Golden Horse đẩy nhanh tiến độ Dự án, nếu không sẽ xem xét dừng Dự án để tạo cơ hội cho nhà đầu tư khác. Golden Horse cam kết sẽ sớm thành lập tư cách pháp nhân ở Việt Nam, để có thể trình Dự án lên Thủ tướng Chính phủ. Tuy nhiên, cho đến nay, chưa có thêm thông tin về tiến độ của Dự án.

Trong khi đó, Dự án trường đua ngựa 100 triệu USD ở Phú Yên của Golden Turf Club Pty. Ltd (Hồng Kông) được trao chủ trương đầu tư từ năm 2016, nhưng cũng chậm trễ trong triển khai, khiến UBND tỉnh Phú Yên nhiều lần phải lên tiếng hối thúc. Đầu năm nay, Phú Yên đã gửi kiến nghị lên Thủ tướng Chính phủ chấp thuận để Dự án được phép kinh doanh cá cược đua ngựa.

Như vậy, dù hành lang pháp lý cơ bản đã hoàn thiện, dự án đầu tư đề xuất cũng nhiều, song chưa có dự án nào trong số các dự án này được triển khai. Kinh doanh đặt cược là một ngành kinh doanh có điều kiện và khá nhạy cảm, nên có lẽ vì thế, mọi quyết định đang được xem xét một cách cẩn trọng.

Phú Yên kiến nghị cho cá cược tại dự án Trường đua ngựa
Tỉnh Phú Yên đề xuất các Bộ, ngành Trung ương và Thủ tướng Chính phủ cho bổ sung thêm hạng mục đầu tư dự án Trường đua ngựa có...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư