Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 25 tháng 04 năm 2024,
Dự án xây dựng đường nối hương lộ 10 (Đồng Nai): Nghi vấn vi phạm Luật Đấu thầu thầu
Ngọc Tuấn - 20/06/2016 17:06
 
Dự án xây dựng mới tuyến đường nối Hương lộ 10 đoạn từ ranh giới huyện Cẩm Mỹ và huyện Long Thành đến vị trí giao với đường tỉnh 769 là dự án trọng điểm của tỉnh Đồng Nai. Trong quá trình triển khai, nhưng tại Dự án đã xuất hiện những nghi vấn vi phạm pháp luật đấu thầu.
TIN LIÊN QUAN

Chủ đầu tư “vung tay quá trán”

Dự án đường nối Hương lộ 10 (Dự án), được tỉnh Đồng Nai quyết định phê duyệt đầu tư từ năm 2011. Dự án có tổng mức đầu tư là 256,1 tỷ đồng từ vốn ngân sách, tiến độ thực hiện từ 2012 - 2015. Tuy nhiên, do nhiều lý do khách quan đã khiến dự án chưa được triển khai như dự kiến.

Mặc dù thời tiết thuận lợi cho thi công, nhưng máy móc thiết bị của nhà thầu vẵn nằm bất động bên lề Hương lộ 10. Ảnh: Ngọc Tuấn
Mặc dù thời tiết thuận lợi cho thi công, nhưng máy móc thiết bị của nhà thầu vẵn nằm bất động bên lề Hương lộ 10. Ảnh: Ngọc Tuấn

Tháng 10/2015, UBND tỉnh Đồng Nai đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn cho Dự án. Theo đề nghị này, dự kiến, Dự án có tổng mức đầu tư hơn 300 tỷ đồng, nguồn vốn đầu tư toàn bộ từ ngân sách Trung ương, tiến độ thực hiện giai đoạn 2016-2020. Về đề nghị này, Bộ đã có văn bản gửi UBND tỉnh Đồng Nai xác định, đây là dự án nhóm B và thuộc đối tượng được hỗ trợ từ ngân sách từ Chương trình Mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội vùng.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đề nghị tỉnh Đồng Nai chủ động rà soát, sắp xếp thứ tự ưu tiên các dự án đề xuất khởi công trong giai đoạn 2016 - 2020 phù hợp với khả năng cân đối vốn của ngân sách trung ương và địa phương giai đoạn này. Tuy nhiên, từ trước đó, tháng 4/2015, tỉnh Đồng Nai đã quyết định phân tách hồ sơ để phục vụ chủ trương thi công trước phân đoạn km 11+646 - Km 13+569,7. Sau đó, tỉnh Đồng Nai cũng duyệt bản vẽ thi công, dự toán phân đoạn này. Tới đầu năm 2016, UBND tỉnh Đồng Nai quyết định phê duyệt Kế hoạch lựa chọn nhà thầu. Khu quản lý đường bộ, đường thủy Đồng Nai (được tỉnh giao làm chủ đầu tư) đã duyệt hồ sơ mời thầu và tiêu chuẩn đánh giá hồ sơ dự thầu. Theo đó, phân đoạn nói trên được gọi là Gói thầu số 05 và chủ đầu tư đã công bố công khai kế hoạch lựa chọn nhà thầu và tiến hành đấu thầu.

Mới đây, từ những kiến nghị của nhà thầu dự thầu gói thầu 05 là Công ty cổ phần Xây dựng 3-2 (tỉnh Bình Dương) đã hé lộ những nghi vấn về nguồn vốn thực hiện Dự án.

Điểm d, Điều 7, Luật Đấu thầu 2013 quy định rõ: “nguồn vốn cho gói thầu được thu xếp theo tiến độ thực hiện gói thầu”; điểm 3, Điều 64 cũng quy định: “chủ đầu tư phải bảo đảm các điều kiện về vốn tạm ứng, vốn thanh toán, mặt bằng thực hiện và các điều kiện cần thiết khác để triển khai thực hiện gói thầu theo đúng tiến độ”. Tuy nhiên, cho tới thời điểm này, Dự án mới chỉ có văn bản thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn của Trung ương, chưa có văn bản chính thức phân bổ vốn. Cần phải lưu ý rằng, việc tổ chức lựa chọn nhà thầu khi nguồn vốn cho gói thầu chưa được xác định dẫn tới tình trạng nợ đọng vốn là một hành vi bị cấm trong đấu thầu.

Trước những nghi vấn trên, tại buổi làm việc với phóng viên Báo Đầu tư, ông Lê Quang Bình, Phó giám đốc Sở Giao thông - Vận tải Đồng Nai khẳng định, tỉnh Đồng Nai đã làm đúng. “Điều kiện căn bản để đấu thầu là có hồ sơ được phê duyệt và phải có kế hoạch vốn được ghi. Gói thầu 05 đã được ghi kế hoạch vốn và có hồ sơ được duyệt đầy đủ”, ông Bình nói và cho biết thêm, việc bố trí vốn cho Dự án được thể hiện tại Thông báo số 935/TB-SKHĐT ngày 14/12/2015 của Sở Kế hoạch Đầu tư Đồng Nai.

Tuy nhiên, ngân sách tỉnh chỉ bố trí cho Gói thầu 05 số vốn 8 tỷ đồng, trong khi giá trúng thầu là hơn 30,7 tỷ đồng. Trong khi đó, hợp đồng thi công xây dựng giao kết giữa chủ đầu tư và Liên danh nhà thầu Cường Hùng - Phúc Hiếu xác định thời gian hoàn thành gói thầu là 180 ngày, kể từ ngày 12/4/2016. Câu hỏi đặt ra là, tỉnh Đồng Nai sẽ cân đối nguồn nào để thanh toán cho nhà thầu như cam kết tại Hợp đồng? Ông Bình cho biết, “tỉnh sẽ tìm nguồn cấp bổ sung để đảm bảo thực hiện Dự án”.

Cũng cần nhấn mạnh thêm là, trong khi Dự án mới chỉ được xác định thực hiện bằng nguồn hỗ trợ từ ngân sách Trung ương và chưa xác định tiến độ cấp vốn cụ thể, thì trong khi chờ đợi, tỉnh Đồng Nai đã “mạnh dạn” dùng ngân sách tỉnh thực hiện xây dựng Gói thầu phân đoạn trên.

Thiếu cụ thể khiến nhà thầu phạm quy khiếu nại kéo dài

Như đã đề cập ở trên, Khu quản lý đường bộ, đường thủy Đồng Nai đã tổ chức đấu thầu Gói thầu số 05: Phần tách đoạn từ km 11+656 - km 13+569,7 thuộc Dự án Xây dựng mới tuyến đường nối Hương lộ 10 đoạn từ ranh giới huyện Cẩm Mỹ và huyện Long Thành đến vị trí giao cắt Tỉnh lộ 769.

Sau khi kết quả chấm thầu được thẩm định, ngày 4/4/2016 chủ đầu tư đã gửi thông báo tới các ứng thầu tham dự thầu. Theo đó, 4 nhà thầu bao gồm Công ty cổ phần Xây dựng công trình Hồng Lâm, Công ty cổ phần Xây dựng 3-2, Công ty TNHH Hồng Hà và Doanh nghiệp tư nhân Long Thuận đều không đạt yêu cầu về mặt kỹ thuật vì chung một lý do “không đạt yêu cầu tính hợp lệ của hồ sơ mời thầu”. Như vậy, chỉ còn liên danh nhà thầu Công ty TNHH Cường Hùng - Công ty TNHH Phúc Hiếu đạt yêu cầu và lọt vào vòng xét hồ sơ đề xuất tài chính.

Cơ sở để các nhà thầu khiếu nại là “những lý do loại nhà thầu không cụ thể”, trong khi Nghị định 63/2014/NĐ-CP yêu cầu, thông báo kết quả lựa chọn nhà thầu phải nêu tóm tắt về lý do không được lựa chọn của từng nhà thầu. Đó chính là lý do khiến Công ty cổ phần Xây dựng 3-2 (Công ty 3-2) gửi kiến nghị tới Chủ tịch UBND và Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Đồng Nai “tố” chủ đầu tư và bên mời thầu có nhiều biểu hiện khuất tất trong tổ chức đấu thầu.

Về nghi vấn này, trong buổi làm việc với với phóng viên Báo Đầu tư, ông Lê Quang Bình khẳng định, nhà thầu Công ty 3-2 bị loại là đúng. Lý do đã được chỉ ra trong Báo cáo thẩm định kết quả lựa chọn nhà thầu và cũng được khẳng định lại tại báo cáo kết quả cuộc họp ngày 6/6/2016 của Hội đồng Tư vấn đấu thầu tỉnh Đồng Nai.

Cụ thể, hồ sơ dự thầu của Công ty 3-2 có thời hạn hiệu lực không đáp ứng thời hạn quy định trong hồ sơ mời thầu tại Mục 17.1 của Bản chỉ dẫn nhà thầu. Đối với hợp đồng tương tự, nhà thầu cũng không có biên bản thanh lý hợp đồng, hoặc có xác nhận của cơ quan thẩm tra quyết toán kèm theo.

Đặc biệt, phần nhân lực chủ chốt trong Hồ sơ dự thầu có nhiều điểm không chính xác. Cụ thể, hồ sơ dự thầu bố trí ông Nguyễn Phước Trung là giám sát thi công, trong khi đó tổ chuyên gia cho rằng,  tại công trình Nâng cấp đường Tân Đông Hiệp - Tân Bình - thị xã Dĩ An (tỉnh Bình Dương) ông Trung được kê khai với chức vụ “giám sát kỹ thuật thi công”. Nhưng trong Quyết định 22/QĐCTY ngày 27/2/2013 của Công ty 3-2 về việc thành lập Ban chỉ huy công trình, ông Trung lại được bố trí chức danh “phụ trách trắc địa”. Tổ chuyên gia cho rằng, nhà thầu kê khai không đúng chức danh của nhân sự chủ chốt và đó là lý do nhà thầu này bị loại. 

Khi được thông tin chi tiết lý do bị loại, đại diện Công ty 3-2 đã thực sự “tâm phục - khẩu phục”, nhưng vị đại diện này cũng cho rằng, nếu trong thông báo kết quả đấu thầu nêu rõ lý do này, thì chuyện kiến nghị lùm xùm đã không diễn ra.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư