Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 24 tháng 04 năm 2024,
Dư địa đầu tư cho nông nghiệp còn nhiều
Hồng Sơn - 31/01/2016 13:10
 
Theo GS. Võ Tòng Xuân, cơ hội để doanh nghiệp Việt đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp là khá rộng mở, nhưng để làm được việc đó, các doanh nghiệp cần khắc phục những điểm yếu cố hữu, nhất là sự thụ động và ỷ lại.
.
.

Việt Nam và Thái Lan là 2 quốc gia xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới. Trong bối cảnh Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) chính thức được thành lập, theo ông, cơ hội để đầu tư phát triển nông nghiệp của Việt Nam như thế nào?

Khu vực Đông Nam Á đang thiếu nguồn cung cấp gạo. Tuy nhiên, chỉ tăng nguồn cung không thể giải quyết vấn đề này và cần được giải quyết tại nhiều cấp độ như nông dân, các công ty và Chính phủ. Các nước trong khối ASEAN cần liên kết để giải quyết vấn đề trên.

Trong bối cảnh AEC đã hình thành, tôi cho rằng, dư địa để Việt Nam đầu tư phát triển ngành nông nghiệp, trong đó có sản xuất lúa gạo là rất lớn. Tôi ủng hộ quan điểm, chúng ta cần tập trung đầu tư sản xuất gạo có chất lượng trung bình để tăng tính cạnh tranh, hiệu quả kinh tế đem lại cao hơn.

Trước cơ hội này, các doanh nghiệp nước ngoài quan tâm đến việc đầu tư cho sản xuất nông nghiệp ở Việt Nam thế nào, thưa ông?

Mỗi nước trong ASEAN đều đang có những cách làm riêng để đối phó với vấn đề thiếu nguồn cung gạo và đảm bảo an ninh lương thực nói chung. Tuy nhiên, theo quan sát của tôi, các doanh nghiệp trong khu vực ít có sự quan tâm đến việc đầu tư cho lĩnh vực nông nghiệp ở các nước khác, trong đó có Việt Nam.

Trong khi đó, các doanh nghiệp của Nhật Bản thời gian gần đây lại rất quan tâm đến lĩnh vực này. Các doanh nghiệp Nhật rất muốn đầu tư về giống, thiết bị máy móc, chuyển giao kỹ thuật…cho doanh nghiệp và nông dân của ta. Họ sẵn sàng đầu tư, cung cấp những gì mình cần nhưng sản phẩm làm ra phải làm đúng quy trình, sử dụng máy móc họ cung cấp thì xuất khẩu sang thị trường Nhật rất dễ.

Các mô hình của doanh nghiệp Việt thì sao, thưa ông?

Thực tế cũng có không ít mô hình của doanh nghiệp Việt Nam đầu tư và thành công trong lĩnh vực nông nghiệp. Mấu chốt của sự thành công này là do doanh nghiệp chắc chắn được đầu ra, đầu tư bài bản và có sự liên kết tốt với nông dân.

Điển hình là câu chuyện của Tập đoàn Lộc Trời đã rất thành công tại nhiều địa phương ở Đồng bằng sông Cửu Long. Hay một doanh nghiệp khác không có thế mạnh về nông nghiệp như Tập đoàn Tân Tạo đã thành lập Công ty cổ phần Nghiên cứu và Xuất khẩu gạo thơm (ITA Rice). Những nông dân tham gia chương trình của ITA Rice đạt năng suất trung bình 7-8 tấn lúa/ha, nông dân có lời trên 20 triệu đồng/ha… Mô hình này đang được dự kiến triển khai trên diện tích lớn hơn.

Thành công của các mô hình này là do từng doanh nghiệp giải quyết tốt vấn đề có sản phẩm cạnh tranh bắt nguồn từ nguyên liệu. Chất lượng hiện nay không cao, mà giá thành cao vì ko kết hợp chặt chẽ với nông dân. Cái được lớn hơn là làm như vậy thì chất lượng tốt, không chứa chất cấm nên khi doanh nghiệp sử dụng nguyên liệu này sẽ tốt, không bị trả lại. Doanh nghiệp phải thấy điều đó, không chơi với thương lái mà chơi thẳng với nông dân. Biến người nông dân từ người làm thuê trở thành chủ, mối liên hệ khăng khít, nông sản được bảo đảm đầu ra, doanh nghiệp cũng có lợi nhuận tốt hơn.

Theo ông, điểm yếu của doanh nghiệp Việt trong đầu tư cho nông nghiệp là gì?

Tôi cho rằng, doanh nghiệp của chúng ta còn thiếu nhiều, nhưng điểm yếu lớn nhất là phần lớn còn thụ động. Phải chủ động để tìm thành công. Nghĩa là mình phải xông xáo ra thị trường, nhất là thị trường quốc tế. Chủ động đến các hội chợ lớn để xem xu hướng, từ đó mình về nghiên cứu, đầu tư, làm ra được sản phẩm thị trường cần. Các doanh cần được giúp để nghiên cứu ra sản phẩm mới, hỗ trợ đi các hội chợ. Nếu chỉ ngồi nhà chờ thương lái quốc tế đến hỏi thì không ổn.

Hoạt động nghiên cứu phát triển của doanh nghiệp còn rất yếu, dù hầu như doanh nghiệp nào cũng có kế hoạch cho vấn đề này, nhất là các doanh nghiệp lớn, có vốn Nhà nước thì hoạt động này càng yếu. Đó là do tính ỷ lại còn cao.

FECON lấn sân sang lĩnh vực nông nghiệp
CTCP Kỹ thuật nền móng và Công trình ngầm FECON vừa ra Nghị quyết về việc góp vốn thành lập công ty nông nghiệp có vốn điều lệ 20 tỷ đồng.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư