Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Du lịch nội địa hưởng lợi lớn từ hàng không chi phí thấp
Trúc Linh - 10/03/2017 18:43
 
Với việc đa dạng hóa đường bay, tần suất bay và giảm chi phí, hàng không chi phí thấp được đánh giá một trong những nhân tố quan trọng giúp ngành du lịch Việt tăng trưởng mạnh trong thời gian qua.

Sôi động phân khúc hàng không chi phí thấp

Theo số liệu thống kê của Cục Hàng không Việt Nam, năm 2016, tổng số hành khách đi qua đường hàng không ước đạt 52,2 triệu lượt người, tăng hơn 29% so với năm 2015. Đặc biệt, thị trường hành khách nội địa đạt 28 triệu lượt khách, tăng 30% so với năm trước đó.

Báo cáo cũng chỉ ra một điểm đáng chú ý là là xu hướng sử dụng hình thức bay chi phí thấp tăng trưởng mạnh mẽ. Ước tính, có đến 15 triệu lượt khách sử dụng hàng không chi phí thấp trong năm 2016, chiếm gần 55% tổng lượng hành khách vận chuyển trên các đường bay quốc nội.

.
.

Lượng hành khách sử dụng hàng không chi phí thấp thay các phương tiện như đường bộ, đường sắt ngày càng phổ biến, bởi việc tiết kiệm thời gian di chuyển đáng kể trong khi chi phí ở mức cạnh tranh. Số liệu từ nghiên cứu của CTCP Chứng khoán Bản Việt cho thấy, thời gian di chuyển giữa các chặng phổ biến như TP.HCM – Hà Nội và TP.HCM – Đà Nẵng bằng máy bay chỉ bằng 1/15-1/17 so với đường bộ và đường sắt, trong khi chi phí ở mức tương đương.

Thống kê cho thấy, tỷ lệ khách hàng di chuyển bằng đường hàng không trong tổng dân số Việt Nam đã tăng từ mức 0,5% (năm 2012) lên 0,8% tại thời điểm 6 tháng đầu năm 2016. Điều này phản ánh xu hướng thay thế đường bộ, đường thủy và đường sắt bằng đường hàng không ngày một tăng.

Sự tăng trưởng vượt trội này đến từ việc các hãng hàng không chi phí thấp đã đẩy mạnh khai thác thị trường nội địa, nổi bật nhất là Vietjet và Jetstar Pacific với việc mở rộng mạng đường bay và tăng tần suất trên các đường bay nội địa, khai thác 50 đường bay giữa Hà Nội, Đà Nẵng và TP.HCM tới 17 sân bay địa phương.

Bên cạnh các đường bay nội địa, các hãng hàng không cũng đang đầu tư mạnh vào các đường bay quốc tế. Năm 2016, hàng loạt các đường bay quốc tế đã được Jetstar Pacific mở ra như TP.HCM - Hồng Kông; Hà Nội - Quảng Châu; Đà Nẵng - Đài Bắc… Trong khi đó, Vietjet cũng mở thêm một số đường bay như Hà Nội - Siem Reap (Campuchia), Hải Phòng - Seoul (Hàn Quốc), TP.HCM - Hồng Kông…

Thị trường hàng không chi phí thấp phân khúc quốc tế tại Việt Nam đang ngày càng sôi động với sự tham gia của nhiều tên tuổi đến từ nước ngoài, trong đó có thể kể đến Malindo Air (Malaysia), Cambodia Angkok Air, hay gần nhất là Vanilla Air (Nhật Bản)…

 Ngành du lịch hưởng lợi

 Theo thống kê của Tổng cục Du lịch, năm 2016, ngành du lịch Việt Nam có sự bứt phá ngoạn mục khi lần đầu tiên chạm mốc 10 triệu lượt khách du lịch quốc tế, mức cao nhất từ trước đến nay và tăng trưởng 25% so với năm 2015. Cũng trong năm 2016, du lịch Việt Nam đã phục vụ 62 triệu lượt khách nội địa, gấp 5,3 lần so với năm 2001. Tổng doanh thu của ngành du lịch năm 2016 ước đạt 400.000 tỷ đồng.

Hàng không chi phí thấp phân khúc quốc tế tại Việt Nam đang ngày càng sôi động với sự tham gia của nhiều tên tuổi.

Với việc đa dạng hóa đường bay, tần suất bay và giảm chi phí, hàng không chi phí thấp được đánh giá một trong những nhân tố quan trọng giúp ngành du lịch Việt tạo được thành công ấn tượng trong năm vừa qua. Bên cạnh đó, các hãng hàng không chi phí thấp thường xuyên phối hợp với hệ thống công ty lữ hành tổ chức các tour du lịch hấp dẫn, giá cả phù hợp cũng góp phần thúc đẩy du lịch.

 Năm 2017, ngành du lịch Việt Nam đặt mục tiêu đón 11,5 triệu lượt khách quốc tế, 66 triệu lượt khách nội địa, tổng thu từ khách du lịch đạt 460.000 tỷ đồng.

 Nghị quyết số 08-NQ/TW của Bộ Chính trị cũng đưa ra mục tiêu, đến năm 2020, ngành du lịch cơ bản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, thu hút được 17 - 20 triệu lượt khách du lịch quốc tế, 82 triệu lượt khách du lịch nội địa, đóng góp trên 10% GDP, tổng thu từ khách du lịch đạt 35 tỷ USD. Đến năm 2030, du lịch thực sự là ngành kinh tế mũi nhọn, thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của các ngành, lĩnh vực khác. Việt Nam sẽ lọt vào top các nước có ngành du lịch phát triển hàng đầu khu vực Đông Nam Á.

 Nhìn vào những mục tiêu trên, có thể thấy, ngành du lịch đang nhận được từ quan tâm lớn từ Đảng, Nhà nước và xã hội. Điều đó sẽ tạo tiền đề cho ngành này có những bước chuyển mình trong thời gian tới. Đây đồng thời là dấu hiệu tích cực cho thấy, ngành hàng không Việt Nam sẽ còn tăng trưởng mạnh mẽ hơn trong tương lai nếu biết nắm bắt cơ hội.

So với khu vực, hàng không chi phí thấp ở Việt Nam vốn còn rất nhiều tiềm năng so với các nước trong khu vực. Ở Thái Lan, Malaysia hay Philippines, thị phần hàng không chi phí thấp đạt xấp xỉ 70%, trong khi ở Việt Nam tỷ lệ này mới đạt 55%. Vietjet hay Jetstar đều có kế hoạch mở thêm nhiều đường bay mới trong thời gian tới là nhân tố thúc đẩy du lịch phát triển.

Theo dự báo của Hiệp hội Vận tải Hàng không quốc tế (IATA), năm 2017, Việt Nam sẽ là một trong 7 thị trường hàng không phát triển nhanh nhất thế giới với tốc độ tăng vận chuyển hành khách quốc tế đạt 6,9%.

Đạo diễn phim bom tấn Kong: Skull Island được đề xuất làm Đại sứ du lịch Việt Nam
Chiều qua (9/3), Hội đồng xét bổ nhiệm, miễn nhiệm, bãi nhiệm đại sứ Du lịch Việt Nam nhiệm kỳ 2017-2020 của Bộ VHTTDL đã họp và nhất trí...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư