Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 28 tháng 03 năm 2024,
Du lịch nóng với tour giá rẻ và du khách bỏ trốn
Hải Hà - 10/07/2019 08:22
 
Nhiều vấn đề nóng của ngành du lịch được báo giới đưa ra khi Tổng cục Du lịch đánh giá hoạt động 6 tháng đầu năm, như dấu hiệu tăng trưởng chậm lại của khách quốc tế, tour giá rẻ và khách lợi dụng du lịch để bỏ trốn….
.
Theo đại diện Tổng cục Du lịch mặc dù tăng trưởng khách quốc tế 6 tháng có dấu hiệu chững lại nhưng doanh thu vẫn tăng cao, 6 tháng đầu năm cũng chứng kiến khách lẻ và khách tự đặt dịch vụ trực tuyến đến Việt Nam tăng cho thấy sức hấp dẫn của du lịch Việt.

Thông tin từ Tổng cục Du lịch cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2019, tổng số khách quốc tế đến Việt Nam đạt gần 8,5 triệu lượt (tăng 7,5% so với cùng kỳ năm 2018). 

Đây là mức tăng trưởng được đánh giá là thấp hơn nhiều so với mức tăng giai đoạn 2016-2018.

Mặc dù lượng khách quốc tế liên tục đạt mức trên 1 triệu lượt người mỗi tháng kể từ đầu năm 2019, nhưng khách quốc tế đến đang có xu hướng giảm dần, điển hình là tháng 6/2019 có lượng khách quốc tế thấp nhất kể từ đầu năm, chỉ đạt gần 1,2 triệu lượt khách, giảm 10,6% so với tháng trước.

Trong 6 tháng, mặc dù khách đến từ Trung Quốc tuy vẫn đạt mức cao nhất với 2.483,3 nghìn lượt người, nhưng giảm ở mức 3,3%.

Nhận định về tình hình này, ông Hà Văn Siêu, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch thừa nhận tốc độ tăng trưởng khách quốc tế có dấu hiệu chững lại so với giai đoạn 2016-2018, thời điểm khách Trung Quốc chuyển hướng từ thị trường Thái Lan sang Việt Nam. Mức sụt giảm khách Trung Quốc cũng một phần do yếu tố khách đi đường charter (thuê máy bay nguyên chuyến) giảm.

Tuy nhiên, theo ông Siêu, mặc dù mức độ tăng trưởng khách quốc tế 6 tháng đầu năm giảm so với năm 2018 nhưng tổng thu toàn ngành du lịch vẫn đạt 338.200 tỷ (tăng 8,4% so với cùng kỳ năm 2018) và đây là tín hiệu đáng mừng của ngành du lịch.

“Du lịch đang chuyển hướng từ đầu tư chiều rộng sang chiều sâu, khai thác các thị trường khách chi tiêu cao. Trước đây, ngành du lịch phụ thuộc khá lớn vào việc các công ty lữ hành nước ngoài đưa khách quốc tế vào Việt Nam và điều này sẽ gây rủi ro khi họ chuyển hướng thị trường. Trong khi đó, du lịch 6 tháng đầu năm chứng kiến khách du lịch đi lẻ tự túc và đặt dịch vụ trực tuyến tăng cao cho thấy sức hấp dẫn của du lịch Việt Nam. Một số điểm đến mới của Việt Nam như Lào Cai, Phú Yên, Quy Nhơn đang dần trở thành những điểm đến hấp dẫn bên cạnh những điểm đến quá quen thuộc với khách du lịch như Nha Trang, Đà Nẵng, Phú Quốc”, ông Siêu nói.

Trong khi đó, với thái độ khá lạc quan, ông Đinh Ngọc Đức, Vụ trưởng Vụ Thị trường (Tổng cục Du lịch) cho rằng, ngành du lịch vẫn có thể đạt mục tiêu đạt 17,5-18 triệu khách quốc tế năm 2019 như mục tiêu đề ra nếu nỗ lực vì mùa cao điểm khách quốc tế bắt đầu từ cuối quý III, đầu quý IV của năm.

Mặc dù vậy, ông Đức cũng cho biết, với 2 thị trường khách lớn nhất là Hàn Quốc và Trung Quốc, Tổng cục Du lịch đã tổ chức các chuyến xúc tiến thị trường ngay khi nhận thấy dấu hiệu sụt giảm. Nguồn tài chính dành cho xúc tiến thị trường Mỹ và Trung Đông cũng được ưu tiên để dành cho công tác xúc tiến ở 2 thị trường này. Bên cạnh đó, Tổng cục Du lịch cũng thực hiện chương trình quảng bá du lịch Việt Nam bằng chiến lược emarketing trên mạng xã hội Trung Quốc bằng tiếng Trung với kỳ vọng có thể thúc đẩy tăng lượng khách từ Trung Quốc đến Việt Nam.

Cũng theo ông Đức, Thái Lan sẽ là thị trường mới của du lịch khi 6 tháng đầu năm chứng kiến sự tăng trưởng của khách Thái Lan tăng tới 45,4% và du khách Nga sau thời gian chững lại đã bắt đầu quay trở lại du lịch Việt Nam.

Một nội dung khác liên quan tới du lịch được đông đảo giới truyền thông quan tâm là tour giá rẻ và việc 8 công ty du lịch Việt Nam bị Đại sứ quán Nhật Bản thông báo “hủy bỏ tư cách” và “đình chỉ có thời hạn” tư cách đại diện xin visa đoàn cho khách tham gia tour Nhật Bản. Tuy nhiên, nội dung trả lời từ đại diện Tổng cục Du lịch vẫn chưa làm hài lòng giới truyền thông khi cho rằng đang phối hợp với các Bộ, ngành để có biện pháp quản lý tour giá rẻ.

Liên quan tới vụ việc của 8 công ty du lịch, đại diện Tổng cục Du lịch cho biết đã gửi công văn lên Đại sứ quán Nhật Bản.

Thông tin cụ thể hơn, ông Nguyễn Quý Phương, Vụ trưởng Vụ Lữ hành (Tổng cục Du lịch) cho biết: “Hiện các nước có chính sách nới lỏng visa để hút khách du lịch nước ngoài vào, Nhật Bản cũng không ngoại lệ. Mặt được của chính sách này là thúc đẩy tăng trưởng khách quốc tế, trong đó có khách Việt Nam vào Nhật Bản nhưng cũng không tránh khỏi một số đối tượng xấu lợi dụng con đường du lịch để trốn ở lại.  Chúng tôi có rà soát và cùng thanh tra Bộ, địa phương trên tinh thần xuyên suốt là có sai phạm thì xử lý nghiêm. Chúng tôi cũng đã có văn bản tới Đại sứ quán Nhật Bản đề nghị làm rõ thông tin nhưng hiện chưa nhận được thông tin gì từ phía Đại sứ quán Nhật Bản”.

Tuy nhiên, khi phóng viên hỏi về việc liệu đã có đường dây nào lợi dụng du lịch đưa khách bỏ trốn ra nước ngoài đã bị xử lý chưa bởi đây không phải vụ việc đầu tiên xảy ra mà cuối năm 2018, khách đã bỏ trốn ở lại Đài Loan nhưng đại diện Tổng cục Du lịch cho rằng, “thẩm quyền trả lời của cơ quan công an nên không thể trả lời được”.

[Infographic] Hà Nội xếp thứ 7/10 thành phố tăng trưởng du lịch nhanh nhất thế giới
Hà Nội đứng thứ 7 trong danh sách 10 thành phố tăng trưởng du lịch nhanh nhất thế giới, theo khảo sát Các thành phố điểm đến toàn cầu năm 2017 do...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư