Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 18 tháng 04 năm 2024,
Dự thảo Luật tố cáo sửa đổi: Có xem xét đơn thư tố cáo nặc danh hay không?
Mạnh Bôn - 14/03/2017 15:30
 
Sáng nay (ngày 14/3/2017), cho ý kiến vào Dự thảo Luật tố cáo sửa đổi tại kỳ họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (TVQH), nhiều đại biểu cho rằng có thể chấp nhận 2 hình thức tố cáo là tố cáo bằng đơn và tố cáo trực tiếp rõ danh tính người, nhóm người tố cáo. Song nhiều ý kiến đề nghị xem xét các hình thức tố cáo khác không ghi họ tên, địa chỉ cụ thể, rõ ràng, nhằm đảm bảo an toàn cho người tố cáo.

“Chính phủ đã thảo luận và thống nhất sẽ xử lý, giải quyết đơn thư tố cáo và tố cáo trực tiếp, trong đó phải xác định rõ danh tính của cá nhân, nhóm cá nhân đứng ra tố cáo”, ông Phan Văn Sáu, Tổng Thanh tra Chính phủ báo cáo TVQH.

Lý do, theo ông Sáu là nhằm xác định rõ trách nhiệm của người tố cáo, tránh tình trạng lợi dụng các hình thức tố cáo để tố cáo tràn lan, cố ý tố cáo sai sự thật, vu cáo ảnh hưởng đến danh dự, uy tín của người bị tố cáo.

.
Ông Phan Văn Sáu, Tổng Thanh tra Chính phủ

“Đối với tố giác, tin báo tội phạm có thể sử dụng các hình thức khác như email, tin nhắn, điện thoại, fax… đã có quy định được điều chỉnh ở các luật khác nên không quy định trong Luật tố cáo”, ông Sáu nói thêm.

Theo quy định của Luật tố cáo hiện hành, cơ quan nhà nước có thẩm quyền không xem xét, giải quyết đơn tố cáo không rõ họ tên địa người tố cáo (tố cáo nặc danh, mạo danh, khuyết danh).  

Tuy nhiên, cho ý kiến đóng góp xây dựng Luật tố cáo sửa đổi trước khi trình Ủy ban TVQH, nhiều ý kiến cho rằng, ngoài 2 hình thức tố cáo là tố cáo bằng đơn và tố cáo trực tiếp có danh tính rõ ràng, cần bổ sung các hình thức tố cáo khác như tố cáo qua email, điện thoại, tin nhắn… (thường là nặc danh) để tạo điều kiện cho người tố cáo thực hiện quyền tố cáo, qua đó kịp thời phát hiện và xử lý đối với các hành vi vi phạm.

Một trong những nguyên nhân khiến không ít trường hợp tố cáo nặc danh là người tố cáo sợ bị trả thù, bị trù dập vì việc bảo vệ người tố cáo chưa thực sự hiệu quả. Do đó, nhiều người không dám lộ danh tính khi tố cáo hành vi vi phạm pháp luật. Vì vậy, để kịp thời phát hiện và xử lý đối với các hành vi vi phạm, cần quy định về việc giải quyết tố cáo đối với trường hợp người tố cáo không ghi họ tên, địa chỉ cụ thể, rõ ràng.

Tuy nhiên, ông Phan Văn Sáu cho rằng cần xem xét việc nên hay không nên xử lý đơn thư nặc danh, tin tố cáo nặc danh, nhất là tố cáo nặc danh gửi đến người có thẩm quyền bằng điện thoại, email, tin nhắn..., vì đơn thư tố cáo không đúng sự thật quá nhiều.

“Trong những năm qua, các cơ quan nhà nước mới chỉ giải quyết được 87,4% tổng số đơn tố cáo có danh. Trong đó có hơn 59% là tố cáo sai và trên 28% tố cáo có đúng, có sai. Còn tố cáo nặc danh sẽ gây khó khăn cho các cơ quan nhà nước trong quá trình xem xét, giải quyết. Hơn nữa, có trường hợp người tố cáo lợi dụng quyền tố cáo để tố cáo nặc danh sai sự thật, vu khống, bôi nhọ người khác trong những thời điểm nhạy cảm”, ông Sáu nêu.

Ông Nguyễn Văn Giàu, Chủ nhiệm Uỷ ban Đối ngoại của Quốc hội khá băn khoăn khi trong Tờ trình Dự án Luật tố cáo sửa đổi, Chính phủ thiên về phương án chỉ xem xét giải quyết đơn thư tố cáo trực tiếp, trong khi đó, tại Báo cáo thẩm tra, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội chưa thể hiện có ủng hộ phương án giải quyết tố cáo qua các phương tiện thông tin khác như điện thoại, tin nhắn, email... hay không.

Nhưng ông Giàu cho hay, cũng như hầu hết các đại biểu Quốc hội, ông thường xuyên nhận được tin tố cáo qua email, tin nhắn, điện thoại... nhưng không biết đâu mà lần, vì hầu hết là nặc danh hoặc mạo danh.

“Nhiều người gửi tin tố cáo người khác đến tôi liên tục, trong khi không rõ danh tính của người tố cáo nên không biết tin tố cáo là sự thật hay vu khống, bôi nhọ cơ quan, tổ chức, cá nhân”, ông Giàu chia sẻ.

“Nhiều tin tố cáo được viết, nói với lời lẽ hết sức nặng nề, quá khích, thậm chí là vô văn hoá khiến người tiếp nhận tin tố cáo hết sức ức chế”, ông Giàu nói thêm.

Chủ nhiệm Uỷ ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội, ông Võ Trọng Việt cũng hết sức băn khoăn vì nếu không xử lý, giải quyết đơn thư tố cáo nặc danh (thường sử dụng điện thoại, email, tin nhắn... làm phương tiện) thì không khuyến khích người dân đứng ra tố cáo vì sợ bị trù dập, trả thù.

Ông Việt lo ngại, nếu người dân sợ không dám tố cáo hành vi vi phạm pháp luật thì sẽ khó khăn hơn trong phát hiện, xử lý các trường hợp cán bộ, công chức có hành vi tham nhũng, lãng phí, lộng quyền, vi phạm pháp luật.

Tuy nhiên, theo ông Việt, nếu giải quyết cả đơn thư tố cáo nặc danh trong điều kiện hiện nay thì cũng rất khó khăn, bởi tính chất khó xác minh, xác thực thông tin tố cáo, nhất là khi một số đối tượng đứng ra tố cáo với chủ ý tung tin thất thiệt.

Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, ông Nguyễn Hạnh Phúc cho rằng, bên cạnh việc bảo vệ người tố cáo đúng thì cần phải có chế tài đủ mạnh để xử lý đối với người tố cáo sai sự thật, bôi nhọ, vu khống thì mới có thể giảm đơn thư nặc danh, khuyết danh, mạo danh, đặc biệt là trong những thời điểm nhạy cảm như gần đến ngày tổ chức bầu cử Quốc hội, HĐND các cấp; đại hội Đảng các cấp; chuẩn bị đề bạt, bổ nhiệm lại chức danh lãnh đạo trong cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, chính trị xã hội.

Do đó, nhiều đại biểu bày tỏ quan điểm, có thể chưa xem xét xử lý đơn thư nặc danh, nhưng đơn thư nặc danh phải được coi là thông tin tham khảo cần thiết, thậm chí là quan trọng, đồng thời phải có chế tài bảo vệ người tố cáo để khuyến khích người dân phát hiện ra dấu hiệu vi phạm pháp luật mạnh dạn đứng ra tố cáo thay vì gửi đơn thư nặc danh hay tố cáo nặc danh qua các phương tiện khác như email, tin nhắn...khiến việc xác minh gặp nhiều khó khăn.

Người tố cáo tham nhũng nhận thưởng đến 3,4 tỷ đồng
 Bộ Nội Vụ và Thanh tra Chính phủ vừa ký, ban hành Thông tư liên tịch về mức độ khen thưởng cho những người tố cáo tham nhũng. Theo đó, người...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư