Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 26 tháng 04 năm 2024,
Dùng hải sản tồn kho lừa hơn 40 tỷ của 3 ngân hàng
Huy Thịnh - 04/07/2013 13:42
 
Theo kết luận điều tra của Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Kiên Giang mới đây, cùng một tài sản là hàng hải sản tồn kho có giá trị hơn 20 tỷ đồng, Công ty TNHH Mai Sao đã đem đi thế chấp vay tín dụng ở 3 ngân hàng cùng đóng trên địa bàn tỉnh Kiên Giang với tổng số tiền trên 43,3 tỷ đồng trót lọt và mất khả năng chi trả.
TIN LIÊN QUAN

Bí quá làm liều

Phó thủ trưởng Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Kiên Giang, Thượng tá Nguyễn Văn Luyện vừa ký Bản kết luận điều tra số 06/KL- ĐT- PC46 ngày 01/7/2013 về vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra tại Công ty TNHH Mai Sao (có trụ sở đóng tại khu Cảng cá Tắc Cậu, xã Bình An, huyện Châu Thành, tỉnh Kiên Giang) do ông Cao Hương Thiên làm Giám đốc.

Theo kết quả điều tra, bị can là ông Cao Hương Thiên phạm tội danh lừa đảo chiếm đoạt 23,3 tỷ đồng của Ngân hàng TMCP Ngoại thương Kiên Giang, Ngân hàng TMCP Sài Gòn – Hà Nội (SHB) Kiên Giang và Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Kiên Giang. Áp dụng theo điều 139 Bộ luật Hình sự, cơ quan điều tra đã chuyển hồ sơ sang Viện kiểm soát nhân dân tỉnh Kiên Giang để truy tố trước pháp luật.

Kết luận điều tra nêu, Công ty Mai Sao được thành lập vào đầu năm 2005, với ngành nghề đăng ký kinh doanh là chế biến, bảo quản, buôn bán và xuất khẩu thuỷ hải sản. Từ khi thành lập đến hết năm 2009, Công ty kinh doanh có lãi và nộp thuế đầy đủ.

Công ty Mai Sao đã chính thức đóng cửa vào ngày 30/12/2011

Tuy nhiên, từ đầu năm 2010 trở đi, hoạt động sản xuất, kinh doanh của Công ty bước vào giai đoạn khó khăn, nguyên nhân chủ yếu là do chi phí sản xuất tăng cao, nhất là lãi vay ngân hàng, trong khi sản phẩm đầu ra gặp khó khăn, khiến Công ty dần lâm vào tình cảnh mất cân đối về vốn.

Thay vì làm thủ tục phá sản theo luật định, ông Cao Hương Thiên đã chỉ đạo các bộ phận của Công ty Mai Sao lập hai hệ thống sổ sách kế toán với số liệu khác nhau.

Hệ thống báo cáo thực lỗ nộp cho cơ quan thuế, hệ thống báo cáo lãi giả cao nộp cho các ngân hàng để được tiếp tục vay vốn của ba Ngân hàng với tổng số tiền trên 43,3 tỷ đồng, bằng một tài sản thế chấp là nguyên liệu và sản phẩm tồn kho (trên 20 tỷ đồng) vào thời điểm từ năm 2008 - 2010.

Cụ thể, Mai Sao vay của Ngân hàng TMCP Ngoại thương Kiên Giang trên 18 tỷ đồng, vay của Ngân hàng TMCP Sài Gòn – Hà Nội (SHB) Kiên Giang trên 12,8 tỷ đồng, vay của Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Kiên Giang trên 10,5 tỷ đồng.

Theo bản kết luận của cơ quan điều tra, Công ty Mai Sao đã chính thức đóng cửa vào ngày 30/12/2011. Đến thời điểm này, ông Cao Hương Thiên còn nợ vay nóng của bà Nguyễn Thị Vân 11,5 tỷ đồng với lãi suất 5%/tháng. Ông Thiên còn khai nợ một cá nhân khác là bà Nguyễn Thị Thanh Ngọc (không rõ địa chỉ cư ngụ) 20 tỷ đồng.

Ngoài ra, Công ty Mai Sao nợ tiền thuế trên 142,6 triệu đồng, nợ lương công nhân và nhân viên văn phòng của Công ty hơn 183 triệu đồng, nợ bảo hiểm xã hội huyện Châu Thành hơn 98,7 triệu đồng, nợ Ngân hàng TMCP SHB trên 12,28 tỷ đồng, nợ Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Kiên Giang trên 10,52 tỷ đồng.

Trong khi đó, tổng tài sản tồn kho của Công ty Mai Sao đã thanh lý được trên 1,1 tỷ đồng, hiện đang lưu giữ tại Ngân hàng Ngoại thương Kiên Giang. Số tiền này cơ quan điều tra đề nghị ưu tiên thanh toán tiền nợ lương công nhân viên của Mai Sao và trả nợ bảo hiểm xã hội, số còn lại thanh toán cho Ngân hàng TMCP Ngoại thương Kiên Giang do phần tài sản này đã được thế chấp đầu tiên tại đây.

Qua mặt cán bộ ngân hàng?

Theo Bản kết luận của cơ quan điều tra cho biết, mỗi lần rút vốn hàng tháng tại các ngân hàng trên, Công ty Mai Sao đều gửi chứng từ và báo cáo giá trị hàng tồn kho từ 30 – 40 tỷ đồng, luôn kê khống gấp nhiều lần so với thực tế mà các Ngân hàng không hề hay biết.

Thông tin với cơ quan điều tra, Ngân hàng Đầu tư phát triển Kiên Giang và Ngân hàng SHB Kiên Giang cho biết, quá trình thẩm định chỉ kiểm tra hàng tồn kho bằng cách chọn mẫu, ước tính số liệu theo báo cáo của Công ty và cũng không kiểm tra vào thời điểm ký kết hợp đồng, Công ty đã thế chấp hàng tồn kho này với ngân hàng khác hay chưa.

Điều đáng nói thêm là, trong Bản kết luận điều tra, hai ngân hàng trên đều thừa nhận là trong quá trình nhiều lần cấp phát vốn, cán bộ tín dụng chưa kiểm tra chi tiết việc sử dụng vốn của Công ty mà chỉ dựa trên chứng từ, báo cáo để theo dõi nên không phát hiện được tình hình thực của Mai Sao. Từ đó tạo điều kiện cho ông Cao Hương Thiên dùng một loại tài sản là hàng tồn kho đi thế chấp vay vốn ở nhiều ngân hàng và dùng chứng từ khống để giải trình mục đích sử dụng vốn.

Bản kết luận của cơ quan điều tra cho biết thêm, nguyên nhân cán bộ tín dụng khó kiểm tra chi tiết hàng hóa được là do kho lạnh âm dưới 20 độ C không vào trong kiểm tra được và cán bộ tín dụng không có thẩm quyền kiểm tra việc thu chi tài chính của công ty nên không phát hiện ông Cao Hương Thiên dùng chứng từ khống để qua mặt ngân hàng.

Do đó, cơ quan điều tra cho rằng, các cán bộ ngân hàng chưa thực hiện hết chức năng nhiệm vụ của mình, để cho bị can chiếm đoạt tiền của ngân hàng đặc biệt lớn. Cơ quan điều tra đề nghị hai ngân hàng trên xử lý hành chính theo quy định đối với những cán bộ có liên quan vụ việc.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư