Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Được sở hữu tối đa 25 sim điện thoại: Có “tiếp tay” cho sim rác, tin nhắn rác?
Hữu Tuấn - 22/11/2015 09:26
 
Nếu mỗi khách hàng được sở hữu 25 sim điện thoại, thì điều gì sẽ xảy ra trên thị trường viễn thông?.
.
.

Từ nay đến 14/12/2015,  Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ tiếp nhận các ý kiến đóng góp cho Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 04 /2012/TT-BTTTT ngày 13/4/2012 quy định về quản lý thuê bao di động trả trước.

Điểm đáng lưu ý là quy định mỗi cá nhân được sử dụng Chứng minh thư nhân dân hoặc hộ chiếu, được phép đăng ký tối đa tới 5 sim trả trước của mỗi nhà mạng. Trước đó, theo Thông tư số 04/2012/TT-BTTTT, khách hàng chỉ được đăng ký 3 sim/mạng.

Như vậy, với 5 nhà mạng viễn thông đang hoạt động là Viettel, MobiFone, VinaPhone, Vietnamobile, Gmobile, nếu quy định mới này được “bấm nút thông qua”, thì mỗi khách hàng sẽ có cơ hội sử dụng tới 25 sim điện thoại trả trước.

Theo lý giải từ  các nhà mạng (là tác giả của đề xuất này), quy định cũ mỗi khách hàng được đăng ký 3 sim trả trước của một nhà mạng đã “lỗi thời”. Nguyên nhân là hiện khách hàng sử dụng rất nhiều thiết bị công nghệ sử dụng sim di động, ngoài điện thoại, còn có ô tô - xe máy (thiết bị định vị, giám sát hành trình, phát wifi trên xe…), USB 3G, máy tính bảng, các thiết bị điện tử…

Đề xuất này được cơ quan soạn thảo tiếp thu. Tuy nhiên, một vấn nạn nhức nhối, làm đau đầu Bộ Thông tin và Truyền thông, các nhà mạng và hàng chục triệu người dân bấy lâu nay là nạn sim rác, tin nhắn rác đang hoành hành vẫn chưa tính đến. Hậu quả trực tiếp của việc tăng lượng sim trả trước chính là sim rác, tin nhắn rác.

Ngay tại buổi trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội ngày 17/11 về tình trạng tin nhắn rác tràn lan, khiến người tiêu dùng bức xúc, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Bắc Son cũng thừa nhận, thời gian qua, việc quản lý sim rác chưa chặt chẽ, quản lý thuê bao di động còn lỏng lẻo, dẫn đến tình trạng dội bom, tra tấn bằng tin nhắn rác khiến người dân bức xúc.

Hiện nay, Việt Nam có 126 triệu thuê bao, trong đó có 121 triệu thuê bao di động, 6 triệu thuê bao cố định. Trong 121 triệu thuê bao di động, có 111 triệu thuê bao trả trước, còn lại là trả sau.

“Chính vì  chúng ta quản lý trả trước chưa tốt, dẫn đến sim rác, sim ảo. Hầu hết tin nhắn rác đều xuất phát từ sim rác thuê bao trả trước. Do vậy, việc ngăn chặn thuê bao trả trước đang đặt ra trách nhiệm rất lớn cho xã hội, trực tiếp là Bộ Thông tin và Truyền thông”, Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son nói.

Theo các chuyên gia viễn thông, việc tăng số lượng sim trả trước lên 5 sim/mạng chỉ có lợi cho các nhà mạng. Dưới góc độ quản lý nhà nước, tăng số lượng đăng ký sim sẽ gây lãng phí nguồn tài nguyên sim, do người dân chỉ cần 1-2 sim để giữ mối liên lạc và đăng ký các sim khuyến mãi. Khi xài hết tài khoản,  khách hàng sẽ bỏ sim. Ngoài ra, điều này sẽ tạo cơ hội cho việc phát tán tin nhắn rác. Việc đăng ký thông tin cá nhân chưa chặt chẽ, nên khi được sở hữu quá nhiều sim sẽ càng gây khó cho công tác quản lý thuê bao.

Ông Nguyễn Sỹ Cương, Ủy viên thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội nhận định,  nếu cơ quan quản lý nhà nước cho phép khách hàng được dùng 5 sim trả trước/mạng sẽ tạo kẽ hở cho các tổ chức, cá nhân sử dụng sim rác và phát tán tin nhắn rác. Nếu đưa lý do tăng số lượng sim trả trước để khách hàng có thể dùng các dịch vụ là không thuyết phục, vì hầu hết mỗi người chỉ dùng 2-3 sim cho tất cả thiết bị, bao gồm cả điện thoại, ipad, thiết bị giám sát hành trình...

“Tôi đã đi không ít nước và thấy rằng, không nơi đâu có thể sử dụng sim di động dễ dàng như ở Việt Nam, khi mà chỉ cần mua cái sim là có thể lắp vào dùng được ngay. Ở nước ngoài, trước khi lắp sim vào là phải đăng ký mới sử dụng được, còn ở nước mình thì sim đã được kích hoạt sẵn”, ông Cương cho biết.

Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son chỉ rõ 3 nguồn phát tán tin nhắn rác
Tình trạng tin nhắn rác tràn lan thời gian gần đây khiến dư luận bức xúc. Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Bắc Son thừa nhận thời...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư