Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 20 tháng 04 năm 2024,
Ép doanh nghiệp nhà nước vào kỷ luật
Khánh Linh - 09/06/2017 17:26
 
Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án Cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước, trọng tâm là tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước giai đoạn 2016 - 2020.
.

Con số 12 dự án thua lỗ, yếu kém của ngành công thương đang phải xử lý có thể sẽ chưa dừng lại. Thủ tướng đã yêu cầu tiếp tục rà soát đối với các dự án, doanh nghiệp khác.

Không chỉ vậy, hàng loạt yêu cầu mang tính kỷ luật cao đã được đặt rõ tại Đề án Cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước, trọng tâm là tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước giai đoạn 2016 - 2020, vừa được Thủ tướng ký ban hành vào 25/5/2017 và có hiệu lực ngay.

Mục tiêu xử lý dứt điểm tồn tại, yếu kém trong hoạt động của khu vực doanh nghiệp nhà nước trong vòng 3 năm tới được đặt rõ và không có giới hạn, gồm cả doanh nghiệp thua lỗ, không hiệu quả, hiệu quả thấp. Việc quản lý, giám sát việc vay nợ và sử dụng vốn vay, nhất là vay nợ nước ngoài, sẽ được tăng cường.

Cách thức xử lý được nêu rõ là theo quy định của pháp luật, đảm bảo công khai, minh bạch, theo cơ chế thị trường. Trách nhiệm của từng đơn vị, cá nhân cũng phải được làm rõ. Cơ chế phá sản doanh nghiệp nhà nước cũng được đề cập.

Ông Phạm Đức Trung, Trưởng ban Cải cách và Phát triển doanh nghiệp (Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương) cho rằng, doanh nghiệp nhà nước đang bị thắt chặt kỷ luật, cả về tài chính và thị trường. “Đây là điều cần thiết để xử lý dứt điểm các tồn tại hiện có của doanh nghiệp nhà nước. Điều quan trọng là, nhiều giải pháp mạnh được đưa ra”, ông Trung nói.

Cụ thể, ngoài việc nhắc lại yêu cầu hoàn thành 137 doanh nghiệp, Quyết định 707/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước, trọng tâm là tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước giai đoạn 2016 - 2020 yêu cầu chỉ giữ 100% vốn nhà nước tại 103 doanh nghiệp theo danh mục đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào cuối năm ngoái.

Mô hình quản lý, giám sát doanh nghiệp nhà nước và vốn, tài sản Nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp cũng được hoàn thiện, theo hướng sớm tách chức năng đại diện chủ sở hữu vốn của Nhà nước tại doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp có vốn nhà nước với chức năng quản lý nhà nước của các bộ, ngành, địa phương.

Đặc biệt, Đề án quy định rõ việc xử lý nghiêm lãnh đạo doanh nghiệp nhà nước, người đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp không nghiêm túc thực hiện, không hoàn thành kế hoạch cơ cấu lại, cổ phần hóa, thoái vốn và nhiệm vụ được giao trong quản lý điều hành doanh nghiệp.

Một số nhiệm vụ của các bộ, ngành, tập đoàn kinh tế:

Bộ Kế hoạch và Đầu tư: Trước 25/6/2017, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Danh mục doanh nghiệp có vốn nhà nước thực hiện thoái vốn giai đoạn 2016 - 2020.

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội: Rà soát, tổng kết việc thực hiện Bộ luật Lao động về nội dung liên quan đến người lao động trong doanh nghiệp nhà nước, báo cáo Chính phủ để trình Quốc hội sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với yêu cầu cơ cấu lại doanh nghiệp giai đoạn tới.

Bộ Tư pháp: Rà soát, tổng kết việc thực hiện Luật Phá sản liên quan đến doanh nghiệp nhà nước, báo cáo Chính phủ để trình Quốc hội sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với yêu cầu cơ cấu lại doanh nghiệp giai đoạn tới.

Hội đồng thành viên tập đoàn kinh tế, tổng công ty, doanh nghiệp nhà nước: Trước ngày 31/7/2017, trình cấp có thẩm quyền phương án cơ cấu lại doanh nghiệp giai đoạn 2016 - 2020.

(Nguồn: Đề án “Cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước, trọng tâm là tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước giai đoạn 2016 - 2020”)

Nợ của doanh nghiệp nhà nước vẫn không tính vào nợ công
Dự thảo mới nhất của Luật Quản lý nợ công (sửa đổi), được Bộ trưởng Bộ Tài chính báo cáo Quốc hội sáng nay, vẫn không tính nợ của...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư