Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Ba, Ngày 19 tháng 03 năm 2024,
EuroCham đưa ra nhiều kiến nghị với khu vực miền Trung
Anh Trung - 24/03/2017 15:06
 
Sáng nay, 24/3, Phòng thương mại châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) đã có buổi giới thiệu Sách trắng 2017 về thương mại đầu tư tại TP. Đà Nẵng, trong đó các đại diện của EuroCham đã đưa ra nhiều kiến nghị đối với khu vực miền Trung nhằm cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh tại khu vực này.
a
Ông Tomaso Andreatta, thành viên Ban Lãnh đạo EuroChamVN trao Sách trắng 2017 cho Phó chủ tịch TP. Đà Nẵng Trần Văn Miên

Các thành viên của EuroCham cho rằng, những lĩnh vực như giáo dục - đào tạo, tăng trưởng xanh, du lịch đang là những lĩnh vực mà các nhà đầu tư đến từ khối EU còn gặp một số rào cản khi tiếp cận. Khơi thông được những rào cản này sẽ giúp dòng vốn FDI từ EU chảy vào Việt Nam nói chung và Khu vực miền Trung nói riêng được thuận lợi hơn.

Theo bà Mc Kinley, thành viên EuroCham, Giám đốc trường Greenshots, hiện các trường có vốn sở hữu nước ngoài chỉ được phép sử dụng các chương trình giảng dạy quốc tế, thay vì các chương trình giảng dạy song ngữ, điều này hạn chế các trường học tại các đô thị cấp 2 cung cấp nhiều hình thức giáo dục ngoài các hình thức thuộc hệ thống nhà nước. Do vậy các nhà quản lý cần xem xét cân bằng cơ hội cho cả trường học có vốn FDI và Việt Nam để đáp ứng nhu cầu đa dạng của học sinh.

Bên cạnh đó, Nghị định 73 yêu cầu khoản đầu tư tối thiểu là 50 tỷ đồng cho giáo dục phổ thông đã ngăn cản các trường học quốc tế phát triển tại các đô thị loại 2 và thấp hơn, do vậy cần phải hủy rào cản đầu tư hoặc thay thế quy định này bằng mức đầu tư tối thiểu cho mỗi học sinh – điều mà các trường mầm non quốc tế đang được áp dụng.

Ông Tomaso Andreatta, Chủ tịch Tiểu ban Tăng trưởng xanh thuộc EuroCham cho rằng, hiện các nhà đầu tư nước ngoài đang gặp một số khó khăn nhất định trong việc đầu tư vào lĩnh vực này. Đơn cử như Khu Công nghệ cao Đà Nẵng có những chính sách ưu đãi để xây dựng nhà máy điện tử di động tại Miền Trung để chuyển giao công nghệ pin Li-Ion; tuy nhiên bên cạnh đó vẫn có nhiều dự án không đủ tiêu chuẩn để hưởng những ưu đãi chính sách này.

Ngoài ra, theo ông Tomaso, một số trường hợp nhà hoạch định chính sách địa phương không đủ thẩm quyền hoặc không muốn phân tích quy định và hỗ trợ các dự án nước ngoài có thể đóng góp phát triển của miền Trung.

Đối với lĩnh vực du lịch, các đại diện của EuroCham cho rằng, để ngành công nghiệp không khói này tiếp tục phát triển, Việt Nam cần tập trung vào mục tiêu trở thành điểm đến của di sản văn hóa và thiên nhiên, do vậy cần đặc biệt quan tâm đến công tác bảo tồn và quy hoạch, hướng đến sự phát triển bền vững lâu dài cho lĩnh vực này.

 Ngoài một số kiến nghị từ phía EuroCham thì theo thông tin được công bố tại Sách trắng 2017, Việt Nam vẫn là điểm đến hấp dẫn cho hoạt động đầu tư trực tiếp nước ngoài. Những điểm tích cực được các doanh nghiệp châu Âu đánh giá đã tác động tới sự tăng trưởng liên tục của Việt Nam là thay đổi về pháp lý, cộng thêm một số yếu tố cơ bản khác như nhân khẩu học - Việt Nam đang trong thời kỳ độ tuổi vàng; GDP bình quân đầu người đang tăng nhanh - Việt Nam có tầng lớp trung lưu phát triển nhanh nhất khu vực Đông Nam Á (12,9% mỗi năm trong giai đoạn 2012-2020).

Sách trắng 2017 cũng đánh giá, mối quan hệ gắn bó giữa EU và Việt Nam thể hiện qua những số liệu thương mại và đầu tư đầy triển vọng. Trong năm 2015, EU là đối tác đầu tư lớn thứ 3 tại Việt Nam với tổng số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) cam kết đạt 1,3 tỷ USD.

Về thương mại và các hàng hóa xuất khẩu chủ lực của Việt Nam gồm: Dệt may, giày dép, cà phê, hải sản và các mặt hàng điện tử. Các hàng hóa xuất khẩu từ EU chủ yếu là dược phẩm, máy móc thiết bị và phương tiện vận tải. Quan hệ giữa hai bên đã đem lại giá trị thương mại hơn 28,3 tỷ USD trong năm 2014. Trong số các nhà đầu tư nước ngoài, EU ngày càng trở thành nguồn cung FDI quan trọng của Việt Nam, tính đến cuối tháng 12-2015, EU đã đầu tư 23,2 tỷ USD cam kết vào 1.730 Dự án...

Cam kết mạnh mẽ của EU về hỗ trợ Việt Nam trong quá trình hiện đại hóa và hội nhập vào nền kinh tế thế giới cũng được thể hiện rõ ràng qua các chương trình viện trợ của EU. Theo kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội đến năm 2020 của Việt Nam, viện trợ của EU thông qua chương trình Định hướng hỗ trợ đa niên cho Việt Nam giai đoạn 2014-2020 đã được tăng thêm 30% và đạt mốc 400 triệu Euro, trong đó mục tiêu trọng tâm là phát triển năng lượng sạch tại Việt Nam.

Theo thông tin từ Ban tổ chức, hơn 1.500 cuốn Sách trắng sẽ được gửi đến các bộ, đại sứ quán, hiệp hội doanh nghiệp (nước ngoài và địa phương)... và được giới thiệu tại các hội nghị ở Việt Nam và châu Âu. Trong thời gian tới, ngoài TP. Đà Nẵng, Sách trắng cũng sẽ được giới thiệu tại một số tỉnh thành.

Đây là lần thứ 9, EuroCham công bố Sách trắng về thương mại và đầu tư. Sách trắng 2017 tổng hợp các ý kiến của các công ty thành viên EuroCham, hoạt động trong nhiều lĩnh vực, ngành nghề. Ấn phẩm này phản ánh mong muốn của cộng đồng doanh nghiệp trong việc hỗ trợ Chính phủ Việt Nam xây dựng khuôn khổ pháp lý và phát triển môi trường kinh doanh tại Việt Nam, mang lại lợi ích cho các doanh nghiệp, các nhà đầu tư nói riêng cũng như xã hội nói chung trong bối cảnh Hiệp định Thương mại tự do EU-Việt Nam (EVFTA) được ký kết và đi vào thực thi từ năm 2018.

EuroCham và VBA lo ngại buôn lậu rượu bia sẽ tăng vì dự thảo luật thuế mới
Phòng Thương mại Châu Âu tại Việt Nam (Eurocham) và Hiệp hội Bia-rượu-nước giải khát Việt Nam (VBA) vừa đưa ra một số ý kiến phản hồi về...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư