Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 17 tháng 04 năm 2024,
FED tăng lãi suất không đáng lo bằng Nhân dân tệ mất giá
Thùy Liên - 14/12/2015 09:05
 
Tuần này, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) có thể sẽ đưa ra quyết định lịch sử về tăng lãi suất đồng USD sau một thời gian dài duy trì lãi suất 0%. Trả lời câu hỏi của Báo Đầu tư điện tử- baodautu.vn- TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia ngân hàng cho rằng, Fed tăng lãi suất có thể sẽ khiến đồng nhân dân tệ (CNY) mất giá đến 5%. Và đây chính là yếu tố tác động lớn nhất đến tỷ giá trong nước.
TIN LIÊN QUAN

Thưa ông, trong phiên họp chính sách bắt đầu diễn ra vào ngày mai (15/12), Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) có thể sẽ đưa ra quyết định tăng lãi suất đồng USD sau một thời gian dài duy trì lãi suất ở mức 0%. Theo ông, điều này sẽ tác động như thế nào tới yếu tố tỷ giá trong nước? 

Yếu tố Fed được cho vào mô hình tính toán từ lâu, vì vậy tác động trực tiếp tới tỷ giá trong nước sẽ là không lớn. Tuy nhiên, việc Fed tăng lãi suất sẽ khiến CNY mất giá thêm, dự đoán CNY sẽ mất giá khoảng 5% và điều này sẽ gây áp lực lớn đối với tỷ giá ở nước ta. Tôi cho rằng, tỷ giá là một bài toán khó đối với NHNN trong năm 2016.

Vậy Việt Nam nên có những giải pháp nào để ứng phó với tỷ giá, thưa ông?

Chúng ta phải bám sát chính sách tiền tệ tài khóa của các nước trên thế giới, nhất là Mỹ, Trung Quốc, Châu Âu, Nhật Bản... Với Trung Quốc, chúng ta phải bám rất sát vì biến động của đồng CNY sẽ tác động mạnh tới tỷ giá nước ta trong tương lai. 

Bên cạnh đó, NHNN cũng cần cân nhắc đến việc có nên tăng dự trữ ngoại hối bằng CNY trog bối cảnh tháng 10/2016, CNY sẽ được đưa vào rổ tiền tệ thế giới.

Vậy theo ông, NHNN và các ngân hàng thương mại có nên tính đến khả năng tăng mua đồng nhân dân tệ để dự trữ?

Ngân hàng thương mại thì không cần thiết, nhưng NHNN thì cần cân nhắc. Để hiểu thêm về đồng Nhân dân tệ, ta phải hiểu được các kênh mà đồng nhân dân tệ đang sử dụng, cụ thể là có 3 kênh.

Kênh thứ nhất là  dự trữ, các nước hiện nay đã bắt đầu mua nhân dân tệ nhiều hơn. Tuy đồng nhân dân tệ mới chiếm 1% tổng dự trữ ngoại hối trên toàn thế giới, yên Nhật (JPY) và bảng Anh (GBP) đang chiếm 4%. Tuy nhiên, theo dự báo của nhiều chuyên gia thế giới, dự trữ bằng đồng nhân dân tệ nhiều khả năng sẽ tăng khoảng 5% trong vòng năm năm tới.Theo tôi, NHNN cũng cần đi theo xu hướng đó, đây cũng là một cách đa dạng nguồn dự trữ ngoại hối của chúng ta. Tất nhiên, mua bao nhiêu và mua thời điểm nào là điều mà NHNN cần cân nhắc, tính toán. Riêng với các ngân hàng thương mại, việc mua vào đồng nhân dân tệ thời điểm này là không cần thiết.

Kênh thứ hai là sử dụng đồng nhân dân tệ trong hoạt động thanh toán quốc tế của thế giới. Hiện thanh toán bằng đồng nhân dân tệ qua hệ thống SWIFT để chi trả nợ thanh toán quốc tế chiếm khoảng 8-10%, song dự báo cũng tăng lên. Cùng với xu hướng này, các doanh nghiệp Trung Quốc cũng sẽ khuyến nghị các doanh nghiệp Việt Nam dùng đồng nhân dân tệ nhiều hơn. Vì vậy các doanh nghiệp Việt Nam cần phải có giải pháp ứng phó.

Kênh cuối cùng là các quỹ đầu tư, các quỹ này được dự báo sẽ dịch chuyển để đầu tư danh mục nhiều hơn nữa đối với đồng nhân dân tệ. Đó cũng là một xu thế. Và nếu các quỹ đầu tư vào Việt Nam thì chúng ta cũng cần xem xét để kiểm soát và quản lý.

Theo ông, tỷ giá trong nước năm 2016 sẽ biến động ra sao và NHNN có  thay đổi cơ chế điều hành tỷ giá?

Mức điều chỉnh tỷ giá của năm 2016 sẽ dựa trên nhiều yếu tố nhưng biến động của thị trường thế giới, cân đối cung – cầu ngoại tệ trong nước, mức độ thâm hụt của cán cân thương mại, nợ công, lạm phát… Chúng tôi cho rằng chính sách tỷ giá thời gian qua phát huy tốt tác dụng. Tuy nhiên, thời gian tới, tôi cho rằng, chính sách điều hành tỷ giá của NHNN cần linh hoạt hơn.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư