Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 24 tháng 04 năm 2024,
Game lậu nằm im thở khẽ chờ quy định mới
Tú Ân - 18/11/2013 15:05
 
Ngành công nghiệp trò chơi điện tử (game) đang mong chờ và hy vọng sẽ có những quy định thông thoáng hơn trong việc cấp giấy phép, nhưng đồng thời siết chặt với doanh nghiệp vi phạm để tạo cạnh tranh công bằng.

Ngành công nghiệp, kinh doanh game Việt Nam đang “nín thở” chờ các quy định mới trong Dự thảo Thông tư quy định chi tiết một số điều của Nghị định 72/2013/NĐ-CP của Chính phủ về việc quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin điện tử trên mạng đối với hoạt động quản lý game được hiện thực hóa.

Doanh nghiệp game mong thông thoáng hơn trong việc cấp giấy phép, nhưng siết chặt với doanh nghiệp vi phạm
Doanh nghiệp game mong thông thoáng hơn trong việc cấp giấy phép, nhưng siết chặt với doanh nghiệp vi phạm

Dự thảo Thông tư này đang được Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) lấy ý kiến từ nay tới ngày 11/1/2014 trước khi ban hành.

Năm 2012, ngành game Việt Nam đạt doanh thu hơn 5.000 tỷ đồng, tạo việc làm cho hơn 4.500 lao động và tạo ra doanh thu gián tiếp từ ngành game khoảng 20.000 tỷ đồng. Hiện tại chỉ có 73 game online được cấp phép hoạt động, còn khoảng 200 “game lậu” chưa được cấp phép, nhưng vẫn hoạt động chui.

Nhiều “game lậu” này đang “nằm im thở khẽ” chờ quy định mới Thông tư này để có thể hoạt động hợp pháp.

Ấn định thời hạn cấp phép

Một tín hiệu khá khả quan là Dự thảo Thông tư quy định chi tiết một số điều của Nghị định 72/2013/NĐ-CP đã nới lỏng và thoáng hơn trong cấp phép cho game online, sau 3 năm đóng cửa (kể từ cuối năm 2010 đến nay).

Cụ thể, Dự thảo Thông tư quy định đối với các game thuộc loại G1 (G1 là trò chơi có sự tương tác giữa nhiều người chơi với nhau, đồng thời thông qua hệ thống máy chủ của doanh nghiệp - DN) hay còn gọi là game online, trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, Bộ TT&TT sẽ tiến hành thẩm định, cấp quyết định phê duyệt nội dung kịch bản trò chơi.

Còn đối với các trò chơi điện tử G2, G3, G4 thời hạn này chỉ còn là 10 ngày (G2 là trò chơi chỉ có sự tương tác giữa người chơi với hệ thống máy chủ; G3 là trò chơi có sự tương tác giữa nhiều người chơi với nhau, nhưng không tương tác với máy chủ; G4 là trò chơi được tải về qua mạng và người chơi không có sự tương tác với nhau lẫn với máy chủ).

Trong trường hợp từ chối cấp giấy phép, cơ quan cấp phép phải có văn bản trả lời, nêu rõ lý do.

Ngoài ra, Dự thảo Thông tư cũng quy định, để được cung cấp game online, ngoài cơ sở hạ tầng, DN cần có vốn pháp định tối thiểu là 10 tỷ đồng, có hệ thống quản lý thông tin cá nhân người chơi (gồm họ tên, địa chỉ, số điện thoại, số - ngày cấp và nơi cấp chứng minh thư trong thời gian tối thiểu 2 năm kể từ ngày người chơi đăng ký).

Ông Nguyễn Văn Hùng, Chánh thanh tra Bộ TT&TT cho biết, các game chưa được cấp phép tồn tại trên thị trường sẽ được Hội đồng Xét duyệt xem xét hồ sơ để cấp phép, nếu game đáp ứng đủ điều kiện như quy định.

Như vậy, các DN đang phát hành game chưa được cấp phép trên thị trường cần làm hồ sơ để xin phép, đồng thời phải chờ xét duyệt của cơ quan cấp phép để xem game của mình có đáp ứng đầy đủ các quy định và được cấp phép hay không.

Siết chặt với doanh nghiệp vi phạm

Rõ ràng, với những quy định mới trong Dự thảo Thông tư, các DN Việt kinh doanh game phần nào đã cảm thấy dễ thở hơn.

Tuy nhiên, Bộ TT&TT cũng dựng lên những hàng rào kỹ thuật, siết chặt hơn với những DN vi phạm cũng như những game lậu.

Theo đó, doanh nghiệp cung cấp game sẽ bị thu hồi quyết định phê duyệt nội dung, kịch bản trong những trường hợp sau: bị thu hồi giấy phép cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử trên mạng; có hành vi cung cấp thông tin giả mạo để được cấp quyết định phê duyệt nội dung, kịch bản; không triển khai trên thực tế việc cung cấp trò chơi trong vòng 6 tháng kể từ khi được cấp quyết định phê duyệt nội dung, kịch bản.

DN bị thu hồi quyết định không được cấp lại trong thời hạn 1 năm kể từ ngày quyết định bị thu hồi.

Ngoài ra, Dự thảo Thông tư cũng quy định một số vấn đề quan trọng khác, như các DN cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử G1 phải áp dụng biện pháp kỹ thuật để bảo đảm quản lý giờ chơi đối với người chơi dưới 18 tuổi (sao cho tổng thời gian sử dụng tất cả các trò chơi điện tử G1 với mỗi người chơi hàng ngày không quá 180 phút và hoạt động của cửa hàng game từ 8 giờ sáng đến 22 giờ đêm ).

Doanh nghiệp game online VN 'đang bị nước ngoài chèn ép'
Tại buổi hội thảo về quản lý trò chơi trực tuyến sáng 3/7, lãnh đạo Bộ Thông tin Truyền thông (TT&TT) thừa nhận các doanh nghiệp trong nước...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư