Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 17 tháng 04 năm 2024,
Game Việt: Dám rời "ao làng" sẽ kiếm tỷ đô
Hữu Tuấn - 16/05/2017 06:41
 
Doanh thu ngành game Việt Nam có khả năng cán đích 1 tỷ USD nếu hướng mục tiêu phát triển ra quốc tế và thắng game ngoại trên “sân nhà”.

Vượt “chướng ngại vật”

Ngành công nghiệp game Việt Nam được ví là “mỏ vàng ảo”, được kỳ vọng sẽ là ngành mang lại doanh thu trên 1 tỷ USD trong 10 năm tới. Kết thúc năm 2016, ngành game Việt Nam tung ra thị trường 150 game, đạt số lượng người chơi khoảng 36 triệu người, ước đạt doanh thu 300 triệu USD, trở thành thị trường game lớn nhất khu vực ASEAN và đứng thứ 6 châu Á.

Phân tích số liệu từ Google, ông Lê Hồng Minh, CEO của VNG cho biết, chỉ riêng doanh thu dự kiến của các studio Việt Nam năm 2017 ước đạt khoảng 40 triệu USD. Nếu tính thêm từ các chợ khác như AppStore, doanh thu của tất cả các studio Việt chừng 80 triệu USD cho năm 2017. Tuy nhiên, so với thị trường thế giới là 80 tỷ USD thì Việt Nam chỉ chiếm 0,1%.

Ngành game Việt đã tung ra thị trường 150 game, ước đạt doanh thu 300 triệu USD năm 2016. Trong ảnh: Xây dựng chương trình tại Công ty cổ phần VNG. Ảnh: Đức Thanh
Ngành game Việt đã tung ra thị trường 150 game, ước đạt doanh thu 300 triệu USD năm 2016. Trong ảnh: Công ty cổ phần VNG. Ảnh: Đức Thanh

“Tôi có niềm tin rất lớn vào việc Việt Nam sẽ đạt 1 tỷ USD từ ngành công nghiệp game, với tiềm năng của những bạn trẻ ở Việt Nam hiện nay như Nguyễn Hà Đông. Các studio Việt đã có sản phẩm đẳng cấp thế giới. VNG đang nỗ lực góp sức mình vào mục tiêu đó. Các studio của VNG được đặt mục tiêu trở thành studio đẳng cấp toàn cầu trong 5 năm tới. Chúng ta phải cùng nhau để đạt mục tiêu 1 tỷ USD trước năm 2027”, ông Minh nói tại sự kiện Vietnam Game Summit 2017 (tháng 5/2017) tại Đà Nẵng.

Tuy đạt doanh thu lớn, nhưng trên thực tế, ngành game Việt vẫn đang đối mặt với nguy cơ bị game ngoại lấn át. Trong 10 game online thành công nhất tại Việt Nam năm 2016 (gồm Võ lâm truyền kỳ mobile, MU Origin-VN, Ngôi sao thời trang 360mobi, 3Q 360mobi, Ỷ thiên đồ long ký 3D mobile, Liên quân Mobile, Kiếm vũ, Tập kích, Độc cô cửu kiếm Mobile, Lục long tranh bá 3D mobile) thì không có game nào là do Việt Nam sản xuất, phát hành. Doanh thu 300 triệu USD ngành game phần lớn chảy vào túi của các nhà sản xuất game nước ngoài.

Tình trạng “nhập siêu” game đã kéo dài nhiều năm nay. Thực sự thì ngành công nghiệp game Việt Nam có xuất phát điểm và trình độ, công nghệ thua kém rất xa so với các nước như Mỹ, Trung Quốc, Hàn Quốc, đòi hỏi sự đầu tư lớn, dài hơi cả về công sức và tài chính.

Ngoài một số ít game Việt của các nhà phát triển game như VNG, VTCGame đạt được thành công nhất định, thì gần như game Việt chỉ chủ yếu là “ăn theo” game ngoại.

Theo ông Lê Hồng Minh, muốn đạt mục tiêu 1 tỷ USD, ngành game Việt phải hướng ra thị trường thế giới và suy nghĩ về những mục tiêu “điên rồ”, thay vì loay hoay trong “ao làng”. Các studio phát triển game của VNG hiện đang có doanh thu rất tốt nhờ định hướng này.

Ông Minh cũng lấy hai ví dụ rất sinh động cho việc “điên rồ”. Đó là việc các studio của VNG từ bỏ phát triển game PC và chuyển sang phát triển game mobile vào năm 2013. Trong khi tại thời điểm đó, doanh thu của các studio này là 160 tỷ đồng và 100% đến từ game PC. Năm 2016, VNG cũng đề ra một quyết định “liều mạng” không kém, đó là tiến ra thị trường quốc tế và chỉ làm game quốc tế.

“Để đạt được doanh thu 1 tỷ USD, các studio không những phải phát triển được những game chất lượng thế giới, mà phải tự chuyển mình thành các studio “world class” với chất lượng đẳng cấp thế giới. Phải làm ra một sản phẩm game với chất lượng quốc tế thì mới có hy vọng tồn tại và sống được trong ngành này”, ông Minh khẳng định.

Tín hiệu vui cho ngành game

Thực tế thì xu hướng làm “game cho cả thế giới dùng” từ sau cú hích mang tên Flappy Bird đã diễn ra và có những tín hiệu vui đầu tiên.

Gần đây, game Khu vườn trên mây (Sky Garden: Farm in Paradise) là game di động Việt Nam đã được vinh danh tại Giải thưởng game quốc tế dành cho điện thoại lần thứ 13 (13th IMGA Global), diễn ra vào tháng 3/2017 tại San Francisco (Mỹ). Trò chơi này nhận giải People’s Choice Award - game được cộng đồng yêu thích nhất, với hơn 7.000 phiếu bình chọn. Năm 2016, Khu vườn trên mây cũng nhận Giải game được cộng đồng yêu thích nhất khu vực Đông Nam Á của IMGA SEA.

Trong năm 2016, có đến 3 game của studio Pine Entertainment lọt top 50 game đề cử trên App Stores Mỹ. Ngoài ra, Politaire, một tựa game của Pine Entertainment đã được Apple đã chọn là một trong 10 tựa game hay nhất của năm 2016.

Cũng trong tháng 3/2017, Au Mobile của VTC Mobile cũng đã được phát hành tại Indonesia, thể hiện rõ tham vọng chinh phục thị trường Đông Nam Á của doanh nghiệp này. Đây là sản phẩm thứ 2 công ty này đem chào sân ở thị trường nước ngoài, trước đó là game Truy kích với tên gọi First Blood cũng tại thị trường Indonesia.

Theo ông Đào Quang Tuấn, Giám đốc Trung tâm Giải trí - Thể thao của VTC Mobile, là một quốc gia có lượng người chơi game mobile lớn nhất Đông Nam Á , thị trường game tại Indonesia rất tiềm năng, game thủ nhiệt tình, háo hức, tỷ lệ chi trả cao, sẽ là “vùng đất màu mỡ” cho tất cả những nhà phát hành nào dám tiên phong.

Có thể thấy rằng, cánh cửa để mở ra “mỏ vàng” tỷ USD ngành game đang đón chào các doanh nghiệp Việt, chỉ cần doanh nghiệp biết nắm bắt cơ hội, đầu tư mạnh mẽ phát triển game hướng tới thị trường quốc tế. Bên cạnh đó, các cơ chế, chính sách của Nhà nước cần dành nhiều sự hỗ trợ, nâng đỡ các doanh nghiệp ngành game cạnh tranh với các đối thủ mạnh, giàu kinh nghiệm, giàu tiềm lực tài chính đến từ nước ngoài.

Bộ trưởng GD&ĐT sẽ chỉ đạo quyết liệt vụ game online vào trường học
Thông tin từ Bộ GD&ĐT ngày 9/12, đơn vị này đang khẩn trương rà soát thông tin về cuộc thi “Chinh phục vũ môn”. Theo đó, quan điểm của Bộ...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư