Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 20 tháng 04 năm 2024,
Hà Nội
Gần 100% cửa hàng kinh doanh trái cây có hóa đơn chứng minh nguồn gốc sản phẩm
Thanh Nga - 20/09/2018 17:31
 
Sau gần một năm triển khai Đề án “Thí điểm quản lý các cửa hàng kinh doanh trái cây trên địa bàn các quận nội thành Hà Nội”, đến nay đã có 99,5% cửa hàng có hóa đơn chứng minh nguồn gốc trái cây cho thấy ý thức của người kinh doanh trái cây được nâng cao và người mua được tiếp cận hơn với sản phẩm an toàn.

Theo Sở Công thương Hà Nội, hiện trên địa bàn 12 quận có 806 cửa hàng kinh doanh trái cây, trong đó có 176 cửa hàng chuyên doanh trái cây, 630 cửa hàng kinh doanh thực phẩm tổng hợp trong đó có trái cây.

Hà Nội hiện có 99% cửa hàng đăng ký cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm (ảnh minh họa: Internet)
Hà Nội hiện có 99% cửa hàng đăng ký cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm (Ảnh minh họa: Internet)

Trước khi triển khai Đề án, tỷ lệ cửa hàng kinh doanh trái cây đăng ký kinh doanh, thực hiện các điều kiện về bảo đảm an toàn thực phẩm còn khá thấp. Sau gần một năm triển khai đề án các chỉ tiêu bảo đảm an toàn thực phẩm tăng đáng kể, nhiều chỉ tiêu đạt hơn 90%.

Cụ thể trước đây chỉ có 30% cửa hàng đăng ký cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm, hoặc cam kết bảo đảm an toàn thực phẩm, thì đến tháng 8/2018 tăng lên 99%; từ 50% cửa hàng có thiết bị giám sát chất lượng trái cây, nay tăng lên 86%; 38% cửa hàng có tem truy xuất nguồn gốc trái cây tăng lên 74%... Đặc biệt, đến nay 99,5% cửa hàng đã có hóa đơn chứng minh nguồn gốc trái cây, trong khi trước đây chỉ là 59%.

Tiếp đó, Thành phố đã cấp biển nhận diện cho 752 cửa hàng đáp ứng các yêu cầu của Đề án, bằng 93,3% chỉ tiêu đề ra, đồng thời triển khai thí điểm mỗi quận một tuyến phố không kinh doanh trái cây dưới lòng đường, vỉa hè.

Bà Trần Thị Phương Lan, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội khẳng định, với những địa chỉ được cấp biển nhận diện trái cây an toàn, người tiêu dùng hoàn toàn yên tâm về nguồn gốc xuất xứ, chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm. Bên cạnh đó, khi được gắn biển doanh nghiệp, cửa hàng có ý thức hơn trong việc chấp hành các quy định của pháp luật, điều đó cho thấy Đề án đang phục vụ tốt nhu cầu tiêu dùng của nhân dân.

Hà Nội đặt mục tiêu đến hết năm 2018, toàn bộ người kinh doanh được đào tạo, tập huấn an toàn thực phẩm, 100% cửa hàng bán hoa quả và người kinh doanh trên địa bàn các quận nội thành phải đăng ký kinh doanh theo quy định; có biển hiệu và đầy đủ trang thiết bị, phương tiện bảo quản trái cây; sản phẩm bán phải truy xuất được nguồn gốc, xuất xứ...

Để đạt được mục tiêu này, Sở Công thương Hà Nội đang đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về Đề án bằng nhiều hình thức. Bên cạnh đó, Sở cũng phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng thanh, kiểm tra xử lý vi phạm trong hoạt động kinh doanh trái cây, trong đó chú trọng xử lý kinh doanh trái cây lấn chiếm lòng đường, vỉa hè; kiểm soát quá trình lưu thông, vận chuyển trái cây vào địa bàn Thành phố...

Gắn biển để kiểm soát kinh doanh trái cây
Gắn biển nhận diện cho cửa hàng kinh doanh trái cây, tăng cường xúc tiến, kết nối thị trường tiêu thụ là những việc Hà Nội đang tích cực...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư