Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 20 tháng 04 năm 2024,
Gập ghềnh đường đi thực phẩm sạch
Thế Hoàng - 16/10/2016 16:29
 
Đầu tư 80 tỷ đồng xây dựng cơ sở giết mổ lợn công nghiệp công suất bán tự động 1.000 con/ngày, nhưng thực tế chỉ đạt 80-100 con/ngày, tương đương gần 10% năng lực. Đó là thực trạng buồn của CTCP Thực phẩm Vinh Anh (Hà Nội)

Với mức đầu tư 80 tỷ đồng, ngoài năng lực giết mổ bán tự động của đơn vị đạt 1.000 con/ngày, cơ sở này còn có hệ thống nhà máy với khu xử lý nước thải tự động công suất 300 m3/ngày đêm trên diện tích 800 m2, xưởng sơ chế đóng gói 600 m2, hầm cấp đông công suất 3 tấn/lần.

Ông Đào Quang Vinh, Giám đốc Công ty cổ phần Thực phẩm Vinh Anh cho hay, các sản phẩm thịt tươi bày bán ở các chợ truyền thống hiện chiếm gần 80% thị phần, được cung cấp bởi các lò mổ thủ công, không phải đầu tư nhà máy, hệ thống xử lý nước thải, lại vừa được hỗ trợ chi phí giết mổ từ Thành phố…Trong khi đó, những cơ sở giết mổ tập trung quy mô lớn, được đầu tư đồng bộ như Vinh Anh đang gặp quá nhiều trở ngại trong nỗ lực đưa thực phẩm sạch tới tay người tiêu dùng nội địa.

.
.

Đối tượng tiêu dùng chính giúp Công ty chạy được khoảng 10% công suất là các đơn hàng từ siêu thị, nhà hàng, bệnh viện và một số doanh nghiệp nước ngoài trên địa bàn thành phố.

“Công ty đã cố gắng hết sức, nhưng với công suất hoạt động tối đa cũng chỉ đạt 15% mức thiết kế khiến cho gánh nặng chi phí khấu hao, lãi vay quá lớn. Do mỗi ngày chỉ xử lý 50 m3 nước thải nên chi phí xử lý lên tới 15.000 đồng/m3, cùng gần 10.000 đồng/m3 trả cho Cụm công nghiệp xử lý đạt loại A trước khi thải ra môi trường, nên giá thành sản phẩm thịt của Công ty cao hơn giết mổ thủ công”, ông Vinh cho biết.

Được tiêu dùng thực phẩm sạch là nhu cầu tất yếu của người tiêu dùng và bản thân các doanh nghiệp đầu tư nuôi trồng, chế biến thực phẩm an toàn cũng rất mong sản phẩm của mình đến với người tiêu dùng cuối cùng. Tuy nhiên, đường đi của thực phẩm an toàn đến với người tiêu dùng còn quá nhiều gian nan, nhất là cạnh tranh về giá.

Điều này cũng được ông Tạ Văn Tường, Giám đốc Trung tâm Phát triển chăn nuôi Hà Nội đồng tình. “Dù đã rất nỗ lực để xây dựng chuỗi bán lẻ, tiêu thụ sản phẩm thịt, nhưng thực tế thị trường có quá nhiều điểm bán thịt gia súc, gia cầm tươi sống ở các khu dân cư, chợ truyền thống, với ưu điểm nổi trội về giá, nên sản phẩm từ các cửa hàng thực phẩm an toàn rất khó cạnh tranh”, ông Tường nói.

Theo Trung tâm Phát triển chăn nuôi Hà Nội, tính đến nay, đơn vị đã tư vấn, xây dựng được 19 chuỗi liên kết chăn nuôi tiêu thụ sản phẩm với số lượng 392.000 quả trứng; 22,4 tấn thịt lợn; 10,8 tấn gia cầm hay 100 tấn sữa mỗi ngày. Dẫu vậy, liên kết giữa các chuỗi hiện nay vẫn còn yếu, chưa phát huy được hiệu quả như mong muốn.

Điểm khó khác được ông Tường chỉ ra là những doanh nghiệp nằm trong chuỗi bán lẻ thực phẩm hiện có mới dừng lại ở giai đoạn tiêu thụ sản phẩm, ký kết hợp đồng nhỏ lẻ với người chăn nuôi chứ chưa có sự liên kết từ gốc, đi từ kế hoạch sản xuất - quy trình chăn nuôi  - cung cấp đầu vào (thức ăn, thuốc)…

Thống kê của Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam cho thấy, 60% lượng hàng hóa bán tại hệ thống bán lẻ trong nước được cung cấp bởi các nhà sản xuất trong nước, trong khi nguồn cung hàng nhập khẩu là 31%, nhưng chỉ 1% hàng hóa mang thương hiệu riêng của doanh nghiệp, còn lại là nguồn hàng không xác định.

Bà Đinh Thị Mỹ Loan, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam cho hay, thực trạng kết nối sản xuất, phân phối trong nước còn nhiều hạn chế, nhất là trong việc tiêu thụ thực phẩm ở cả kênh bán lẻ hiện đại và truyền thống, thành thử chưa giải quyết được bài toán cung - cầu, sản lượng hàng hóa và đảm bảo cung ứng thường xuyên còn lẻ tẻ, rời rạc.

Tham gia vào lĩnh vực kết nối, bán lẻ thực phẩm an toàn từ 4 năm nay, thương hiệu thực phẩm sạch Clever Food, với hệ thống 7 cửa hàng trên địa bàn Hà Nội, ông Hà Minh Đức, chủ thương hiệu cho biết, Clever Food vừa đưa vào hoạt động một Trung tâm giết mổ tập trung đặt tại Đá Chông (Ba Vì, Hà Nội). Trung tâm này sẽ phục vụ giết mổ nguồn gia súc, gia cầm từ trang trại 2 ha tại Ba Vì của Clever Food gây dựng cùng các đối tác.

“So với mặt bằng giá chung, các sản phẩm thịt của Clever Food cung ứng ra thị trường giá cao hơn khoảng 20-30%, nhưng Clever Food dám đảm bảo với người tiêu dùng về chất lượng sản phẩm, chính sách đổi trả sản phẩm linh hoạt, với mục tiêu cuối cùng là người tiêu dùng chấp nhận và tin dùng sản phẩm của chúng tôi. Đầu tư sản xuất, liên kết phân phối thực phẩm sạch tại thị trường trong nước sẽ còn là chặng đường rất dài phía trước”, ông Đức khẳng định.

Hà Minh Đức, sáng lập thương hiệu Clever Food: “Thực phẩm sạch đang quyến rũ tôi”
Khởi nghiệp ở tuổi 30, thất bại đã có, thành công cũng mới bắt đầu, song người sáng lập thương hiệu Clever Food Hà Minh Đức tin rằng, vị...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư