Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 28 tháng 03 năm 2024,
GDP tăng trưởng 6,7% hoàn toàn có cơ sở
Mạnh Bôn - 12/10/2017 19:02
 
Trưởng GDP năm nay đạt 6,7% hoàn toàn có cơ sở cho dù phải 3 tháng nữa mới kết thúc năm 2017 và để đạt được mục tiêu này, tốc độ tăng trưởng GDP quý 4 phải đạt 7,31%.

Chiều nay, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã giải trình trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại Phiên họp thứ 15 về kết quả thực hiện kế hoạch kinh tế - xã hội (KTXH) năm 2017 và dự kiến năm 2018.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, dư luận xã hội, cộng đồng doanh nghiệp, chuyên gia kinh tế và các tổ chức quốc tế đánh giá rất cao cả 13/13 chỉ tiêu KTXH năm nay đều đạt và vượt kế hoạch. 

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khẳng định tăng trưởng GDP năm nay đạt 6,7% hoàn toàn có cơ sở cho dù phải 3 tháng nữa mới kết thúc năm 2017 và để đạt được mục tiêu này, tốc độ tăng trưởng GDP quý 4 phải đạt 7,31%.

Nhân tố đầu tiên tạo động lực để GDP cán mốc tăng trưởng 6,7%, theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng là tổng cầu trong nước tăng rất mạnh. Cụ thể, năm nay, tổng mức bán lẻ hàng hoá và dịch vụ tăng khoảng 10%, cao hơn so với kế hoạch (tăng 8,93%). Hoạt động du lịch diễn ra sôi động, trong 9 tháng đầu năm thu hút gần 9,5 triệu khách du lịch quốc tế, tăng 28,4% và ước cả năm 2017 thu hút 13 triệu lượt khách quốc tế, tăng 30% so với năm 2016.

Sản xuất công nghiệp chuyển biến tích cực do nhiều chính sách về cải thiện môi trường sản xuất kinh doanh, kích thích sản xuất đã phát huy tác dụng kết hợp với thị trường thế giới có nhiều cải thiện. Đặc biệt là sự tăng trưởng bứt phá của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo với mức tăng 12,77% thay vì 10,5% của cùng kỳ năm 2016. Đây là nhân tố quan trọng thứ hai, theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng để GDP cán mốc 6,7%.

Nhân tố thứ ba giúp GDP tăng trưởng 6,7%, theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng là khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản trong 9 tháng đầu năm tăng 2,78% thay vì mức tăng 0,62% của cùng kỳ năm 2016 nhờ tái cơ cấu ngành nông nghiệp bắt đầu phát huy hiệu quả.

“Cả 3 lĩnh vực đều tăng trưởng cao là cơ sở thuyết phục để có thể chắc chắn rằng, tốc độ tăng trưởng kinh tế năm nay đạt 6,7% cho dù giảm sản lượng khai thác dầu thô 2 triệu tấn làm giảm 0,5 điểm phần trăm tăng trưởng”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng giải trình.

“Thực hiện kế hoạch phát triển KTXH năm 2017, trong 9 tháng đầu năm đã đạt kết quả hết sức ấn tượng, nhưng Thủ tướng Chính phủ vẫn chỉ đạo, trong 3 tháng cuối năm, tất cả các bộ ngành, địa phương không được chủ quan; tiếp tục kiên trì thực hiện tất cả các giải pháp đã được đề ra với quyết tâm đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6,7% trong năm nay”, Người đứng đầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết thêm.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, ông Nguyễn Khắc Định, để thực hiện mục tiêu tăng trưởng 6,7% chỉ cần kim ngạch xuất khẩu tăng 6 - 7%; tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội khoảng 31,5% GDP; tốc độ tăng trưởng tín dụng đạt 18%...

“Nhưng theo tính toán thì năm nay, tổng nguồn vốn đầu tư toàn xã hội ước đạt 1.672,5 nghìn tỷ đồng, tương đương 33,42% GDP. Tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 202 tỷ USD, tăng 14,4%. Tốc độ tín dụng ước tăng 21%... Nói chung tất cả các điểm tựa để GDP tăng 6,7% đều vượt rất xa mục tiêu. Như vậy, tính toán về mặt lý thuyết thì GDP năm nay phải cao hơn mức 6,7%”, ông Định phân tích.

Ông Định cho rằng, về mặt số lượng có thể cân đo đong đếm được thì mức tăng trưởng kinh tế năm nay 6,7% là hợp lý, phần tăng thêm do các yếu tố tính toán tăng trưởng GDP cao hơn dự kiến được đưa vào chất lượng tăng trưởng.

“Chỉ số ICOR năm nay giảm xuống còn 6,27 thay vì 6,41 của năm 2016; năng suất lao động của toàn nền kinh tế tăng 5,87%; năng suất các yếu tố tổng hợp (TFP) được cải thiện đã cho thấy chất lượng tăng trưởng kinh tế đã được nâng lên. Tốc độ tăng trưởng GDP không cao hơn 6,7% về số lượng được đưa vào chất lượng tăng trưởng. Cái này cũng phải giải thích để các đại biểu Quốc hội, người dân, doanh nghiệp hiểu và có niềm tin rằng, năm 2018, tốc độ tăng trưởng GDP ít ra cũng phải đạt như năm 2017”, ông Định nhấn mạnh.

Năm 2018, Chính phủ dự kiến trình Quốc hội thông qua kế hoạch phát triển KTXH với mục tiêu đặt ra là GDP tăng từ 6,5% đến 6,7%. Với đà tăng trưởng khá ấn tượng của năm 2017, đã có nhiều ý kiến đề nghị đặt ra mục tiêu phấn đấu tăng trưởng cao hơn mức 6,7%.

“Tốc độ tăng trưởng năm 2018 được đặt trên nền kết quả đạt được của năm 2017 tương đối cao, nếu đặt mục tiêu tăng trưởng cao trên cái nền đã cao thì để đạt được vô cùng khó khăn. Hơn nữa, bên cạnh sự giảm sút của ngành khai khoáng thì một số yếu tố tạo ra đột phá năm 2017 không còn đột phá ở năm 2018, đó là sự phục hồi của một số sản phẩm công nghiệp chủ lực (sản lượng thép của Công ty Formosa đạt khoảng 1,5 triệu tấn, sản xuất của Tập đoàn Samsung tăng 34% với giá trị xuất khẩu ước đạt 50 tỷ USD). Ngoài ra, chúng ta đang chuyển đổi mô hình tăng trưởng, đang thực hiện tái cơ cấu mặc dù đã có chuyển động tốt nhưng không phải ngày một ngày hai đã có thể mang ngay lại hiệu quả”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng phân tích.

“Điều hành kinh tế - xã hội năm 2018 dựa vào 4 trụ cột. Thứ nhất, tiên quyết ổn định kinh tế vĩ mô, tạo chuyển biến rõ nét, thực chất trong thực hiện các đột phá chiến lược, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh. Thứ hai, khuyến khích đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp, phát triển doanh nghiệp, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Thứ ba, thực hiện quyết liệt cải cách hành chính. Thứ tư, tăng cường kỷ luật, kỷ cương, nâng cao hiệu lực, hiệu quả lãnh đạo, chỉ đạo điều hành ở tất cả các ngành, các cấp; đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, lãng phí; đề cao trách nhiệm của các cấp, các ngành và người đứng đầu”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết.

Chắt chiu từng cơ hội cho tăng trưởng GDP
Nền kinh tế Việt Nam đang thực sự chắt chiu từng cơ hội để có thể thúc đẩy tăng trưởng GDP trong năm nay.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư