Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 25 tháng 04 năm 2024,
GE dẫn đầu cuộc cách mạng công nghiệp kỹ thuật số
Hải Trâm - 19/12/2016 11:40
 
Internet ngành công nghiệp đang tạo nên giá trị gia tăng trong lĩnh vực kinh doanh, máy móc. Các công ty chế tạo máy móc đang phải đối mặt với câu hỏi, hoặc đi đầu về phát triển kỹ thuật số để có thể vận hành và tối ưu hóa hệ thống trong các nhà máy, đẩy mạnh việc tạo ra giá trị, hoặc nhường những việc này lại cho một công ty sản xuất phần mềm hoặc chính bản thân những nhà sản xuất hàng hóa. Trong bối cảnh này, GE quyết định trở thành đơn vị tiên phong trong ngành công nghiệp kỹ thuật số.
.
Ông Jeff Immelt, CEO kiêm Chủ tịch GE

Cách mạng kỹ thuật số không phải là thách thức, mà là chiến lược

Ngành công nghiệp sản xuất đang đứng trước ngưỡng cửa của một sự bùng nổ lớn trong đổi mới. Kỹ thuật số hóa ngành công nghiệp - hay còn gọi là Internet ngành công nghiệp - đang làm gia tăng hiệu quả của quá trình sản xuất và thúc đẩy tăng trưởng. Kết quả là, những công ty nắm vững quy tắc kỹ thuật số hóa sẽ có thể đưa ra quyết định tốt hơn, cải thiện quá trình tích hợp các quy trình và phát triển những chiến lược kinh doanh mới.

Theo nghiên cứu của ông Oliver Wyman với tựa đề Công nghiệp kỹ thuật số - Giá trị đích thực của Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (Công nghiệp 4.0), tiềm năng giá trị gia tăng toàn cầu của ngành công nghiệp 4.0 sẽ đạt 1,4 nghìn tỷ USD vào năm 2030, nhờ vào sự cắt giảm chi phí và tăng trưởng lợi nhuận. Những động lực thúc đẩy việc chuyển đổi kỹ thuật số đã được xác định. Đó là việc ngày càng nhiều các cơ sở sản xuất sử dụng những máy móc được nối mạng, công nghệ in 3D phát triển hơn, phần mềm mô phỏng và lượng lớn dữ liệu có thể được thu thập gần như theo thời gian thực.

Trong bối cảnh này, các công ty trong ngành công nghiệp máy móc thiết bị và kỹ thuật nhà máy sẽ cần giải quyết các vấn đề về chiến lược là chủ yếu, không phải vấn đề về kỹ thuật.

Vấn đề chiến lược nằm ở việc họ có muốn trở thành đơn vị tiên phong trong chuyển đổi sang kỹ thuật số không. Trong tương lai, ai sẽ vận hành và tối ưu hóa hệ thống trong một nhà máy xe hơi? Công ty cung cấp các robot, các nhà sản xuất ô tô hay một công ty phần mềm bên thứ ba? Ai sẽ có khả năng phân tích các dữ liệu điều hành? Những câu hỏi này đều liên quan đến thứ được gọi là kiến thức chuyên gia về ứng dụng và là những vấn đề cốt lõi của Công nghiệp 4.0. Trong tương lai, nó sẽ trở thành cốt lõi của việc sản xuất đại trà theo nhu cầu của khách hàng.

Việc chuyển đổi kỹ thuật số đang diễn ra với tốc độ nhanh chóng trong thế giới công nghiệp
Việc chuyển đổi kỹ thuật số đang diễn ra với tốc độ nhanh chóng trong thế giới công nghiệp

Các công ty sản xuất máy móc và kỹ thuật nhà máy không chỉ có thể tăng phần đóng góp của mình trong việc tạo ra giá trị trong các lĩnh vực kinh doanh truyền thống của họ, mà còn trong các ngành công nghiệp liên quan bằng cách làm chủ việc tích hợp các quá trình.

GE đã xác định 9 điểm khác nhau trên chuỗi giá trị, từ việc cải thiện hiệu quả của việc nghiên cứu và phát triển đến việc tối ưu hóa mạng lưới sản xuất. Một khía cạnh quan trọng của giá trị kỹ thuật số là sự hiểu biết tốt hơn về nhu cầu khách hàng thực tế, cho phép dự báo chính xác hơn và điều chỉnh chi phí thông minh hơn dựa trên khả năng chi trả của khách hàng. Chuyển đổi kỹ thuật số này có tiềm năng đem lại khoản lợi nhuận toàn cầu tăng thêm tới 600 tỷ USD. Khi quy trình sản xuất linh hoạt hơn, ví dụ bằng cách cho phép sản xuất đại trà theo nhu cầu của khách hàng, sẽ có tác động lớn tiếp theo, góp phần tăng tiếp thêm 300 tỷ USD.

Sự xuất hiện của công nghiệp kỹ thuật số sẽ làm thay đổi tận gốc tất cả công ty trong ngành công nghiệp sản xuất. Theo xu hướng đó, giám đốc điều hành sẽ ngày càng nhận thức được sự cần thiết của việc thiết lập các quy trình dựa trên dữ liệu minh bạch hơn để đưa ra quyết định chiến lược của họ.

Tuy nhiên, dường như chỉ có một số nhỏ các nhà quản lý cảm thấy được trang bị đầy đủ để đáp ứng những thách thức mới. Theo kết quả khảo sát, hầu hết lãnh đạo của công ty máy móc và nhà máy kỹ thuật cho biết, họ và nhân viên của mình không có đủ “sự sáng tạo để suy nghĩ bên ngoài mô hình sản xuất hiện có”. 86% số người được hỏi phàn nàn về sự thiếu “khả năng sử dụng phần mềm và dữ liệu” trong công ty của họ. Hơn nữa, 84% thừa nhận rằng, họ không có “chuyên môn cần thiết để phân tích khối lượng dữ liệu lớn” hay để hiểu được dữ liệu hay đưa ra các biện pháp cải thiện rõ rệt.

Điều này cho thấy, trở thành một công ty có thể phát triển mạnh trong công nghiệp kỹ thuật số là một thách thức lớn. Nó yêu cầu nhà công nghiệp phải phát triển các kỹ năng trong việc hiểu được dữ liệu, nâng cấp công nghệ, sáng tạo hơn và tạo ra những thay đổi về mặt tổ chức nhằm thúc đẩy những tiến bộ này.

Do đó, các công ty công nghiệp mong muốn khai thác tiềm năng kỹ thuật số sẽ cần phải chuyển đổi nhiều khía cạnh của mô hình kinh doanh và điều hành, đồng thời xây dựng một loạt quy trình mới.

Tiến hành quá trình này là yêu cầu cấp bách cho các công ty, bởi vì có thể mất một thập kỷ hoặc hơn để hoàn thành quá trình này. Mong đợi của khách hàng về kỹ thuật số hóa sẽ ngày càng tăng và các công ty khởi nghiệp hoặc những công ty nhanh tay hơn sẽ nắm bắt cơ hội. Nói cách khác, người lạc hậu sẽ thua cuộc.

GE đang bắt đầu bán các dịch vụ dựa trên nền tảng Predix, cho phép khách hàng tự thiết kế các sản phẩm công nghiệp
GE đang bắt đầu bán các dịch vụ dựa trên nền tảng Predix, cho phép khách hàng tự thiết kế các sản phẩm công nghiệp

Từ phần cứng đến phần mềm

Hành trình chuyển đổi kỹ thuật số hóa của Tập đoàn GE bắt đầu vào năm 2011. Trong năm 2008, giữa lúc cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, tình hình tại thời điểm đó được xem là không thuận lợi cho CEO kiêm Chủ tịch GE, ông Jeff Immelt. Giá cổ phiếu của GE giảm từ 60 USD trong năm 2000 xuống dưới 6 USD trong năm 2008. Tập đoàn bị Tổ chức đánh giá tín dụng Standard & Poor tước mất xếp hạng tín dụng AAA. Hơn nữa, ông Immelt đã buộc phải cắt giảm cổ tức lần đầu tiên kể từ năm 1938.

Đó cũng là lúc ông Immelt bắt đầu nghĩ về sự chuyển đổi kỹ thuật số và một cuộc cách mạng dữ liệu. Rất nhiều tài sản mà GE chế tạo ra đã được trang bị các hệ thống thiết bị cảm biến để thu thập thông tin. Điều đó dẫn đến một lượng lớn dữ liệu sẽ được thu thập lại. Ví dụ, một động cơ phản lực đem lại khoảng một terabyte dữ liệu về tất cả mọi quy trình, từ việc sử dụng nhiên liệu thông qua các chỉ số nhiệt độ cho đến các kích thước của hạt bụi bay qua động cơ, trên một chuyến đi từ đầu này đến đầu kia nước Mỹ. GE và khách hàng của mình phải làm gì với những dữ liệu đó?

Ông Immelt đã từng cân nhắc việc hợp tác với một công ty công nghệ để tạo ra phần mềm phân tích một lượng lớn dữ liệu, nhưng khi công ty công nghệ đã tìm ra phần mềm ấy, họ còn cần GE làm gì nữa? Ông nghĩ sẽ tốt hơn nếu GE tự phát triển phần mềm này cho riêng mình. Nếu không dùng vào mục đích gì khác, GE sẽ có thể sử dụng công nghệ đó để nâng cao năng suất của riêng các nhà máy sản xuất của GE, và có thể bán phần mềm ấy như là một giá trị gia tăng thêm trong các hợp đồng dịch vụ với khách hàng công nghiệp của GE.

Do đó ông đã quyết định rằng, GE cần bắt đầu xây dựng một hệ thống có khả năng phân tích dữ liệu lớn. Đó là khi ông Immelt tìm đến ông William Ruh, lúc đó đang là Phó chủ tịch của Công ty Cisco Systems. Ruh đã ngạc nhiên khi nhận được một cuộc gọi từ một nhà tuyển dụng đại diện cho GE. Ông nghĩ GE không phải là tập đoàn hiểu rõ về lĩnh vực phần mềm. Nhưng, ông vẫn đi đến Fairfield trong tháng 1/2011 để gặp ông Immelt. Ông đã rất ấn tượng bởi tầm nhìn của Immelt và chấp nhận đề nghị công việc. Đến cuối năm 2011, GE đã mở một trung tâm phần mềm tại San Ramon, California.

Với niềm tin rằng, GE cần một cuộc cách mạng thực sự, Immelt tìm sự hỗ trợ từ ông Eric Ries, một doanh nhân công nghệ cao và là tác giả của cuốn sách “The Lean Start-up” (Khởi nghiệp tinh gọn) - một cuốn sách đề cao tầm quan trọng của việc bắt đầu phát hành các phiên bản khác nhau của cùng một sản phẩm, nhận thông tin phản hồi của khách hàng, sau đó thử nghiệm hoặc thay đổi nếu cần thiết để cải thiện sản phẩm đó. Ông Ries đã giúp GE tự tạo nên phiên bản riêng của phương pháp này, mà công ty gọi là FastWorks. Theo GE, chính FastWorks đã góp phần đẩy nhanh quá trình sản xuất của một tua-bin khí chỉ mất một năm rưỡi, thay vì 5 năm như thông thường.

Tiềm năng giá trị gia tăng toàn cầu của ngành công nghiệp 4.0 sẽ đạt 1,4 nghìn tỷ USD vào năm 2030, nhờ vào sự cắt giảm chi phí và tăng trưởng lợi nhuận.

Vào cuối năm 2013, GE đã có 750 nhân viên làm việc tại văn phòng ở San Ramon và đã phát triển một phiên bản đầu tiên của Predix, một hệ điều hành như Windows hay Android, nhưng dành riêng cho Internet ngành công nghiệp. Tập đoàn cũng bắt đầu phát triển các ứng dụng trên nền tảng Predix, cho phép Predix thu thập và phân tích một khối lượng lớn dữ liệu từ các máy móc được trang bị các hệ thống thiết bị cảm biến.

Vào tháng 4/2015, ông Immelt công bố kế hoạch tái cấu trúc tập đoàn với việc bán 200 tỷ USD tài sản GE trong vòng hai năm. Cùng với việc bán đi phần lớn của mảng kinh doanh tài chính rủi ro, GE đã ký hợp đồng để bán bộ phận sản xuất đồ gia dụng cho Tập đoàn Haier (Trung Quốc) và đặt mục tiêu tăng thị phần trong ngành công nghiệp năng lượng toàn cầu với việc mua lại Công ty năng lượng Alstom (Pháp) vào năm 2015, với giá trị là 10 tỷ USD. Với việc tái cơ cấu lại các mảng kinh doanh, GE kỳ vọng 90% lợi nhuận sẽ đến từ mảng công nghiệp vào năm 2018.

Số lượng nhân viên tại văn phòng ở San Ramon hiện nay đã lên tới 2.000. Khi GE công bố kế hoạch mở một bộ phận phần mềm vào năm 2011, công ty dự tính sẽ chỉ có một đội ngũ khoảng 400 nhân viên. Ngày nay, con số đã là hơn 14.000 kỹ sư phần mềm, các chuyên gia dữ liệu và thiết kế cùng nhau phát triển phần mềm cho GE và khách hàng của mình. Số lượng nhân viên dự kiến sẽ còn tiếp tục tăng trong những năm tới. Doanh thu từ phần mềm của GE đang trên đà tăng trưởng ở mức 20%, tăng đến hơn 6 tỷ USD, trong năm 2016, chưa đầy một năm kể từ ngày GE Digital được thành lập.

GE đang bắt đầu bán các dịch vụ dựa trên nền tảng Predix cho khách hàng, để họ có thể tự thiết kế các sản phẩm công nghiệp của riêng mình. Công ty Pitney Bowes (Hoa Kỳ) chuyên về vận chuyển hàng hóa, hiện đang sử dụng các ứng dụng trên nền tảng Predix trên các máy gắn nhãn thư và các thiết bị phân loại thư trong phòng thư của công ty. Công ty Toshiba (Nhật Bản) đang sử dụng các ứng dụng trên nền tảng Predix trong sản xuất thang máy. Tổng cộng có khoảng 20.000 lập trình viên của GE, của các đối tác của GE và cả những lập trình viên ở các công ty khác hiện đang làm việc trên nền tảng Predix để tạo ra các ứng dụng và giải pháp công nghiệp.

Tuy nhiên, phải thừa nhận rằng, GE luôn phải đối mặt với cạnh tranh từ nhiều phía, đặc biệt là các công ty phần mềm khổng lồ. Chẳng hạn, Amazon và Google đang bước chân vào lĩnh vực Internet ngành công nghiệp, ngoài ra còn có IBM và Microsoft và hàng chục công ty phần mềm nhỏ khác nữa. Nhưng việc chuyển đổi kỹ thuật số đang diễn ra với tốc độ nhanh chóng trong thế giới công nghiệp và đó chính là một trong những thời điểm mà một công ty phải lựa chọn - hoặc là thành công hoặc sẽ trở nên lỗi thời. Với GE, sự chuyển đổi kỹ thuật số là một sự lựa chọn thông minh và tập đoàn tự hào rằng họ đã đem lại sự kết hợp tuyệt vời giữa trình độ và kinh nghiệm trong lĩnh vực công nghiệp và ứng dụng phần mềm.

“Nếu 'công nghiệp' không hội tụ với 'kỹ thuật số', chắc chắn sẽ có một vụ xung đột. Có thể nhiều công ty lớn bị gạt sang một bên, trong khi những doanh nghiệp đạt được sự hội tụ này sẽ nhảy vọt lên các cấp độ phát triển cao hơn”, ông John G. Rice, Phó chủ tịch GE, đồng thời là Chủ tịch, Giám đốc điều hành của Tổ chức Tăng trưởng toàn cầu của tập đoàn nói.

“Chúng tôi đang hợp tác chặt chẽ với các khách hàng, các nhà cung cấp và các chuyên gia lập trình của chúng tôi để đảm bảo chúng tôi không bị gạt sang bên lề”, ông Rice nhấn mạnh.

Top 10 CEO quyền lực nhất thế giới năm 2016
Theo Forbes, các tên tuổi như Larry Page, Mark Zuckerberg, Jeff Bezos, Warren Buffett, Elon Musk... là các CEO quyền lực nhất thế giới năm 2016.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư