Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 19 tháng 04 năm 2024,
Hà Nội
Dùng facebook, zalo... lừa xuất khẩu lao động chiếm hàng tỷ đồng
Nguyễn Minh (VOV) - 26/05/2017 16:09
 
Đối tượng sử dụng các trang mạng xã hội facebook, zalo, tìm kiếm những người có nhu cầu đi xuất khẩu lao động ở Hàn Quốc và Nhật Bản để lừa tiền.
xuat.jpg
Đối tượng Lê Huyền Vi tại cơ quan công an

Đã có kinh nghiệm sau thời gian làm nhân viên tại một công ty cung ứng nhân lực cho các công ty nước ngoài, lợi dụng sự nhẹ dạ cả tin và nhu cầu ra nước ngoài xuất khẩu lao động của người dân, Vũ Huyền Vi, 27 tuổi, trú ở xã Phước Ninh, huyện Dương Minh Châu, tỉnh Tây Ninh đã lập công ty "ma", lừa đảo xuất khẩu lao động, chiếm đoạt tiền của hàng chục trường hợp.

Theo thông tin từ cơ quan công an, từ tháng 5/2015, thông qua mạng xã hội Facebook tên “VyJP Vũ” Vũ Huyền Vi tự giới thiệu là giám đốc công ty ICA Group chi nhánh Hà Nội và công ty có trụ sở chính ở đường D5 – quận Bình Thạnh -  TP.HCM, chuyên cung ứng dịch vụ đưa người đi xuất khẩu lao động nước ngoài, đồng thời tự nhận là giám đốc công ty đào tạo ngoại ngữ và cung ứng nhân lực Sakura-Tokyo (trụ sở tại số 6 ngõ 1 Bùi Huy Bích, Hoàng Liệt, Hoàng Mai và số 1 ngõ 1395 Giải Phóng – Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai, Hà Nội).

Đối tượng Vi đã sử dụng các trang mạng xã hội facebook, zalo, tìm kiếm những người có nhu cầu đi xuất khẩu lao động ở Hàn Quốc và Nhật Bản, rồi hẹn họ đến trụ sở công ty nộp tiền, nhằm tạo sự tin tưởng với các trường hợp này, những lần nộp tiền Vy đều xuất hóa đơn biên nhận, cùng kế toán là Nguyễn Thị Hải ký xác nhận.

Tuy nhiên, hứa hẹn nhiều lần nhưng Vi vẫn không đưa được trường hợp nào đi xuất khẩu lao động. Đến tháng 11/2015, do đã bị thất hứa nhiều lần nên các bị hại đã đến trình báo với cơ quan công an. Tính đến nay, CAQ Hoàng Mai đã nhận được ít nhất 12 đơn tố giác do các trường hợp bị Vi lừa gửi.

Đối tượng Vi khai nhận: “Em đã nhận tiền của 21 người, có người đặt cọc có người nộp hết luôn, đặt cọc xong thì sẽ được làm visa, tiền đặt cọc là 1.000 USD đến 1.500 USD, tùy vào người có bằng cấp hay không có bằng cấp, có bằng thì nộp ít, không bằng thì nộp nhiều.”

Tổng số tiền Vi nhận của những người lao động từ tháng 4/2015 lên tới 108.000 USD và gần 600 triệu đồng tiền Việt. Bằng các biện pháp nghiệp vụ, ngày 17/5/2017, Cơ quan CSĐT CAQ Hoàng Mai đã bắt được Vi khi đối tượng đang trốn ở phường 11, quận Bình Thạnh, TP.HCM. Qua xác minh cho thấy, công ty ICA không có chi nhánh tại Hà Nội, và cũng không hề có công ty Sakura-Tokyo.

Thượng tá Phạm Ngọc Anh – Phó Trưởng công an quận Hoàng Mai, nhận định “Việc đăng tải các giấy tờ chứng minh là giám đốc của một công ty tuyển dụng xuất khẩu lao động đi nước ngoài lên các trang mạng xã hội đã tạo lòng tin cho các bị hại, cũng như đánh vào cái nhận thức còn quá mơ hồ về các quy định của pháp luật trong hoạt động này.”

xuat1.jpg
Hóa đơn thu tiền giả mạo để lừa đảo của Vi

Ông cũng cho biết, việc các đối tượng đã lập ra 1 công ty với 2 trụ sở tại TPHCM và Hà Nội, cũng như mở các lớp dạy tiếng Nhật vì bản thân đối tượng cầm đầu đã từng đi Nhật và là giáo viên tiếng Nhật của nhiều trung tâm dạy tiếng Nhật, đã khoét sâu vào lòng tin của các bị hại, nên họ có niềm tin với các đối tượng này rất cao.

Hiện cơ quan CSĐT CAQ Hoàng Mai đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can Vũ Huyền Vi về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Vụ việc đang được các cơ quan chức năng tiếp tục điều tra làm rõ đường dây này.

Vụ việc lần này là lời cảnh báo cho những người đang có nhu cầu muốn sang nước ngoài lao động, cần cảnh giác trước những lời hứa cùng những luồng thông tin không chính thống trên các trang mạng xã hội. Đồng thời khuyến cáo người dân nên tìm hiểu kỹ về các thủ tục, quy trình đưa người đi xuất khẩu lao động để tránh những thiệt hại không đáng có như các bị hại trong vụ việc trên.

Cơ quan công an cũng đưa ra thông báo đối với người dân nếu ai là nạn nhân vụ việc trên hãy tới cơ quan công an quận Hoàng Mai để trình báo, hỗ trợ hoạt động điều tra đường dây lừa đảo này. Đồng thời cũng có biện pháp kê khai tài sản bị các đối tượng này chiếm đoạt để có biện pháp bồi hoàn theo quy định của pháp luật.

Hàng chục sổ tiết kiệm bị lừa đảo, tẩy xóa ở Lào Cai: Agribank lên tiếng
Tin tưởng giao tiền cho một cá nhân đi gửi tiết kiệm ngân hàng, nhiều người dân đã bị cá nhân này tẩy xóa, làm giả hàng chục sổ tiết kiệm.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư