Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 20 tháng 04 năm 2024,
Gia Lai, cửa ngõ kết nối Tây Nguyên với Duyên hải miền Trung
Sơn Thắng - 16/12/2013 21:33
 
Sau Hội nghị Xúc tiến đầu tư vào Tây Nguyên năm 2013 diễn ra tại TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai đã và đang có những bước chuyển biến tích cực, khẳng định vai trò là cánh cửa để cả vùng Tây Nguyên rộng lớn kết nối với vùng duyên hải miền Trung. >>> Tây Nguyên bàn cơ chế liên kết xúc tiến đầu tư >>> Rầm rộ triển khai dự án BOT đường Hồ Chí Minh >>> Quốc lộ 14: Mở cánh cửa giao thương Tây Nguyên
TIN LIÊN QUAN

Chuyển biến về đầu tư

Cũng như các địa phương khác ở Tây Nguyên, Gia Lai có đầy đủ các điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế, như tài nguyên khoáng sản, đất đai, rừng, du lịch… và cũng là nơi hội tụ những nét văn hóa truyền thống đa dạng và đặc sắc của các dân tộc.

Diện mạo thành phố Pleiku (tỉnh Gia Lai)
Diện mạo thành phố Pleiku (tỉnh Gia Lai) đang đổi thay từng ngày

Lợi thế lớn nhất của Gia Lai là điều kiện hạ tầng khá thuận lợi, với những tuyến quốc lộ huyết mạch kết nối với vùng duyên hải miền Trung năng động qua Quốc lộ 19, Quốc lộ 25, cùng Quốc lộ 78 nối với Campuchia…

Những lợi thế đó đã được khai thông và mở ra những cơ hội phát triển lớn cho Gia Lai. Năm 2013, tuy tình hình kinh tế còn nhiều thách thức, nhưng dòng vốn đầu tư vào Gia Lai cũng như việc triển khai các dự án đầu tư vẫn duy trì ổn định.

Ông Trương Tơ, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư tỉnh Gia Lai cho biết, tính đến ngày 31/10/2013, trên địa bàn tỉnh có 140 dự án được UBND tỉnh cấp giấy chứng nhận đầu tư và chấp thuận chủ trương đầu tư, trong đó có 28 dự án được chấp thuận chủ trương đầu tư và 112 dự án được cấp giấy chứng nhận đầu tư. Có 52 dự án đầu tư đã hoàn thành đưa vào sản xuất - kinh doanh (tổng vốn đăng ký 5.850 tỷ đồng), 57 dự án đang triển khai đầu tư xây dựng (tổng vốn đăng ký 12.168 tỷ đồng).

Theo ông Tơ, những con số trên cho thấy, Gia Lai đã tạo điều kiện tốt nhất để nhà đầu tư triển khai dự án, mặc dù điều kiện kinh tế hiện nay còn nhiều khó khăn, thách thức.

“Bên cạnh chính sách hỗ trợ đầu tư chung của Nhà nước, tỉnh Gia Lai đã xây dựng nhiều chương trình hỗ trợ cho nhà đầu tư, như hỗ trợ về hạ tầng điện nước, giao thông… đến hàng rào dự án, hỗ trợ phí hạ tầng, hỗ trợ kinh phí cho doanh nghiệp tham gia các chương trình quảng bá, xúc tiến…”, ông Tơ nói.

Về các dự án an sinh xã hội, ông Tơ cho biết, tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư Tây Nguyên năm 2013 tổ chức tại Gia Lai, ngành ngân hàng đã cam kết cấp tín dụng cho các dự án chăm sóc cây cà phê, cao su, cho vay xây dựng, thủy điện..., với số vốn cam kết đầu tư lên tới 23.899 tỷ đồng.

Gần đây nhất, Ngân hàng TMCP An Bình đã xúc tiến thủ tục giải ngân xây dựng Trường tiểu học Võ Văn Kiệt tại xã Ia Dok, huyện Đức Cơ, với số vốn 10 tỷ đồng. Ngoài ra, Quỹ Thiện tâm của Tập đoàn Vingroup ủng hộ 1.000 con bò sinh sản cho các huyện nghèo…

Mặc dù đầu tư tại Gia Lai có nhiều chuyển biến tích cực, nhưng so với cả nước, thì hoạt động như vậy còn khiêm tốn. Để khai thác tiềm năng và thế mạnh sẵn có, trong thời gian tới, UBND tỉnh Gia Lai quyết tâm cải thiện hơn nữa môi trường đầu tư, xây dựng những chương trình xúc tiến hiệu quả hơn để thu hút những dự án lớn.

Theo ông Tơ, Gia Lai muốn tạo bước chuyển mạnh mẽ về thu hút đầu tư trong nước cũng như đầu tư nước ngoài theo hướng chọn lọc các dự án có chất lượng, có giá trị gia tăng cao, sử dụng công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường.

“Thời gian tới, tỉnh sẽ tăng cường thu hút các dự án quy mô lớn, sản phẩm có tính cạnh tranh cao, tham gia chuỗi giá trị toàn cầu của các tập đoàn xuyên quốc gia. Đồng thời, khuyến khích, tạo điều kiện và tăng cường liên kết giữa các doanh nghiệp đầu tư trong nước với nhau. Đặc biệt, Gia Lai sẽ quy hoạch thu hút đầu tư theo ngành, lĩnh vực, đối tác phù hợp với lợi thế của từng vùng, từng ngành để phát huy hiệu quả đầu tư”, ông Tơ cho biết.

Để đạt được mục tiêu đó, UBND tỉnh Gia Lai đã và đang đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, thực hiện cơ chế một cửa, tạo điều kiện thuận lợi cho việc thành lập và hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp. Tăng cường công tác xúc tiến đầu tư, tạo môi trường thuận lợi để thu hút đầu tư, nhất là ở các ngành nghề tạo sản phẩm mũi nhọn, thu hút nhiều lao động, ở địa bàn khó khăn.

Đồng thời, địa phương cũng tăng cường xúc tiến thương mại, nghiên cứu các giải pháp nhằm khuyến khích mọi thành phần kinh tế mở rộng thị trường và tham gia xuất khẩu. Thường xuyên thực hiện công tác đối thoại, gặp gỡ giữa các cơ quan quản lý nhà nước với các doanh nghiệp để qua đó phổ biến những chủ trương, chính sách mới của Nhà nước, của tỉnh về hành lang pháp lý, cũng như các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp. Bên cạnh đó, thông qua các diễn đàn này, cơ quan quản lý nhà nước của tỉnh tiếp thu phản ánh của doanh nghiệp về những vướng mắc trong quá trình hoạt động kinh doanh để có giải pháp tháo gỡ kịp thời.

Cánh cửa liên kết vùng

Gia Lai có 90 km đường biên giới chung với Campuchia, có Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh, Cảng hàng không Pleiku, với các chuyến bay hàng ngày đi TP.HCM, Đà Nẵng, Hà Nội và ngược lại; có một số nhà máy thủy điện lớn, như Nhà máy Thủy điện Ialy, Sê San 3A, Sê San 3, Sê San 4… Đó là những điều kiện thuận lợi để Gia Lai phát triển kinh tế trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay.

Gia Lai nằm ở vị trí trung tâm của khu vực, là cửa ngõ đi ra biển của phần lớn các tỉnh trong khu vực… Đây là điều kiện để cùng các tỉnh bạn đẩy mạnh hợp tác phát triển và phát huy các lợi thế vốn có của mình, nhằm tăng cường năng lực sản xuất và hạ tầng kinh tế - xã hội, nâng cao năng khả năng cạnh tranh của nền kinh tế, tạo khâu đột phá để thúc đẩy kinh tế phát triển đúng hướng, tạo thế cho Gia Lai trở thành động lực trong khu vực, thúc đẩy các tỉnh khác trong vùng cùng phát triển.

Chính quyền tỉnh Gia Lai cũng khẳng định rõ vai trò của liên kết giữa các địa phương. Qua liên kết, các địa phương có thể hỗ trợ nhau cùng hợp tác và phát triển. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu này, thời gian tới, tỉnh cần khắc phục và xây dựng lại cơ chế mới trong vấn đề liên kết vùng, theo hướng tạo thuận lợi hơn cho các địa phương hoạt động đồng bộ, chia sẻ lợi ích chung, tạo những đầu mối gắn kết với nhau, tạo ra thương hiệu để thu hút đầu tư.

Tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư Tây Nguyên năm 2013, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã khẳng định, phát triển Tây Nguyên phải bằng các giải pháp, chính sách đặc thù nhằm huy động các nguồn vốn đầu tư hạ tầng, tăng cường liên kết với các khu vực và trung tâm đô thị lớn.

Trên cơ sở đó, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo rà soát, thu xếp nguồn vốn đầu tư nâng cấp những tuyến giao thông chính, trong đó có Quốc lộ 14, Quốc lộ 19 kết nối Tây Nguyên với các khu vực khác, nhằm tạo thuận lợi cho lưu thông hàng hóa.

Đánh giá vai trò của Quốc lộ 19, ông Trần Bắc Hà, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) cho rằng, việc tập trung nguồn lực để nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 19 không chỉ đảm bảo giao thông, thông thương, mà còn góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh của các tỉnh Tây Nguyên và Hành lang kinh tế Đông - Tây, tạo kết nối giữa Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung với các tỉnh Tây Nguyên, với vùng Nam Lào, Bắc Campuchia và Đông Bắc Thái Lan.

Ngoài Quốc lộ 19, Gia Lai còn có các quốc lộ khác như Quốc lộ 25 nối với Phú Yên, Quốc lộ 78 nối với Camphuchia, Quốc lộ 14 kết nối các tỉnh Tây Nguyên... Với điều kiện hạ tầng như vậy, nếu được đầu tư nâng cấp, trong tương lai không xa, Gia Lai sẽ là một cánh cửa giao thương quan trọng cho cả khu vực duyên hải miền Trung.

Quốc lộ 14: Mở cánh cửa giao thương Tây Nguyên
Năm 2016, Dự án Nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 14 chính thức hoàn thiện, đánh dấu bước ngoặt quan trọng cho sự phát triển của Tây Nguyên, mở cánh...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư