Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 28 tháng 03 năm 2024,
Gia nhập hay rút khỏi thị trường là quyền của người kinh doanh
Khánh An - 03/11/2017 08:27
 
Ông Bùi Anh Tuấn, Phó cục trưởng Cục Quản lý đăng ký kinh doanh (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho rằng, việc gia nhập hay rút lui khỏi thị trường là quyền của người kinh doanh, dựa theo tín hiệu và quy luật của thị trường. Ở góc độ quản lý nhà nước, điều cần quan tâm là tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi để doanh nghiệp có thể tối ưu hóa các quyết định của mình.

Thưa ông, có thể nói, trên 105.000 doanh nghiệp thành lập mới, với tổng vốn đăng ký trên 1 triệu tỷ đồng trong 10 tháng của năm 2017 thực sự là một kỳ tích trong phát triển doanh nghiệp?

Điều tôi muốn nói là tình hình đăng ký doanh nghiệp tiếp tục tăng trưởng tốt so với cùng kỳ các năm chứng tỏ tinh thần lập nghiệp, niềm tin kinh doanh của người dân đang mạnh mẽ.

Nếu nói là kỳ tích, thì kỳ tích này do người dân, doanh nghiệp xác lập, nhưng nó lại là minh chứng rõ nét thể hiện nỗ lực của Chính phủ trong cải thiện môi trường kinh doanh  thời gian qua đã và đang gỡ đúng, trúng rào cản trong kinh doanh, giúp khơi thông, đưa nguồn vốn từ người dân vào  sản xuất, kinh doanh.

.
Ông Bùi Anh Tuấn, Phó cục trưởng Cục Quản lý đăng ký kinh doanh (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) 

Nhìn vào các con số trên, có thể thấy 10 tháng đầu năm 2017 đã tăng 14,6% về số doanh nghiệp; tăng 43,8% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ 2016. Như vậy, không chỉ tăng về số lượng mà số vốn cam kết đưa vào thị trường cũng tăng cao. Vốn đăng ký bình quân trên một doanh nghiệp là 9,7 tỷ đồng, tăng 25,5% so với cùng kỳ năm trước. 

Nhưng, tôi muốn nhắc tới trên 29.000 doanh nghiệp đăng ký bổ sung vốn, với tổng số vốn đăng ký thay đổi để đưa vào thị trường là 1,4 triệu tỷ đồng, đạt trung bình 47,9 tỷ đồng/doanh nghiệp. Đây là những doanh nghiệp thực sự có nhu cầu đầu tư, kinh doanh, mở rộng thị trường trong thời gian tới.  

Một tín hiệu đáng mừng nữa là, 10 tháng qua đã có trên 22.000 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động.

Các tín hiệu tích cực trên cho thấy, tình hình phát triển doanh nghiệp năm 2017 rất khả quan. Với xu hướng này và nếu không có gì quá bất thường, số lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập mới cả năm 2017 có thể đạt trên 125.000 doanh nghiệp. Đây sẽ là mức cao nhất từ trước đến nay, vượt qua mức đỉnh 110.000 doanh nghiệp lập mới của năm 2016.

Tuy vậy, số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường trong 10 tháng của năm 2017 cũng không hề nhỏ. Ông nhìn nhận các số liệu này thế nào?

Việc doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường là điều không mong muốn, nhưng trong kinh doanh, đó là quy luật tất yếu với những doanh nghiệp yếu kém, không đủ năng lực cạnh tranh... 

Giới nghiên cứu kinh tế đã gọi đây là sự sàng lọc tự nhiên đau đớn, nhưng cần thiết vì nó buộc các doanh nghiệp, người kinh doanh phải liên tục tái cơ cấu, cải thiện năng lực cạnh tranh để đáp ứng sự vận động của thị trường...

Ngoài ra, cũng có nhiều doanh nghiệp chủ động rút lui khỏi lĩnh vực kinh doanh này để chuyển sang khởi nghiệp ở lĩnh vực khác tiềm năng hơn, phù hợp với họ hơn. Điều này giúp họ nâng cao hiệu quả kinh doanh, qua đó góp phần nâng cao hiệu quả của nền kinh tế.

Đây là lý do tôi cho rằng, cần nhìn nhận khách quan số liệu này.

Doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường có 4 hình thức, gồm phá sản, giải thể, ngừng hoạt động và tạm ngừng kinh doanh.

Doanh nghiệp giải thể là những doanh nghiệp đã hoàn tất mọi thủ tục và không còn tồn tại trên thị trường. Doanh nghiệp ngừng hoạt động về cơ bản đã không còn hoạt động, đang chờ làm thủ tục giải thể. Riêng doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh là những doanh nghiệp đăng ký thời hạn ngừng hoạt động, sau thời hạn này, có thể quay trở lại thị trường.

Trong 10 tháng năm 2017, có 9.794 doanh nghiệp giải thể (tăng 5,4% so với cùng kỳ năm 2016); 33.163 doanh nghiệp ngừng hoạt động (tăng 0,1%); 19.619 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn (tăng 11,6 %).

Như vậy, tỷ lệ doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường trên số doanh nghiệp gia nhập thị trường (gồm 105.000 doanh nghiệp thành lập mới và 22.000 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động) là 48,9%.

Đây là tỷ lệ tương đối thấp so với thực tế diễn ra ở các nền kinh tế thuộc nhóm đứng đầu về mức độ thuận lợi của môi trường đầu tư kinh doanh trên thế giới. Ví dụ, ở Hồng Kông - Trung Quốc (đứng thứ 5 trong Xếp hạng môi trường kinh doanh - Doing Business năm 2018 của Ngân hàng Thế giới), tính đến hết tháng 9/2017 có 115.978 doanh nghiệp đăng ký mới, 81.945 doanh nghiệp rút lui, tỷ lệ là 70,6%.

Ở New Zealand (đứng đầu bảng trong Xếp hạng Doing Business 2018), trong 1 năm, tính từ tháng 2/2016 đến tháng 2/2017, có 65.930 doanh nghiệp đăng ký mới, 57.500 doanh nghiệp ngừng hoạt động, tỷ lệ là 87,2%

Ở Anh (đứng thứ 7 trong Xếp hạng Doing Business 2018), tính đến tháng 3/2017, tỷ lệ này là 67,7%.

Nếu so tỷ lệ này với cùng kỳ các năm trước của chính Việt Nam, thì có xu hướng giảm. Cụ thể, tỷ lệ này trong 10 tháng của năm 2015 là 72,3%, cả năm 2015 là 69,5%;  trong 10 tháng của năm 2016 là 52,5% và cả năm 2016 là 53,5%.

Dựa trên các thông tin từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, ông có thể chia sẻ gì về tình hình hoạt động của doanh nghiệp thành lập trong vài năm gần đây? Vì có ý kiến cho rằng, cứ 4 doanh nghiệp thành lập trong năm thì cuối năm chỉ còn 1 doanh nghiệp hoạt động?

Phân tích theo năm cho thấy, trong 110.100 doanh nghiệp đăng ký thành lập năm 2016, còn 91.610 doanh nghiệp đang hoạt động (83,2%), 3.400 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn (3,1%), 12.018 doanh nghiệp ngừng hoạt động không đăng ký hoặc chờ giải thể (10,9%), 2.975 doanh nghiệp đã giải thể (2,7%), 97 doanh nghiệp bị thu hồi (0,1%).

Trong 94.754 doanh nghiệp đăng ký thành lập năm 2015, còn 69.170 doanh nghiệp đang hoạt động (73%), 3.455 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn (3,6%), 17.210 doanh nghiệp ngừng hoạt động không đăng ký hoặc chờ giải thể (18,2%), 4.628 doanh nghiệp đã giải thể (4,9%), 291 doanh nghiệp bị thu hồi (0,3%).

Riêng 10 tháng của năm 2017, tỷ lệ doanh nghiệp còn hoạt động là 97,2%.

Đây là những số liệu cụ thể, định lượng được tình hình phát triển doanh nghiệp trên phạm vi cả nước.

Tôi muốn nhấn mạnh lại là, đứng từ phía thị trường rằng, không nên kỳ vọng số doanh nghiệp ngừng hoạt động phải thật thấp, bởi điều đó đi ngược lại quy luật và sự phát triển đa dạng của thị trường.

Nghĩa là thế nào, thưa ông?

Khi nhu cầu, thị hiếu của người tiêu dùng ngày càng đa dạng, phong phú, thường xuyên thay đổi thì nhiều doanh nghiệp ra đời nhằm phục vụ các nhu cầu đó. Sự linh hoạt và năng động của thị trường thể hiện ở chỗ mỗi doanh nghiệp đều hiện thực hóa được những cơ hội kinh doanh như vậy.

Do vậy, chất lượng của doanh nghiệp và của nguồn nhân lực tham gia vào thị trường mới là điều cần quan tâm và cần đánh giá đầy đủ.

Đứng từ góc độ quản lý nhà nước, tình hình doanh nghiệp phát triển tích cực như trên cho thấy bức tranh sáng màu về môi trường kinh doanh Việt Nam. Trong xếp hạng Doing Business 2018, Việt Nam tăng 14 bậc so với 2017, đứng vị trí 68/190 nền kinh tế.

Đây là kết quả của nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh, hỗ trợ khởi nghiệp mà Chính phủ, các cơ quan quản lý nhà nước đã tích cực thực hiện. Cùng với sự hưởng ứng mạnh mẽ từ cộng đồng, những nỗ lực đó đã thu được kết quả tốt, phản ánh trên số lượng doanh nghiệp tham gia thị trường tăng cao liên tục, đặc biệt trong 2 năm gần đây.

Hơn 100.000 doanh nghiệp được thành lập mới là một kỳ tích
Mười tháng đầu năm 2017, đã có trên 105.000 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, với tổng vốn đăng ký là 1.21,9 nghìn tỷ đồng. Con số này...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư