Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 19 tháng 04 năm 2024,
Giấc mơ của chàng lễ tân khách sạn
Gia Huy - Ý Nguyễn - 07/07/2016 09:34
 
Từ học lỏm đến làm thật, từ lễ tân khách sạn đến chủ chuỗi nhà hàng, Dương Minh Đăng, ông chủ của thương hiệu bánh mỳ Gấu đang ngày càng thịnh hành trong giới trẻ tại TP.HCM chưa bao giờ ngừng ước mơ làm chủ chính mình.

“Học lỏm” làm bánh Âu

Nghề kinh doanh đầu tiên của Dương Minh Đăng là bán bánh tart táo trên Facebook cá nhân. Khi đó, vào năm 2012, Đăng học năm đầu chuyên ngành quản trị nhà hàng khách sạn, Đăng xin vào một khách sạn lớn, vừa để thực tập, vừa có thu nhập thêm trang trải việc học tập. Nhưng nhờ công việc này mà chàng trai sinh năm 1993 phát hiện ra năng khiếu làm bánh và có thể kiếm tiền được từ năng khiếu này.

Lần đó, Đăng kể, tình cờ đọc và bị hấp dẫn bởi công thức làm bánh tart táo, Đăng thử làm, thấy ngon, bạn bè cũng khen ngon. Ý định kinh doanh xuất hiện. Trang Facebook cá nhân trở nên hữu dụng.

Chàng 9X Dương Minh Đăng, ông chủ của bánh mì Gấu.
Chàng 9X Dương Minh Đăng, ông chủ của Bánh mì Gấu

Nhớ lại câu chuyện khởi nghiệp của mình, Đăng kể, trong 2 tuần đầu tiên bán bánh trên Facebook, anh đã có tiền lãi đủ để mua máy đánh trứng và lò nướng, năng suất vì thế tăng lên. Ngay tháng đầu tiên, doanh thu từ tiền bán bánh là hơn 20 triệu đồng, Đăng liền đầu tư mua tủ lạnh và các dụng cụ làm bánh. Công việc mở rộng kinh doanh online của Đăng bắt đầu. Sau bánh tart táo là bánh tart lê.

Hơn thế, đang làm tại khách sạn, Đăng tranh thủ khi rảnh rỗi vào quầy bếp để quan sát cách thức làm các loại bánh. Từ những buổi học hỏi các đầu bếp làm bánh, Đăng nghiên cứu gia giảm thêm nguyên liệu, rồi mày mò thử nghiệm những loại bánh mới, đặc biệt là các loại bánh ngọt Âu.

Đây là khoảng thời gian Đăng hoạt động hết công suất. Một buổi làm việc tại khách sạn, một buổi tranh thủ làm bánh, chụp ảnh đưa lên mạng để bán. Anh trực tiếp đi rao hàng, bỏ mối cho các tiệm bánh và nhận làm bánh cho những khách hàng đặt lẻ.

Việc kinh doanh lớn lên, chuyên nghiệp hơn khi năm 2013, Đăng quyết định mở quán cà phê The Light coffee ở đường Võ Thị Sáu (quận 3, TP.HCM).

“Lúc đó, tôi cùng một người bạn hợp tác mở quán, bạn lo phần pha chế, tôi làm bánh. Trong 3 tháng đầu hoạt động của quán cà phê, tôi hầu như không có thời gian nghỉ ngơi. Sáng từ 7 giờ đến 14 giờ, tôi làm bánh để bán ở tiệm cà phê và đưa mối cho khách hàng đặt lẻ. Sau đó, tôi lại đi giao bánh tại các cửa hàng. Từ 14 giờ 30 đến 22 giờ, tôi ở tiệm bán hàng... Có những ngày sáng chạy xe rao bánh mà tôi không biết mình đang làm gì, đầu óc cứ mụ mị như đang trôi trên đường. Giờ nhớ lại tôi không tưởng tượng nổi là vì sao tôi có thể làm việc liên tục như thế trong 3 tháng liền”, Đăng kể lại.

Nhưng sức lực có hạn, một người không thể làm thay cho tất cả, nhất là khi kinh doanh của quán cà phê lại vô vàn việc. The Light coffee bắt đầu đi xuống. Khi đó, các cửa hàng làm bánh Âu và bán bánh online trên thị trường bắt đầu nở rộ, việc kinh doanh bị cạnh tranh nhiều hơn, lượng khách hàng sụt giảm thấy rõ.

Đăng thấy cần phải thay đổi. Việc kinh doanh quán cà phê và bánh Âu đóng lại.

Chế biến theo cách riêng của mình

Giờ kể lại, Đăng vẫn tin là việc chuyển từ bánh Âu sang bánh mỳ của mình là hợp lý. Vì với người Việt, bánh mỳ đã là một phần của cuộc sống từ rất lâu. Điều đó mở ra cơ hội không giới hạn với những người khởi nghiệp, vấn đề là cách làm và không ngại khó.

Sau khi đóng cửa The Light coffee, Đăng đi học làm bánh mỳ, mất khoảng 3 tháng. Tháng 11/2015, Đăng bắt đầu mở cửa hàng bánh mỳ Gấu với những dấu ấn riêng.

“Làm bánh mỳ vất vả hơn làm bánh Âu rất nhiều. Mỗi lần nhào bột, phải bê cả bao 50 kg, sau đó nhào bột vào nước, trộn đều cả khối bột to rất khó, không cẩn thận, chỗ thì nhiều nước quá, chỗ lại khô. Với bánh Âu, pha trộn xong là mang vào lò nướng ngay, nhưng với bánh mỳ, bột nhào xong phải canh chừng thời điểm bột nở, canh độ chín, độ vàng của bánh. Đây là lúc ghi dấu ấn riêng cho mẻ bánh. Chưa kể, lò bánh mỳ nóng 270 độ, mỗi lần lấy bánh, hơi nóng trong lò khiến người thợ mồ hôi đầm đìa. Tuy nhiên, tôi vui khi nhìn những chiếc bánh vàng ươm, thơm phức ra lò”, Đăng nhớ lại.

Từ số vốn nhỏ bé, giờ đây cửa hàng bánh mỳ Gấu của Đăng mỗi ngày tiêu thụ khoảng 800 - 900 ổ bánh mỳ, đem lại doanh thu hàng chục triệu đồng mỗi ngày. Quan trọng là bánh mỳ Gấu đang trở thành một xu hướng tiêu dùng của giới trẻ TP.HCM.

Theo ông chủ trẻ Dương Minh Đăng, khởi nghiệp không dễ thành công ngay, người khởi nghiệp phải chấp nhận thất bại, vấn đề là ý chí phải bền, dám đứng lên sau thất bại, tiến hành làm cái mới. Ngoài ra, phải có đam mê và niềm tin vào công việc mà mình đang theo đuổi.

“Khi thất bại, tôi không than thân trách phận, mà tìm hiểu nguyên nhân vì sao thất bại để rút kinh nghiệm, tìm hiểu xu hướng thị trường là gì để nghiên cứu làm sản phẩm mới. Khi làm hết sức mình và bằng cái tâm của mình, tôi tin thành công sẽ đến”, Đăng chia sẻ.

Chưa dừng lại ở bánh mỳ, ông chủ của bánh mỳ Gấu đã hoàn tất những bước chuẩn bị cuối cùng để sắp tới sẽ khai trương cửa hàng online chuyên phục vụ cơm trưa văn phòng kèm bánh ngọt, hoạt động, song song với cửa hàng bánh mỳ Gấu.

“Quán sẽ không mang tên bánh mỳ Gấu, mà sẽ chuyển tên thành Đăng’s kitchen, nhận đặt cơm văn phòng kèm bánh Âu”, Đăng cho biết. Tự tin vào sản phẩm này của mình khi đưa ra thị trường, Đăng cho rằng, thị trường sẽ có nhiều xu hướng và người làm kinh doanh nên nhận biết những xu hướng đang nổi bật, tìm hiểu và chế biến sản phẩm theo cách riêng của mình.

“Xu hướng mới là cơ hội thương hiệu mới phát triển. Tôi tin là có thể bắt kịp được hướng đi này”, ông chủ 9x Dương Minh Đăng chia sẻ.

Khởi nghiệp kinh doanh ở độ tuổi 20 có sớm không?
Ngày nay, có không ít các bạn trẻ chẳng cần đợi đến ngày tốt nghiệp mới bắt đầu xây dựng cho mình một sự nghiệp riêng. Không cần loay hoay...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư