Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 19 tháng 04 năm 2024,
Giải pháp phát triển dự án nước sạch khi nguồn vốn ODA bị cắt giảm
Hà Vân - 27/03/2017 16:18
 
Việc huy động sự tham gia của các doanh nghiệp tư nhân vào dự án nước sạch đang là lời giải cho bài toán đầu tư cho các dự án này khi nguồn vốn ODA bị cắt giảm.

Trên thực tế, các nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức - ODA đã có những đóng góp quan trọng vào việc phát triển kinh tế gắn liền với xóa đói giảm nghèo và đảm bảo an sinh xã hội, trong đó có vấn đề nước sạch. Nhưng việc cắt giảm ODA dẫn đến thiếu vốn đang tạo ra nhiều khó khăn, trong khi các địa phương vẫn còn nhu cầu lớn về xây dựng hạ tầng thiết yếu, đặc biệt là nước sạch. Vì thế giải pháp đưa ra là phải kêu gọi tư nhân cùng đầu tư, xã hội hóa ngành nước. Đặc biệt, đã đến lúc cần phải có những cơ chế tốt hơn nữa tạo điều kiện cho doanh nghiệp tư nhân vay vốn khi họ tham gia vào các chương trình liên quan đến vấn đề này…

.
Việc huy động thêm nguồn vốn và sự đóng góp của cộng đồng xã hội, các doanh nghiệp tư nhân tham gia đầu tư các dự án nước sạch trong thời gian tới là vô cùng cấp thiết.

Cắt giảm ODA – khó khăn trong đầu tư công về hạ tầng và nước sạch 

Nhiều năm nay, chúng ta đã nỗ lực rất nhiều để cải thiện tình trạng khan hiếm và ô nhiễm nước sinh hoạt thông qua việc đầu tư các công trình nước sạch. Nhưng theo thống kê của Ủy ban quốc gia về nước sạch và vệ sinh an toàn môi trường nông thôn, cả nước hiện có khoảng 16.000 công trình nước sạch tầm trung, trong đó 25% số công trình này hoạt động kém hiệu quả và không hoạt động, tập trung chủ yếu ở 20 tỉnh thành thuộc khu vực miền núi phía Bắc, Bắc Trung Bộ và Tây Nguyên.

Như vậy, mặc dù đã có nhiều cố gắng thực hiện Chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường, nhưng số hộ ở nông thôn được sử dụng nước sạch đạt chất lượng vẫn còn thấp, vấn đề vệ sinh môi trường vẫn còn rất nhiều nan giải.

Theo đánh giá, trong những năm qua, nhiều dự án nước sạch do Nhà nước đầu tư chưa đạt hiệu quả mong muốn. Tại khu vực nông thôn, người dân vẫn chưa được hưởng lợi ích chính đáng từ các công trình này mang lại. Đặc biệt, vấn đề cắt giảm vốn ODA cũng đang là vấn đề đặt ra những khó khăn, thách thức không nhỏ cho các chương trình dự án về an sinh xã hội, trong đó có vấn đề nước sạch.

Giải bài toán này, trong thời gian tới cùng với nâng cao hiệu quả sử dụng, công suất của các trạm cấp nước cũ, việc huy động thêm nguồn vốn và sự đóng góp của cộng đồng xã hội, các doanh nghiệp tư nhân tham gia là vô cùng cấp thiết.

Hiện nay, nhiều địa phương trong cả nước đang có nhiều chính sách khuyến khích tư nhân đầu tư vào lĩnh vực này và đã bước đầu có được thành quả. Điển hình có thể nhắc đến ở Bắc Ninh có Công ty cổ phần Nước sạch Thuận Thành, Công ty cổ phần Phát triển Thủy Long ở Thái Bình; Công ty cổ phần nước sạch và vệ sinh nông thôn tại Nam Ðịnh; Hải Dương có Nhà máy nước sạch Thành Ðạt; trong đó có nhiều công trình có vốn đầu tư lớn.

Cụ thể, vừa qua, UBND tỉnh Bình Định cũng đã có công văn chấp thuận nguyên tắc về việc cấp phép đầu tư một Nhà máy nước ở Khu kinh tế Nhơn Hội, Bình Định với công suất 100.000 m3 ngày đêm và vốn đầu tư 2.000 tỷ đồng cho công ty HALCOM – một công ty chuyên hoạt động trong lĩnh vực đầu tư và tư vấn phát triển hạ tầng, đô thị tại hơn 40 tỉnh thành trong cả nước.

Khuyến khích gắn liền với ưu đãi thiết thực

Từ năm 2016, Chương trình mục tiêu quốc gia về nước sạch và vệ sinh môi trường không còn là chương trình độc lập, nguồn kinh phí đầu tư xây dựng mới, nâng cấp, sửa chữa công trình CNTT từ chương trình này cũng đã hết, trong khi nhiều hạng mục của chiến lược quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn vẫn chưa đảm bảo. Do vậy, chủ trương của Chính phủ từ nay đến năm 2020 là đẩy mạnh xã hội hóa lĩnh vực cấp nước sinh hoạt ở nông thôn, tạo cơ sở pháp lý để khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư, khai thác, quản lý và kinh doanh các công trình, dịch vụ cấp nước sinh hoạt nông thôn.

Quả thực, muốn giải quyết một cách triệt để vấn đề khó khăn về vốn thì nhất thiết phải đa dạng hóa nguồn kinh phí, trong đó xã hội hóa nguồn lực tài chính là trọng tâm thông qua vận động và tổ chức, tạo cơ sở pháp lý khuyến khích sự tham gia của nhân dân, các thành phần kinh tế và toàn xã hội đầu tư vào nước sạch vệ sinh môi trường; đẩy mạnh hợp tác để thu hút thêm nguồn vốn đầu tư.

Hiện nay, nhiều địa phương trong cả nước đang có nhiều chính sách khuyến khích tư nhân đầu tư vào lĩnh vực này và đã bước đầu có được thành quả.

Mặc dù, chủ trương xã hội hóa đầu tư, khuyến khích các khu vực tư nhân tham gia đầu tư hạ tầng ngành cấp nước, vệ sinh môi trường đô thị được thể chế hóa trong các định hướng, chiến lược, quy hoạch của Chính phủ, nhưng theo đánh giá của Bộ Xây dựng thì khu vực kinh tế tư nhân tham gia lĩnh vực này chưa thật mặn mà.

Vấn đề đặt ra là việc khuyến khích và kêu gọi xã hội hóa là cần thiết nhưng phải có những cơ chế mở, những chính sách ưu đãi thiết thực hơn nữa đối với doanh nghiệp tư nhân trong việc vay vốn.

Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, một trong những phương án được đưa ra khi vốn ODA bị cắt giảm, đó là cần sử dụng ODA như nguồn vốn kích thích để đẩy mạnh đầu tư tư nhân phát triển, mở rộng phương thức hợp tác công tư.

Kinh nghiệm của các nước phát triển cho thấy, một đất nước chỉ có thể tăng trưởng vững chắc khi các doanh nghiệp tư nhân trong nước phát triển mạnh.

Ở Việt Nam, kinh tế tư nhân tuy hiện chiếm tỷ trọng gần 50 % trong GDP, song doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ chiếm tới 95,3% tổng số doanh nghiệp tư nhân và rất bấp bênh trước những biến động của thị trường. Do vậy, ODA sẽ trở nên hữu ích hơn nhiều khi được đầu tư vào các dự án có tác dụng kích thích kinh tế tư nhân phát triển cũng như mở rộng khả năng hợp tác công tư.

Về phía doanh nghiệp trực tiếp tham gia trong lĩnh vực này, mặc dù vẫn có nhiều đơn vị hiện đang gặp khó khăn trong vấn đề vay vốn, nhưng cũng đã có nhiều doanh nghiệp mạnh dạn tìm cách tiếp cận với các nguồn vốn nước ngoài để triển khai các dự án theo mô hình PPP.

Ví dụ như HALCOM, đơn vị này hiện đang tích cực áp dụng cách tiếp cận này để huy động vốn đầu tư một số dự án theo hình thức BT và đầu tư trực tiếp. Ông Nguyễn Quang Huân, Chủ tịch HĐQT Công ty HALCOM cho rằng: “Các nhà đầu tư tư nhân Việt Nam hiện nay rất khó tiếp cận với nguồn vốn vay nước ngoài. Tất nhiên là các doanh nghiệp tư nhân không thể vay ODA và cũng không thể được Chính phủ bảo lãnh vay nhưng nếu Chính phủ có chính sách hỗ trợ khối tư nhân tiếp cận với các nguồn vốn vay nước ngoài với lãi suất thấp hơn vay thương mại trong nước và tập trung cho các dự án PPP hay các dự án trọng điểm thì sẽ chắc chắn giải được bài toán cắt giảm ODA”.

55,64 tỷ đồng xây dựng Nhà máy cấp nước sạch Long Xuyên - Thượng Cốc
UBND TP. Hà Nội vừa ban hành Quyết định số 1550/QĐ-UBND chấp thuận cho Công ty cổ phần Kỹ thuật môi trường Việt thực hiện dự án xây dựng Nhà...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư