Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 19 tháng 04 năm 2024,
Giải pháp thanh lọc cổ đông, tránh thao túng ngân hàng
Thùy Vinh - 11/12/2014 08:17
 
Nếu thực hiện đúng lộ trình, Thông tư 36/2014/TT-NHNN sẽ góp phần ngăn chặn sở hữu chéo và lợi ích nhóm.
TIN LIÊN QUAN
TIN LIÊN QUAN
Nới vay CK, BĐS, siết sở hữu chéo ngân hàng
JPMorgan bị điều tra tội thao túng thị trường ngoại hối
Còn nguy cơ thao túng hoạt động ngân hàng
Lật tung "tử huyệt" được giấu kín trong ngân hàng
Bóc sở hữu chéo: Tiền khủng từ đâu rót vào ngân hàng?

Cần thiết áp dụng sớm

Các quy định của Thông tư 36/2014/TT-NHNN khống chế mức độ sở hữu của một ngân hàng này tại ngân hàng khác là không quá 5% và giới hạn tối đa được 2 tổ chức tín dụng, nhằm giảm chi phối, sở hữu chéo và thao túng của các cổ đông lớn trong hệ thống ngân hàng hiện nay.

Vì thế, TS. Lê Thẩm Dương, Trưởng khoa Quản trị kinh doanh Đại học Ngân hàng TP.HCM cho rằng, sẽ có một số ngân hàng không được phép đầu tư chứng khoán nữa, nếu nợ xấu trên 3%. Một số ngân hàng cho vay chứng khoán rất nhiều, nhưng lần này sẽ được chặn trên ở con số 5%.

  Giải pháp thanh lọc cổ đông, tránh thao túng ngân hàng  
  Quy định siết sở hữu chéo tại Thông tư 36 sẽ làm lành mạnh thị trường tài chính, trong đó có các ngân hàng thương mại  

“Rõ ràng, Thông tư 36 có tác động để nợ xấu không phát sinh thêm, chưa kể còn ngăn chặn được các yếu tố rất rất xấu là sở hữu chéo và lợi ích nhóm”, ông Dương nhận định và cho rằng, không cần thiết phải hoãn thời gian áp dụng các quy định của Thông tư 36.

Trong khi đó, TS. Võ Trí Thành, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu và quản lý kinh tế Trung ương đưa ra nhận định, tinh thần của Thông tư 36 chưa đầy đủ, nhưng đã hướng đến các chuẩn mực và thông lệ tốt hơn theo quy chuẩn quốc tế.

Tuy nhiên, bên cạnh những điều kiện được nới, như hạ chuẩn rủi ro đối với tín dụng bất động sản từ 250% xuống còn 150% để xử lý những khó khăn hiện nay trên thị trường bất động sản, hoặc nâng tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn từ 30% lên 60% về dài hạn việc nâng tỷ lệ sử dụng vốn này cũng sẽ có những rủi ro nhất định nếu không có sự giám sát chặt chẽ. Vì vậy, theo ông Thành, cần phải có những giải pháp đi kèm để có thể kiểm soát và hạn chế rủi ro ở mức thấp nhất.

Liên quan đến những lo ngại của nhà đầu tư về việc Thông tư 36 sẽ có những tác động nhất định đến thị trường chứng khoán, ông Thành cho rằng, thị trường chứng khoán là câu chuyện lớn của thị trường vốn có rất nhiều khía cạnh, chứ không chỉ ở một khía cạnh tác động nhất thời bởi các quy định của Thông tư 36 và đòi hỏi sự phát triển lành mạnh. Do đó, Thông tư 36 chỉ là một khía cạnh có thể tác động trong ngắn hạn đối với thị trường chứng khoán.

Để giảm sở hữu chéo

Nhưng về dài hạn, theo TS. Thành, quy định siết sở hữu chéo tại Thông tư 36 sẽ làm lành mạnh thị trường tài chính, trong đó có các ngân hàng thương mại.

TS. Trương Văn Phước, Phó chủ tịch Ủy Ban giám sát tài chính quốc gia cho rằng, mục đích trong quá trình tái cấu trúc hệ thống ngân hàng chính là giảm sở hữu chéo, nên việc thanh lọc cổ đông là cần thiết.

“Mục tiêu của tái cơ cấu ngân hàng là làm sao cho quá trình tái cơ cấu hệ thống được lành mạnh, thanh lọc cổ đông, hạn chế sở hữu chéo trong hệ thống. Vì thế, việc áp dụng các quy định của Thông tư 36 là cần thiết”, TS. Phước nói.

Đồng quan điểm, chuyên gia tài chính - ngân hàng, TS Cấn Văn Lực cũng cho rằng, không cần thiết phải hoãn việc áp dụng các quy định của Thông tư 36, vì trong các quy định đó, các ngân hàng thương mại cũng đã thực hiện được một phần. Mặt khác, quy định Thông tư 36 là được nâng cấp lên từ Thông tư 13 để chuẩn hóa và khớp với các quy định của Basell II. Do đó, việc áp dụng các quy định của Thông tư 36 là cần thiết để các ngân hàng có thể tiếp cận được các chuẩn mực quốc trong hoạt động, đảm bảo an toàn cho hệ thống.

Một trong những vấn đề đáng quan tâm nhất tại Thông tư 36/2014/TT-NHNN của NHNN là quy định ngân hàng thương mại có tỷ lệ nợ xấu dưới 3% được nắm giữ tối đa cổ phiếu của 2 tổ chức tín dụng khác, nhưng không quá 5% vốn cổ phần có quyền biểu quyết của tổ chức tín dụng đó. Chính vì thế, tới đây, sẽ có nhiều ngân hàng thương mại phải thoái vốn tại tổ chức tín dụng khác, để đảm bảo tuân thủ đúng yêu cầu của NHNN.

Có thể nói, sở hữu chéo đến thời điểm này đã giảm so với 2 năm trước kể từ khi NHNN tái cơ cấu ngành, nhưng theo Phó thống đốc NHNN Nguyễn Phước Thanh, nếu khẳng định hết rủi ro do sở hữu chéo gây ra, thì chưa đúng. Vì thế, để giảm sở hữu chéo, phải đẩy mạnh mua bán, sáp nhập các ngân hàng cùng chủ sở hữu.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư