Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 20 tháng 04 năm 2024,
Giải quyết bài toán bội chi như thế nào?
Mạnh Bôn - 18/09/2016 08:25
 
Trong 8 tháng đầu năm nay, bội chi ngân sách nhà nước là 121.270 tỷ đồng, mặc dù mới bằng 47,7% dự toán năm, nhưng vẫn tăng 6.090 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2015. Phóng viên Báo Đầu tư trao đổi với TS. Nguyễn Đức Kiên, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội về nguyên nhân cũng như hướng giải quyết vấn đề này.

Bội chi tiếp tục tăng so với cùng kỳ phải chăng là do công tác lập dự toán thu, chi không sát thực tế, thưa ông?

Tôi cho rằng, dự báo cân đối ngân sách khá sát thực tế. Cụ thể, trong 8 tháng đầu năm, tổng thu ngân sách ước đạt 649.460 tỷ đồng, bằng 64% dự toán năm, tăng 5,3% so với cùng kỳ năm 2015. Trong khi đó, tổng chi ước đạt 770.700 tỷ đồng, bằng 60,5% dự toán năm, tăng 5,6% so cùng kỳ năm 2015.

Bội chi năm nay tăng hơn so với cùng kỳ năm 2015 do tập trung cho chi đầu tư phát triển 120.850 tỷ đồng, tăng 9,6%; chi trả nợ và viện trợ 104.200 tỷ đồng, tăng 2,6%, đảm bảo thanh toán đầy đủ, kịp thời các khoản nợ đến hạn theo cam kết, không để tác động xấu đến kinh tế vĩ mô. Hoạt động kinh tế trong 4 tháng cuối năm bao giờ cũng sôi động hơn những tháng đầu năm, nên việc hoàn thành dự toán cả thu, lẫn chi là hoàn toàn thực hiện được.

.
.

Tốc độ tăng thu ngân sách chậm hơn so với những năm trước đây rất nhiều do dự báo thu từ dầu thô không sát thực tế, khiến bội chi tăng do thu không đủ chi?

Trong câu đối thu ngân sách, khoản thu từ nội địa, dầu thô và xuất nhập khẩu được tách ra. Nhìn vào số thu nội địa và thu từ dầu thô sẽ thấy, khi số thu từ dầu thô giảm thì số thu từ nội địa tăng mạnh do giá bán lẻ xăng dầu trong nước giảm, đầu vào của hoạt động sản xuất kinh doanh giảm, lợi nhuận của doanh nghiệp tăng, nên đóng góp vào ngân sách nhà nước tăng.

Cụ thể, trong 8 tháng đầu năm, thu từ dầu thô mới đạt 27.000 tỷ đồng, bằng 49,7% dự toán do giá dầu thô thanh toán bình quân chỉ đạt 46 USD/thùng, thay vì 60 USD/thùng như dự toán. Nhưng nhờ giá dầu thô giảm mà thu từ hoạt động sản xuất, kinh doanh trong nước (thu nội địa) tăng 12,7%. Tương tự, do giá dầu giảm, thu từ dầu thô 8 tháng đầu năm 2015 giảm hơn 34%, nhưng bù lại, thu nội địa tăng hơn 16,5%. Khoản này giảm, khoản kia tăng và tổng thu ngân sách vẫn tăng.

Năm nay, mức bội chi được phép là 254.000 tỷ đồng, tương đương 4,95% GDP. Trong 8 tháng đầu năm, bội chi mới là 121.270 tỷ đồng, bằng 47,7% dự toán, nên trong những tháng cuối năm, kể cả tập trung giải ngân vốn đầu tư theo tinh thần của Nghị quyết 60/NQ-CP về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2016, thì tổng mức bội chi cũng chỉ lên tới 254.000 tỷ đồng.

Nhưng dù sao, nếu dự báo sát giá dầu thì việc cân đối ngân sách cũng đỡ bị động?

Ai có thể dự báo chính xác được diễn biến bất ổn chính trị trên thế giới? Ai có thể dự báo trước được các động thái ứng phó với giá dầu của Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các nước ngoài OPEC? Tôi nhấn mạnh rằng, không một chuyên gia kinh tế, định chế tài chính nào có thể dự báo được, nên dù có muốn cũng rất khó để đưa dự toán giá dầu sát thực tế.

Để đối phó với giá dầu, trong dự toán không phải chỉ đưa ra kịch bản với một giá dầu, mà là nhiều mức giá khác nhau và ứng với đó là những phương án cân đối ngân sách khác nhau để bảo đảm giữ vững các cán cân kinh tế vĩ mô, đặc biệt là giải quyết bài toán nợ công, bội chi, tức là cân đối không hề bị động.

Trong mấy năm gần đây, việc bội chi luôn vượt mức Quốc hội cho phép một phần do tác động bởi giá dầu, phần khác do dự báo giải ngân vốn ODA không sát thực tế. Ông bình luận gì về vấn đề này?

Công tác giải phóng mặt bằng cũng không dễ dự báo. Với các dự án thực hiện ở Hà Nội, TP.HCM và một số đô thị lớn, công tác giải phóng mặt bằng thường phức tạp hơn, mất nhiều thời gian hơn so với các địa phương khác. Nhưng ai mà tính trước được đường cao tốc Hà Nội - Lào Cai lại bị vướng ở đoạn Vĩnh Phúc, vì người dân không chấp nhận giá đền bù giải phóng mặt bằng. Chính vì vậy, việc dự toán chi giải ngân vốn đối ứng ODA cũng khó sát thực tế, có năm không giải ngân hết, có năm lại thiếu vốn, nên tạo áp lực lên bội chi.

Đơn cử, năm 2015, Quốc hội cho phép bội chi tối đa 5% GDP, nhưng cuối cùng bội chi là 6,11% GDP, do phải tăng giải ngân vốn đối ứng cho các dự án sử dụng vốn ODA vượt dự toán 30.000 tỷ đồng.

Trước đó, năm 2014, bội chi được Quốc hội khống chế là 5,3% GDP, nhưng cuối cùng lên đến 5,69% GDP, do giải ngân vốn đối ứng cho các dự án sử dụng vốn ODA vượt kế hoạch 24.385 tỷ đồng.

Nhưng không thể cứ bám mãi vào những lý do đó để bội chi mỗi năm một tăng, thưa ông?

Chỉ có cách là lập dự toán ngân sách nhà nước theo thông lệ quốc tế. Trên thế giới, các khoản thu thực hiện theo luật, người ta chỉ lập dự toán chi cho từng bộ, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị sử dụng ngân sách nhà nước theo nguyên tắc một đồng không có trong dự toán cũng không được chi, nếu chi vượt thì năm sau sẽ phải trả nợ số tiền lạm chi, chứ không có chuyện năm nay chi vượt dự toán, sang năm vẫn không bị cắt, thậm chí vẫn được tăng chi.

Chi tiêu phải theo thứ tự ưu tiên, chứ không thể như năm 2014, khi sẵn sàng bỏ thêm 24.385 tỷ đồng bổ sung vốn đối ứng cho dự án ODA, trong khi nợ đọng xây dựng cơ bản hơn 76.208 tỷ đồng lại không được bố trí vốn để thanh toán.

Thủ tướng Shinzo Abe: Nhật Bản sẽ cung cấp ODA cho dự án Khu công nghệ cao Hòa Lạc
Bên lề Hội nghị Cấp cao ASEAN 28-29 và các hội nghị Cấp cao liên quan tại thủ đô Vientiane (Lào), chiều 7/9, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư