Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 25 tháng 04 năm 2024,
Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Thừa Thiên Huế: Thu hút đầu tư thực chất, hạn chế hội thảo hình thức
Ngọc Tân - 17/07/2016 08:25
 
Chia sẻ với Báo Đầu tư Online - Baodautu.vn, tân Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Thừa Thiên Huế, ông Phan Thiên Định nhấn mạnh, tỉnh sẽ đổi mới phương thức xúc tiến kêu gọi đầu tư, xây dựng cơ chế quản lý đầu tư kịp thời, linh hoạt để các nhà đầu tư quan tâm và không e ngại về môi trường đầu tư, kinh doanh trên địa bàn.

Thưa ông, công tác xúc tiến kêu gọi đầu tư của tỉnh Thừa Thiên Huế trong thời gian tới sẽ được thực hiện như thế nào?

Về hướng xúc tiến đầu tư, năm nay tỉnh sẽ đổi cách làm mới nhằm phù hợp hơn với tình hình thực tế.

Thứ nhất, hạn chế tổ chức những hội thảo, hội nghị mang tính chất hình thức, tăng cường tận dụng các mối quan hệ của các cá nhân, tổ chức, cơ quan ngoại giao, các tổ chức kinh tế nước ngoài tại Việt Nam để kết nối mời gọi nhà đầu tư.

Thứ hai, tranh thủ mối quan hệ với các nhà đầu tư lớn, có thương hiệu, uy tín trong và ngoài nước để gặp gỡ, kết nối với các nhà đầu tư khác tại các nước nhằm mời gọi họ đến với tỉnh.

Thứ ba, kết nối với các tổ chức tài chính – tín dụng, ngân hàng để mời gọi các nhà đầu tư là đối tác chiến lược, tiềm năng của các tổ chức này đến nghiên cứu, đầu tư tại địa phương.

Ông Phan Thiên Định - Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Thừa Thiên Huế.
Ông Phan Thiên Định - Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Thừa Thiên Huế.

Tất nhiên, việc lựa chọn các dự án đầu tư, đối tác đầu tư cũng phải thực hiện một cách có chọn lọc, nhằm phù hợp với định hướng phát triển của tỉnh.

Vậy đối với tỉnh Thừa Thiên Huế, lĩnh vực nào được xem là trọng tâm trong việc mời gọi thu hút đầu tư trong thời gian tới, thưa ông?

Đối với Thừa Thiên Huế, đầu tiên đó là du lịch, bao gồm cả lĩnh vực bất động sản, bất động sản nghỉ dưỡng cao cấp và các dịch vụ vui chơi giải trí, ẩm thực... để phục vụ cho phát triển du lịch.

Do địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế trải dài trên một phạm vi diện tích khá rộng, không phải tất cả các vùng đều có điều kiện phát triển du lịch, nên phát triển công nghiệp cũng rất quan trọng trong việc tạo nguồn thu cho ngân sách, giải quyết công ăn việc làm, chuyển đổi ngành nghề cho người dân địa phương. Trong đó, tập trung vào các ngành nghề công nghiệp sạch, giá trị gia tăng cao, thân thiện môi trường và công nghiệp phụ trợ. Bên cạnh đó Tỉnh chú trọng mời gọi đầu tư vào các ngành sản xuất mà Thừa Thiên Huế có lợi thế như chế biến cát trắng silica, nước giải khát, công nghệ thông tin - phần mềm (tập trung tại trung tâm thành phố Huế); các dịch vụ y tế, giáo dục chất lượng cao…

Đối với Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô, ngoài mảng du lịch, bất động sản nghỉ dưỡng ven biển, tỉnh sẽ tập trung vào việc kêu gọi các dự án trung tâm, tạo động lực để thúc đẩy khu kinh tế phát triển một cách mạnh mẽ. Cụ thể là các dự án đầu tư cảng biển, hạ tầng khu công nghiệp, khu phi thuế quan, các dự án sản xuất công nghiệp và thương mại lớn. Để khu kinh tế này có thể phát triển một cách đột phá, việc xúc tiến đầu tư được thực hiện theo hướng kêu gọi từng nhóm nhà đầu tư để nghiên cứu, triển khai các dự án một cách đồng thời.

Đối với Khu đô thị mới An Vân Dương, tỉnh đã và đang rà soát, điều chỉnh quy hoạch, điều chỉnh định hướng đầu tư theo hướng tập trung phát triển từng khu vực một cách đồng bộ từ khu đô thị đến các dịch vụ đi kèm để tạo ra sức sống, sức hút và động lực phát triển, lan tỏa trong khu đô thị.

Việc tạo ra sức bật cho đô thị Huế thông qua kết nối giao thông cũng là vấn đề đột phá được đặt ra. Tỉnh đã kêu gọi đầu tư tuyến đường từ trung tâm thành phố về sân bay Phú Bài và từ trung tâm thành phố về biển Thuận An, đường vành đai 3 ven thành phố, nhà ga quốc tế sân bay Phú Bài... Hiện nay đã có nhà đầu tư quan tâm đăng ký nghiên cứu đầu tư.

Thưa ông, hiện nay tỉnh Thừa Thiên Huế đã có những chính sách hỗ trợ như thế nào đối với các nhà đầu tư khi đến nghiên cứu, thực hiện đầu tư dự án tại tỉnh?

Chúng tôi cho rằng, tạo điều kiện thuận lợi để nhà đầu tư nghiên cứu, quyết định đầu tư dự án và triển khai dự án  một cách nhanh chóng chính là nhiệm vụ hỗ trợ quan trọng hàng đầu của công tác xúc tiến đầu tư.

Để thực hiện tốt nhiệm vụ này, ngoài những giải pháp về cải cách thủ tục hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh… Tỉnh đã chi đạo lập hồ sơ chi tiết các dự án kêu gọi đầu tư với đầy đủ các thông số để nhà đầu tư có thể tính toán, nhanh chóng quyết định nghiên cứu đầu tư; thành lập tổ công tác liên ngành để hỗ trợ nhà đầu tư từ khâu khảo sát, nghiên cứu đầu tư, thực hiện các thủ tục đầu tư và triển khai đầu tư. Những thay đổi này đã được các nhà đầu tư đánh giá tích cực, mang lại những hiệu quả thiết thực cho nhà đầu tư.

Về phía Sở Kế hoạch và Đầu tư, chúng tôi sẽ tiếp tục quyết liệt hơn nữa trong công tác nâng cao tinh thần, thái độ phục vụ, hỗ trợ doanh nghiệp. Chúng tôi đã được tỉnh cho phép thí điểm thực hiện hoàn thiện thủ tục đăng ký kinh doanh, thủ tục đầu tư thay cho nhà đầu tư và tiến hành thuê tư vấn độc lập để giám sát, đánh giá hoạt động của bộ phận một cửa trong đăng ký kinh doanh và đăng ký đầu tư.

Hiện nay việc giải quyết bài toán giữa phát triển đô thị và bảo tồn các giá trị văn hoá di sản đang là một bài toán khó với nhiều địa phương, vậy Thừa Thiên Huế đã thực hiện việc “giải bài toán” này như thế nào?

Hiện nay, rút kinh nghiệm của nhiều địa phương khác trước đây, Thừa Thiên Huế đã xác định rằng, để đảm bảo sự cân bằng hài hoà giữa việc phát triển đô thị và bảo tồn các giá trị văn hoá di sản cố đô Huế thì công tác quy hoạch phải luôn được đi trước. Công tác này phải công khai, minh bạch, trước khi thực hiện phải lấy ý kiến phản biện góp ý từ người dân. Khi đã có sự đồng thuận nhất trí thì mới thực hiện.

Đối với khu vực bờ Bắc thành phố Huế mà trung tâm là khu vực Đại nội,  hiện nay tỉnh đang nghiên cứu chủ trương xã hội hoá các hoạt động kinh doanh ở các di tích tại khu vực Đại nội, theo đó các đơn vị tư nhân được khuyến khích đầu tư vào đây, còn phần quản lý các công trình di tích, Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế sẽ chịu trách nhiệm quản lý. Hiện tỉnh đang xây dựng đề án, có thể trong năm nay sẽ tiến hành thực hiện.

Đối với khu vực phía Nam thành phố Huế, theo quy hoạch hai bên bờ sông Hương, chiều cao các công trình tại khu vực bờ phía Nam sẽ tăng dần khi ra xa sông Hương. Còn trong quy hoạch phát triển đối với khu đô thị mới An Vân Dương, thời gian tới trung tâm hành chính của tỉnh, các trung tâm thương mại dịch vụ, tài chính ngân hàng cũng sẽ được dời về đây nhường lại mặt bằng của khu vực phía Nam thành phố Huế cho các nhà đầu tư thực hiện các dự án trọng điểm.

Chủ tịch Thừa Thiên Huế: Sẵn sàng gặp gỡ, trao đổi với doanh nghiệp bất cứ lúc nào
“Lãnh đạo tỉnh luôn luôn sẵn sàng gặp gỡ, lắng nghe, bất kỳ lúc nào cũng có thể gặp gỡ, trao đổi, kịp thời giải đáp những khó khăn...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư