Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Giảm lãi suất không hẳn bất khả thi
Thùy Liên - 12/02/2017 08:34
 
Ngay đầu năm, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã “nhắc nhở” và cảnh báo các ngân hàng về lãi suất cũng như mở rộng tín dụng.
TIN LIÊN QUAN

Đua khuyến mại, ngân hàng hâm nóng lãi suất?

NHNN cho biết, trong tháng 1/2017, mặt bằng lãi suất thị trường cơ bản giữ được ổn định. Tuy nhiên, theo khảo sát của Báo Đầu tư, những ngày trước Tết Nguyên đán, nhiều ngân hàng đã lặng lẽ tăng lãi suất từ 0,1-0,3%/năm, áp dụng cho một số kỳ hạn. Mặt bằng này tiếp tục duy trì từ đó đến nay.

Bên cạnh đó, từ khi mở cửa giao dịch sau Tết, hàng loạt ngân hàng đã tung ra những chương trình khuyến mãi hấp dẫn, giá trị từ vài tỷ đến ngót chục tỷ đồng cho các chương trình khuyến mãi này. Chưa kể, những chương trình ưu đãi riêng với các khách hàng VIP vẫn được duy trì, với lãi suất cao hơn từ 0,2-0,5%/năm so với lãi suất thông thường. 

Ngay đầu năm, nhiều ngân hàng đã tung ra các chương trình khuyến mãi hấp dẫn. Trong ảnh: hoạt động nghiệp vụ tại VP Bank. Ảnh: Đức Thanh
Ngay đầu năm, nhiều ngân hàng đã tung ra các chương trình khuyến mãi hấp dẫn. Trong ảnh: hoạt động nghiệp vụ tại VP Bank. Ảnh: Đức Thanh

Phó tổng giám đốc nguồn vốn một ngân hàng TMCP cho hay, việc một số ngân hàng đẩy mạnh khuyến mãi hoặc tăng nhẹ mặt bằng lãi suất không phản ánh xu hướng chung của lãi suất. Hiện thanh khoản của hệ thống tương đối dư giả, đầu năm cũng không phải là thời điểm nhu cầu tín dụng tăng cao. Vì vậy, việc ngân hàng tăng khuyến mãi để thu hút tiền gửi chỉ là động thái cạnh tranh thị phần trong huy động nguồn vốn nhàn rỗi, chuẩn bị cho tăng trưởng tín dụng năm nay, dự đoán có nhiều khả năng tăng hơn năm 2016.

Mặc dù vậy, việc lãi suất huy động tiếp tục neo cao dẫn đến tâm lý lo ngại mặt bằng lãi suất cho vay khó giảm theo mong muốn và chỉ đạo của Chính phủ.

Giảm lãi suất: Chưa hết cơ hội

TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế thừa nhận, áp lực tăng lãi suất trong năm 2017 là có, bởi một số yếu tố như: lạm phát, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất, kéo theo sự lên giá của USD, lãi suất liên ngân hàng và lợi suất trái phiếu chính phủ có xu hướng đi lên. Tuy nhiên, khả năng giảm lãi suất không hẳn là không có.

“Nếu NHNN kiểm soát được mức độ tăng trưởng tín dụng và những cơ chế xử lý nợ xấu đi vào cuộc sống, lãi suất cho vay vẫn có cơ hội giảm thêm”, ông Nghĩa nói.

Bà Nguyễn Thị Hồng, Phó thống đốc NHNN nhận định, điều hành lãi suất năm 2017 sẽ cực kỳ khó khăn. Bà Hồng hy vọng, năm 2017, một loạt giải pháp mới trong xử lý nợ xấu sẽ được đưa ra. Khi nợ xấu được xử lý dứt điểm và thực chất hơn, các ngân hàng sẽ có điều kiện để ổn định và giảm lãi suất cho vay nếu điều kiện cho phép.

Chủ tịch HĐQT Vietcombank, ông Nghiêm Xuân Thành cho rằng, việc “dọn” sạch nợ tại Công ty Quản lý tài sản các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) sẽ khiến ngân hàng có thêm dư địa để giảm lãi suất, nhất là khi số nợ xấu này được ngân hàng thu hồi thành công. Hiện tại, Vietcombank là ngân hàng đầu tiên xử lý thành công toàn bộ nợ xấu tại VAMC và VietinBank là ngân hàng thứ hai đặt ra mục tiêu này, dự kiến hoàn thành năm 2017.

Liên quan đến xử lý nợ xấu, được biết, Thống đốc NHNN đã yêu cầu các cục, vụ tích cực hoàn thiện các văn bản để tham mưu Chính phủ trình Quốc hội hoàn thiện khuôn khổ pháp lý hỗ trợ tái cơ cấu và xử lý nợ xấu. Đồng thời, năm nay, NHNN cũng dự kiến sẽ tổ chức triển khai các giải pháp mua, bán nợ xấu theo cơ chế thị trường, đồng thời từng bước hình thành thị trường mua bán nợ trên cơ sở minh bạch, làm rõ cơ chế cho sự tham gia của các nhà đầu tư, nhất là các nhà đầu tư nước ngoài. 

Quyết tâm xử lý nợ xấu của NHNN là cơ sở để lãi suất có thể giảm thêm. Bên cạnh đó, kỷ luật thị trường được thiết lập chặt chẽ cũng củng cố thêm hy vọng này. Ngay trong chỉ thị đầu tiên ban hành đầu năm 2017 (Chỉ thị 01/CT-NHNN), NHNN cũng đã cảnh báo các ngân hàng về lãi suất. Theo đó, NHNN yêu cầu các ngân hàng thực hiện nghiêm các quy định và chỉ đạo của NHNN về lãi suất. Chủ động cân đối giữa nguồn vốn và sử dụng vốn để đảm bảo thanh khoản, ổn định lãi suất huy động, có điều kiện giảm lãi suất cho vay.

“Các tổ chức tín dụng phải thường xuyên giám sát, phát hiện vi phạm về lãi suất huy động và cho vay. Tổ chức tín dụng vi phạm quy định về lãi suất bị xử lý theo quy định của pháp luật”, Chỉ thị nêu rõ.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư