Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 25 tháng 04 năm 2024,
Giảm “room”, Dược Cửu Long đi ngược dòng
Chí Tín - 14/03/2018 08:37
 
Trong khi nhiều doanh nghiệp có xu hương tăng “room” (giới hạn tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài), Công ty cổ phần Dược Cửu Long (mã DCL, sàn HOSE) lại có động thái ngược dòng là giảm “room”.

“Thủy chung” với nhà đầu tư lớn

Mới đây, Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam (VSD) đã có thông báo điều chỉnh “room” cho nhà đầu tư nước ngoài của mã cổ phiếu DCL của Dược Cửu Long từ 49% xuống 32,57%. Động thái giảm “room” của Dược Cửu Long cho thấy tuyên bố khá rõ ràng của công ty dược này trong cam kết “chung thủy” với các đối tác chiến lược nước ngoài.

Từ khi trở thành thành viên của Tập đoàn F.I.T, Dược Cửu Long có mục tiêu rõ ràng là hướng tới một công ty dược hàng đầu Việt Nam. Ảnh:S.T
Từ khi trở thành thành viên của Tập đoàn F.I.T, Dược Cửu Long có mục tiêu rõ ràng là hướng tới một công ty dược hàng đầu Việt Nam. Ảnh:S.T

Trước đó, trong tháng 2/2018, Dược Cửu Long đã hoàn tất việc phát hành 20 triệu USD (tương đương 453 tỷ đồng Việt Nam) trái phiếu chuyển đổi riêng lẻ ra thị trường quốc tế cho đối tác nước ngoài là Quỹ đầu tư Rhinos Vietnam Convertible Bond Private Investment Fund. Đây là một quỹ đầu tư đến từ Hàn Quốc do Công ty Quản lý tài sản Rhinos Asset Management (RAM) quản lý.

Cùng với việc bán trái phiếu chuyển đổi cho Rhinos Vietnam Convertible Bond Private Investment Fund, hồi đầu năm 2018, Dược Cửu Long cũng đã chấp thuận cho đại diện của RAM  tham gia HĐQT của mình. Bên cạnh đó, Dược Cửu Long cũng đã cho phép nhà đầu tư nước ngoài RAM nắm giữ trên 25% cổ phần có quyền biếu quyết của công ty này mà không qua chào mua công khai. Đây có thể coi là một sự chuẩn bị khá chu đáo cho bước tiếp theo là RAM sẽ thực hiện chuyển đổi trái phiếu thành cổ phiếu phổ thông.

Thực tế, việc chuyển đổi trái phiếu thành cổ phiếu cũng không phải là một tương lai quá xa, bởi theo các điều khoản phát hành, chỉ 1 năm kể từ ngày phát hành trái phiếu, toàn bộ hoặc một phần số lượng trái phiếu phát hành được chuyển đổi thành cổ phiếu DCL của Dược Cửu Long, với giá trị chuyển đổi tối thiểu 5 triệu USD và tối đa là 20 triệu USD.

Theo ông Nguyễn Văn Sang, Chủ tịch HĐQT Dược Cửu Long, từ khi trở thành công ty thành viên của Công ty cổ phần Tập đoàn F.I.T, Dược Cửu Long đã có mục tiêu rõ ràng là hướng tới một công ty dược hàng đầu Việt Nam. Trong đó, Công ty đang và sẽ tập trung mạnh vào nhiều dự án đầu tư lớn. Một trong số đó là Dự án Xây mới nhà máy sản xuất viên nang rỗng thứ 3, với mục tiêu trở thành nhà cung cấp viên nang rỗng chiếm thị phần lớn nhất (40%) tại Việt Nam.

Ngoài ra, một dự án khác của Dược Cửu Long cũng đang cần nguồn vốn lớn là Dự án Nhà máy sản xuất thuốc ung thư Benovas. Đây là dự án sản xuất thuốc ung thư đầu tiên ở Việt Nam, được triển khai từ năm 2017, với tổng mức đầu tư 1.000 tỷ đồng.

Đo sức khỏe tài chính

Những động thái trên cho thấy đường hướng khá rõ ràng của Dược Cửu Long trong việc hiện thực hóa những tham vọng hiện tại. Theo đó, một trong những điều mà giới đầu tư đang quan tâm là “thể lực” hiện tại về tài chính của đại gia này, vì đây cũng là một yếu tố có ý nghĩa quyết định quan trọng tới khả năng hiện thực hóa các mục tiêu sắp tới.

Điều mà giới đầu tư quan tâm là ‘thể lực’ về tài chính của Dược Cửu Long, vì đây là yếu tố quyết định tới khả năng hiện thực hóa các mục tiêu sắp tới.

Về kết quả kinh doanh năm 2017, Dược Cửu Long đạt doanh thu 775,8 tỷ đồng, tăng nhẹ so với 758,6 tỷ đồng nawăm 2016. Lợi nhuận sau thuế của công ty này đạt 74,9 tỷ đồng, giảm so với kết quả hơn 90 tỷ đồng năm 2016. Lợi nhuận của Dược Cửu Long giảm trong năm 2017 là yếu tố không quá bất ngờ, bởi hồi đầu năm, công ty này đã mua lại Công ty cổ phần Dược phẩm Euvipharm. Đến tháng 6/2017, Euvipharm mới khôi phục hoạt động sản xuất - kinh doanh, nên sản lượng chưa đạt mức tối ưu, dẫn đến chi phí giá vốn tăng cao. Ngoài ra, trong năm 2017, Dược Cửu Long cũng phải xây dựng lại kênh phân phối cho Euvipharm làm tăng chi phí bán hàng, trong khi doanh số bán ra lại chưa tăng tương ứng để bù đắp.

Trong khi đó, quy mô doanh nghiệp này trong năm 2017 cũng đã phát triển đáng kể, với tổng tài sản tăng từ 845 tỷ đồng lên 1.221 tỷ đồng (tăng 44,5%), vốn chủ sở hữu tăng từ 656,6 tỷ đồng lên 791,8 tỷ đồng (tăng 20.6%). Việc tổng tài sản tăng nhanh hơn vốn chủ sở hữu cho thấy tỷ lệ vay nợ đang tăng lên trong cơ cấu tài sản. Con số nợ phải trả tại thời điểm ngày 31/12/2017 là 429 tỷ đồng, tăng 1,27 lần so với trước đó 1 năm. Tuy vậy, đây vẫn là một tỷ lệ vay nợ thấp so với mặt bằng chung của các doanh nghiệp hiện nay, khi chỉ bằng hơn 54% so với vốn chủ sở hữu.

Dự báo tỷ lệ vay nợ sẽ tăng lên trong kỳ báo cáo quý I/2018 sau khi khoản trái phiếu chuyển đổi vừa bán cho đối tác ngoại được hạch toán vào báo cáo tài chính, nhưng tỷ lệ này chỉ là tạm thời. Bởi lẽ đến thời điểm chuyển đổi trái phiếu, một phần hoặc toàn bộ khoản nợ trái phiếu sẽ chuyển thành vốn chủ sở hữu của Công ty, tùy thuộc vào số lượng trái phiếu sẽ thực hiện chuyển tại thời điểm đó.

Dược Cửu Long thử lòng nhà đầu tư
Công ty cổ phần Dược Cửu Long (mã DCL, sàn HOSE) đang nuôi dưỡng những chiến lược đầu tư nhiều tham vọng. Vì vậy, một số nhà đầu tư nhỏ lẻ...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư