Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Giáo dục trẻ em kiểu Nhật Bản
Thanh Huyền - 01/06/2016 21:13
 
“Giàu lòng trắc ẩn, họ không thể thờ ơ trước nỗi đau của đồng loại; giàu tình thương yêu, họ không thể bỏ qua những khát vọng của tuổi thơ” là nhận xét của các thầy cô giáo người Việt Nam ở trường Quốc tế Nhật Bản với các thầy cô giáo Nhật Bản đang làm việc ở đây.

Với tấm lòng đó, ngày 28/5/2016, toàn bộ giáo viên người Nhật Bản và Việt Nam công tác tại Trường Quốc tế Nhật Bản (Hà Nội) đã đến thăm và tặng quà các trẻ em khuyết tật ở Trung tâm Phục hồi chức năng người khuyết tật Thụy An (Ba Vì, Hà Nội).

Là hoạt động ý nghĩa của nhà trường nhân Ngày Quốc tế Thiếu nhi (1/6), các thầy cô giáo Trường Quốc tế Nhật Bản đã trao hơn 200 tấm chăn ấm cùng những thùng mì, bao gạo… cho 240 em đang được chăm sóc tại Trung tâm.

Giáo viên Trường Quốc tế Nhật Bản đến thăm và tặng quà trẻ em khuyết tật
Giáo viên Trường Quốc tế Nhật Bản đến thăm và tặng quà trẻ em khuyết tật

Không chỉ thể hiện tình yêu trẻ thơ và đồng cảm với những khó khăn của trẻ em khuyết tật qua những món quà, các thầy cô Trường Quốc tế Nhật Bản còn đưa những phương pháp giáo dục mới của Nhật Bản tới các em tại Trung tâm.

Là hệ thống giáo dục liên cấp từ bậc Mầm non đến hết Trung học phổ thông theo mô hình của Nhật Bản, Trường Quốc tế Nhật Bản là mô hình giáo dục tiên tiến ở Thủ đô Hà Nội, thực hiện giáo dục toàn diện, chú trọng giáo dục đạo đức, giáo dục cho học sinh lòng nhân ái, đức bao dung, chiều sâu nội tâm và ý thức cộng đồng.

Đồng thời, nhà trường đề cao việc đào tạo những con người trung thực, tự tin, tự trọng, có kỷ luật nội tâm, có khả năng suy nghĩ, làm việc độc lập và làm việc theo nhóm, có năng lực sáng tạo và đầy đủ phẩm chất để trở thành những công dân ưu tú, sinh viên đạt chuẩn quốc tế, có năng lực và phẩm chất để trở thành những nhà doanh nghiệp, nhà khoa học và quản lý trong tương lai.

Mục tiêu của giáo dục Nhật Bản là hướng tới sự minh triết, do đó, nhà trường không ngừng phấn đấu để đạt chuẩn mực ngày càng cao, nhằm giáo dục, đào tạo và rèn luyện học sinh ngày càng tiếp cận khái niệm này. Tiêu chí của trường là không có kiến thức thì không thể làm việc, nhưng chỉ có kiến thức là chưa đủ, mà còn cần phải có đạo đức chuẩn mực, có sự hiểu biết và cách sống minh triết. Mọi sáng tạo, đam mê và thiên hướng bẩm sinh (năng khiếu) của mỗi học sinh đều được quan tâm phát hiện, khích lệ và tạo điều kiện để phát triển.

Ở hệ Mầm non, Trường Quốc tế Nhật Bản thực hiện giáo dục sớm bằng sự kết hợp hài hoà phương pháp giáo dục Montessori (chấp nhận sự duy nhất của mỗi trẻ và cho phép trẻ phát triển tùy theo những khả năng riêng và thời gian riêng của mình) và phương pháp giáo dục Shichida (quan tâm phương cách giáo dục sao cho cân bằng giữa não phải và não trái).

Đối với hệ phổ thông, nhà trường áp dụng phương pháp giáo dục và chương trình, sách giáo khoa của Nhật Bản cùng chương trình tiếng Việt, lịch sử và địa lý Việt Nam.  Nhà trường không áp dụng hình thức khen thưởng và kỷ luật thông thường, mà thay thế khen thưởng bằng khuyến khích và động viên, thay thế kỷ luật thông thường bằng các hình thức kỷ luật tích cực.

GS. Tadashi Yamada, Hiệu trưởng Trường Quốc tế Nhật Bản chia sẻ: “Nếu chúng ta quan niệm con người sinh ra như tờ giấy trắng, thì giáo dục chính là quá trình viết lên tờ giấy trắng đó tất cả những gì cần thiết, đó chính là hình thành những phẩm chất đạo đức, tính cách và tạo ra nhận thức. Nếu chúng ta quan niệm, trong quá trình trưởng thành, các em dần bộc lộ mặt tốt và mặt xấu thì giáo dục cần làm những gì có thể để phát triển cái tốt và hạn chế cái xấu, tạo nên những con người hiểu được mình, hiểu được người, làm chủ bản thân, ý thức được vị trí của mình trong xã hội, trong mối tương quan với người khác và với thế giới xung quanh”.

Với phương châm việc học có thể vui vẻ và cần vui vẻ, chương trình giảng dạy tại Trường Quốc tế Nhật Bản là sự kết nối giữa việc xây dựng niềm tin, kỹ năng học tập, phương pháp tư duy, kết quả rèn luyện thể chất và kỹ năng sống trong một môi trường tràn đầy niềm vui.

Đào tạo nhân lực chất lượng cao: Kinh nghiệm từ Nhật Bản
Sự phát triển mạnh mẽ và vươn lên trở thành cường quốc của Nhật Bản đã trở thành tấm gương và bài học cho nhiều nước châu Á về phương...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư