Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Giật mình kế hoạch lợi nhuận “còi cọc” của SaigonBank
Vân Linh - 10/04/2015 07:50
 
Kế hoạch lợi nhuận năm 2015 mà Ngân hàng TMCP Sài Gòn Công Thương (SaigonBank) vừa đưa ra khiến không ít người bất ngờ khi con số được công bố chỉ ở mức 50 tỷ đồng trước thuế, giảm gần 80% so với mức thực hiện của năm trước.
TIN LIÊN QUAN
TIN LIÊN QUAN
Ẩn sau số liệu lợi nhuận ngân hàng
Ngân hàng hy sinh lợi nhuận để lấp nợ xấu
Vì sao nhiều ngân hàng “hụt hơi” lợi nhuận?
Hôn nhân SaigonBank - Vietcombank: Có còn là tin đồn?
Lỡ hẹn, ngân hàng vẫn quyết tăng vốn

Bà Trần Thị Việt Ánh, Tổng giám đốc SaigonBank giải thích, chỉ tiêu nợ xấu phải bán trong năm nay của Ngân hàng là 500 tỷ đồng, vì thế, tỷ lệ dự phòng rủi ro sẽ tăng đáng kể và Ngân hàng cũng phải trích 20% dự phòng cho trái phiếu nhận lại.

SaigonBank sẽ về chung nhà với Vietcombank?

Trước đó, trong năm 2014, dù không nằm trong danh sách tái cấu trúc bắt buộc theo yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước, song với quy mô vốn điều lệ còn khiêm tốn, cùng sức cạnh tranh trên thị trường hạn chế, SaigonBank cũng phải từng bước đẩy mạnh quá trình tái cấu trúc để có thể tồn tại.

Theo kế hoạch năm 2014, SaigonBank dự kiến tăng thêm 920 tỷ đồng vốn điều lệ, nâng vốn lên 4.000 tỷ đồng, đồng thời nâng dần hiệu quả sử dụng vốn, duy trì tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu ở mức 15 - 16%. Tuy nhiên, kết thúc năm, nhà băng này vẫn chưa triển khai được kế hoạch tăng vốn. Nợ xấu của SaigonBank vẫn ở mức cao, dưới 5%, dù dư nợ tín dụng chỉ tăng ở mức tương đương 5% cho cả năm 2014.

Trong bối cảnh trên, SaigonBank không tránh được vòng xoáy mua bán, sáp nhập. Thông tin SaigonBank sẽ sáp nhập vào Vietcomank đã được hé lộ trong những ngày đầu năm 2015. Trả lời phóng viên Báo Đầu tư, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Phước Thanh cho biết, Ngân hàng Nhà nước đã chấp thuận chủ trương sáp nhập này, nhưng điều quan trọng còn lại do 2 nhà băng quyết định.

Vietcombank hiện là cổ đông nắm quyền chi phối lớn tại SaigonBank (gần 10%), nhưng thực tế, nắm tỷ lệ chi phối lớn nhất tại SaigonBank là UBND TP.HCM. Vì thế, trên thị trường cuối năm 2014 xuất hiện nguồn tin, nhiều khả năng SaigonBank sẽ “về một nhà” với DongA Bank (ngân hàng cũng có tỷ lệ vốn góp của UBND TP.HCM).

Tại kỳ đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2014 của SaigonBank (diễn ra cùng ngày với DongA Bank), HĐQT SaigonBank không có tờ trình đại hội đồng cổ đông thông qua chủ trương sáp nhập với tổ chức tín dụng khác. Trong khi đó, DongA Bank có tờ trình xin cổ đông thông qua chủ trương sáp nhập thêm một tổ chức tín dụng khác.

Song diễn biến thực tế cho thấy, SaigonBank sẽ về chung nhà với Vietcombank, trong khi DongA Bank nhiều khả năng sẽ sáp nhập vào ABBank. Theo một nguồn tin đáng tin cậy, 2 thương vụ sáp nhập này sẽ sớm được thông qua trong năm nay.

Trong lịch sử 27 năm hoạt động của mình, SaigonBank có lẽ ít khi là ngân hàng nổi trội, nhưng các thế hệ lãnh đạo của SaigonBank phần lớn xuất thân từ Vietcombank. Vì thế, có nhiều lý do để SaigonBank hướng tới Vietcombank.

Tại cuộc họp đại hội đồng cổ đông bất thường của Vietcombank cuối năm 2014, lần thứ hai Vietcombank đề nghị cổ đông chấp thuận chủ trương sáp nhập với một ngân hàng khác. Tuy tại thời điểm đó, tên ngân hàng sáp nhập chưa được hé lộ, nhưng ai cũng đoán được đó chính là SaigonBank, bởi đây là ngân hàng quy mô nhỏ, nhưng được đánh giá là khá “sạch”, lợi nhuận trong những năm qua khả quan và quan trọng là Vietcombank đang nắm tỷ lệ chi phối lớn tại nhà băng này.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư