Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 28 tháng 03 năm 2024,
Giày dép Việt rộng đường sang EU
Hồng Sơn - 08/07/2013 06:54
 
Tìm hiểu kỹ để tận dụng tốt những ưu đãi trong Quy chế Ưu đãi thuế quan phổ cập của EU sẽ tạo nên những thuận lợi lớn cho các doanh nghiệp xuất khẩu sản phẩm giày dép.
TIN LIÊN QUAN

Phát biểu tại Hội thảo “Quy chế Ưu đãi thuế quan phổ cập (GSP) của EU: Cơ hội cho các doanh nghiệp” được tổ chức cuối tuần qua tại TP.HCM, Thứ trưởng Bộ ngoại giao Bùi Thanh Sơn cho biết: ngày 31/10/2012, Liên minh châu Âu (EU) đã chính thức công bố Quy chế GSP sửa đổi nhằm tạo thuận lợi cho hàng hóa của các quốc gia đang phát triển, trong đó có Việt Nam, tiếp cận thị trường EU. Quy chế GSP mới của EU sẽ có hiệu lực từ 01/01/2014.

Sản phẩm da giày của Việt Nam sẽ cạnh tranh tốt hơn tại thị trường EU. Ảnh: Đức Thanh

“Các doanh nghiệp Việt Nam sẽ có nhiều cơ hội phát triển, nhất là việc đầu tư, mở rộng sản xuất, đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa sang thị trường EU nếu biết tận dụng một công cụ hỗ trợ khá hữu hiệu, đó là Quy chế GSP mới”, Thứ trưởng Sơn nhấn mạnh.

So với hệ thống hiện hành, GSP sửa đổi có quy định chặt chẽ hơn và thu hẹp phạm vi được hưởng quy chế này từ 176 quốc gia và vùng lãnh thổ xuống còn 89. Các quốc gia và vùng lãnh thổ được hưởng GSP mới không giống nhau, mà được chia thành hai nhóm: nhóm các quốc gia kém phát triển nhất (gồm 49 quốc gia) sẽ được hưởng quy chế “tất cả trừ vũ khí” và nhóm 40 quốc gia có thu nhập thấp hoặc trung bình thấp. Việt Nam cùng với ba nước thuộc ASEAN khác gồm Thái Lan, Philippines, Indonesia thuộc nhóm thứ hai sẽ được hưởng ưu đãi thuế quan đối các nhóm mặt hàng cụ thể theo quy định của EU.

Theo đó, thay vì không được hưởng GSP, hàng hóa thuộc mục XII gồm giày dép, túi xách, ô dù… như trong giai đoạn 2009 – 2013, các ngành hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sẽ được hưởng GSP. Lợi ích không chỉ có vậy, bởi trước đây, ngành giày dép còn phải chịu tác động tiêu cực kép, vì bị áp thuế chống bán phá giá khoảng 10%.

Có thể thấy, việc EU thực hiện Quy chế GSP mới đã “cởi trói” cho các sản phẩm giày dép của Việt Nam và nhiều mặt hàng xuất khẩu quan trọng khác. Trong thực tế nhiều năm qua, EU là thị trường xuất khẩu quan trọng nhất của ngành da giày Việt Nam, song do EU gặp khó khăn về kinh tế, nên lượng hàng xuất sang thị trường này cũng bị thu hẹp. Việc được hưởng ưu đãi thuế sẽ giúp cho sản phẩm da giày của Việt Nam cạnh tranh tốt hơn với các sản phẩm cùng loại ở những quốc gia khác xuất khẩu vào EU.

Đại sứ, Trưởng phái đoàn EU tại Việt Nam, ông Franz Jessen cho rằng. sự tăng trưởng mạnh mẽ của xuất khẩu Việt Nam sang EU một phần nhờ vào những lợi ích mà GSP mang lại.

Chẳng hạn, khoảng 49% kim ngạch xuất khẩu giày dép của Việt Nam vào thị trường EU được hưởng thuế ưu đãi GSP. Từ năm 2014, một số sản phẩm xuất khẩu, trong đó có giày dép, sẽ được hưởng mức thuế ưu đãi hơn theo GSP mới, nhờ đó sẽ thúc đẩy hơn nữa việc xuất khẩu các mặt hàng truyền thống của Việt Nam.

“Tôi tin rằng, việc hiểu rõ Quy chế GSP mới của EU là hết sức quan trọng đối với Chính phủ và các nhà xuất khẩu Việt Nam”, ông Franz Jessen nói.

Tuy nhiên, EU sẽ áp dụng cơ chế “trưởng thành” đối với một loại hàng hóa hay nhóm hàng được hưởng GSP mới. Theo đó, một loại hàng hóa hay nhóm hàng sẽ không được nhận ưu đãi thuế quan của EU nếu như thị phần vượt quá 17,5% (đối với dệt may là 14,5%) và được cho là có tính cạnh tranh.

Ở một góc độ khác, ông Trương Đình Tuyển (nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại) phân tích một số hạn chế của GSP, đó là phải được các quốc gia có GSP chấp nhận và phải có các bước về thủ tục khá chặt chẽ. Quy chế này thường chỉ giới hạn một số sản phẩm, chứ không phải tất cả các hàng hóa thuộc danh mục có GSP của nước cho hưởng. Danh mục và mức thuế GSP không cố định, mà được điều chỉnh cho một số quốc gia, một số mặt hàng. Khi được hưởng GSP thường kèm theo một số điều kiện phi kinh tế…

Từ những hạn chế đã nêu, ông Tuyển lưu ý các doanh nghiệp xuất khẩu sang EU một số vấn đề, như: cần nắm vững các quy định của GSP để thực hiện đúng; việc được hưởng GSP sẽ khiến nhiều doanh nghiệp có tâm lý ỷ lại, giảm năng lực cạnh tranh, hay nói cách khác là không tạo sự cân bằng tích cực trong xuất, nhập khẩu. Các hiệp hội, ngành hàng cần thường xuyên thông tin đến các doanh nghiệp thành viên các vấn đề về GSP, nhất là những ngành có tỷ trọng cao có khả năng bị coi là “trưởng thành” để có sự điều chỉnh phù hợp kế hoạch sản xuất, có sự liên kết, phối hợp…

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư