Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Giữ độc lập, chủ quyền quốc gia trong khai thác tài nguyên biển
Quang Hưng - 28/05/2015 15:57
 
Góp ý với dự thảo Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo, đại biểu Quốc hội đề nghị bổ sung quy định “Bảo đảm nguyên tắc giữ vững độc lập, chủ quyền quốc gia trong quản lý, khai thác, sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường biển và hải đảo” vào dự thảo Luật.
.
Đại biểu Quốc hội đề nghị bổ sung quy định “Bảo đảm nguyên tắc giữ vững độc lập, chủ quyền quốc gia trong quản lý, khai thác, sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường biển và hải đảo” vào dự thảo Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo

Tiếp tục chương trình làm việc kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIII, sáng nay, đại biểu Quốc hội cho ý kiến về dự thảo Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo.

Cụ thể, báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo của Ủy ban khoa học và công nghệ của Quốc hội cho biết: Về nguyên tắc quản lý tổng hợp tài nguyên biển và hải đảo (Điều 5), một số ý kiến cho rằng nên tách việc bảo đảm quốc phòng an ninh thành một nguyên tắc riêng để bảo đảm vấn đề chủ quyền biển đảo và an ninh quốc gia trong giai đoạn hiện nay. Một số đại biểu đề nghị bổ sung quy định: Bảo đảm nguyên tắc giữ vững độc lập, chủ quyền quốc gia trong quản lý, khai thác, sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường biển và hải đảo.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban khoa học và công nghệ của Quốc hội Phan Xuân Dũng, báo cáo tổng hợp ý kiến đại biểu Quốc hội, có ý kiến đề nghị cần quy định nguyên tắc bảo đảm quyền tiếp cận của người dân đối với biển và cụ thể hóa các nguyên tắc thành quy định để bảo đảm tính khả thi; bổ sung Điều 5 nguyên tắc theo hướng “bảo vệ ngăn ngừa vi phạm và đấu tranh chống xâm phạm dưới mọi hình thức”; bổ sung vào Điều 5 dự thảo Luật nguyên tắc “sử dụng và không gây nguy hại” đây là quyền và cũng là nghĩa vụ của quốc gia ven biển; Đề nghị xem xét sửa tên Điều 5 thành “Nguyên tắc quản lý tổng hợp tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo” và bổ sung nguyên tắc về bảo vệ môi trường biển và hải đảo để phù hợp với phạm vi điều chỉnh. 

Dự thảo dự thảo Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo bao gồm 10 chương, 81 điều quy định về quản lý tổng hợp tài nguyên và bảo vệ môi trường trong phạm vi vùng bờ, hải đảo và vùng biển Việt Nam; quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức và cá nhân trong quản lý tổng hợp tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo; Hoạt động bảo vệ môi trường, quản lý, khai thác, sử dụng các loại tài nguyên biển và hải đảo.

Tổng hợp ý kiến của các Đoàn đại biểu Quốc hội về dự thảo Luật tài nguyên, môi trường biển và hải đảo cho thấy, đa số các ý kiến tán thành với sự cần thiết ban hành Luật Tài nguyên, môi trường biển và hảo đảo trong tình hình hiện nay. Dự thảo Luật đã thể chế hóa các chính sách lớn của Đảng, Nhà nước về tài nguyên, môi trường; là cơ sở để quản lý tài nguyên, môi trường biển và hải đảo được đầy đủ, thống nhất; giải quyết cơ bản các vấn đề mâu thuẫn, chồng chéo trong quản lý, bảo vệ, khai thác tài nguyên biển và hải đảo giữa các ngành, các cấp. Tuy nhiên, nhiều ý kiến đề nghị cần phải tiếp tục rà soát kỹ lưỡng các nội dung quy định của Dự thảo Luật để tránh sự chồng chéo, mâu thuẫn, bảo đảm sự thống nhất giữa Luật này và các luật khác có liên quan; một số điều Dự thảo Luật quy định còn chung chung cần phải quy định rõ ràng, cụ thể hơn để bảo đảm tính khả thi khi Luật được ban hành.

Một số ý kiến đề nghị, Dự thảo Luật cần mở rộng phạm vi điều chỉnh bao gồm cả bãi ngầm lúc nổi, lúc chìm và các đảo nhân tạo mới bao quát hết được các thành phần trên biển. Luật phải đưa ra các phương pháp xử lý xung đột giữa các ngành, địa phương trong việc quản lý, khai thác tài nguyên biển. Đồng thời, bổ sung quy định rõ hơn đối với hoạt động quản lý, bảo vệ và khai thác tài nguyên các vùng biển, đặc biệt là vùng lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế.

Cũng có ý kiến cho rằng Dự thảo Luật thiếu quy định về nội dung bề mặt đáy biển, lòng đất dưới đáy biển; các bãi đá, san hô ngầm hay sát mặt nước biển (không được xem là đảo) là tài nguyên cần được bảo vệ. Đồng thời, nội dung quy định về quyền quản lý tài nguyên, khảo sát, nghiên cứu khoa học,…  trong Dự thảo Luật cần cụ thể thêm về chủ quyền, quyền quản lý của Việt Nam.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư